Theo thống kê, tính đến thời điểm hiện tại đã có 28 ngân hàng công bố KQKD quý I/2024.
Vietcombank vẫn giữ được phong độ là ngân hàng dẫn đầu lợi nhuận quý I năm nay. Mặc dù tất cả mảng kinh doanh của Vietcombank đều ghi nhận kết quả kém sắc hơn so với cùng kỳ, tuy nhiên, nhờ giảm chi phí hoạt động, chi phí dự phòng mà ngân hàng vẫn đạt được lợi nhuận 11.221 tỷ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt xa các đối thủ cùng ngành.
Vượt qua 2 cái tên trong nhóm Big4, Techcombank vượt lên đứng ở vị trí á quân lợi nhuận với lãi trước thuế hợp nhất hơn 7.801 tỷ đồng tăng 39% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý I/2024, nguồn thu chính của Ngân hàng đạt gần 8.500 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 30% so với cùng kỳ năm trước. Lãi từ dịch vụ tăng 12% lên hơn 2.171 tỷ đồng, hoạt động kinh doanh ngoại hối thu được khoản lãi hơn 544 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ hơn 229 tỷ đồng. Đáng chú ý, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lãi hơn 1.073 tỷ đồng, quý I/2023 ghi nhận khoản này lỗ.
Theo sau VCB là "ông lớn" BIDV, với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt trên 7.389 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ. Tổng tài sản của BIDV đạt trên 2,28 triệu tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đạt trên 1,76 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 1%. Huy động vốn đạt trên 1,9 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 1%. Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 11 kiểm soát dưới 1,4%.
Tiếp đến VietinBank ghi nhận lãi trước thuế hơn 6.210 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong quý I, Ngân hàng thu được 15.174 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Các nguồn thu ngoài lãi không đồng nhất. Trong khi lãi từ dịch vụ giảm 11% còn 1.779 tỷ đồng và hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư lỗ hơn 106 tỷ thì lãi kinh doanh ngoại hối tăng đạt 1.344 tỷ tăng 15% so với cùng kỳ và lãi từ mua bán chứng khoán kinh doanh tăng 37% đạt 38 tỷ so với cùng kỳ.
Tiếp theo sau là Ngân hàng TMCP Quân Đội MB với lãi trước thuế hơn 5.795 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước.
Thu nhập lãi thuần của MB trong 3 tháng đầu năm đã giảm 11,4% so với cùng kỳ năm 2023, còn 9.062 tỷ đồng. Lãi thuần từ dịch vụ đạt hơn 945 tỷ đồng, tăng 37%, nhờ thu từ dịch vụ thanh toán và ngân quỹ tăng 48% (711 tỷ đồng), thu từ dịch vụ xử lý nợ, thẩm định giá và khai thác tài sản gấp 2,6 lần (147 tỷ đồng).
Đặc biệt, lãi thuần từ chứng khoán kinh doanh của MB trong quý I/2024 tăng gấp 26 lần so với cùng kỳ, thu về 965 tỷ đồng. Lãi từ kinh doanh ngoại hối đạt 462 tỷ đồng tăng 24% so với cùng kỳ năm trước, lãi từ chứng khoán đầu tư tăng 61% so với cùng kỳ năm trước đạt 217 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) ghi nhận nhuận trước thuế đạt 4.892 tỷ đồng, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên vẫn bám sát với kế hoạch năm 2024 (ACB đặt chỉ tiêu lợi nhuận 2024 ở mức 22.000 tỷ đồng, tăng 10% so với 2023).
Thu nhập lãi thuần tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 6.721 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh ngoại hối đạt 233 tỷ đồng giảm 46% so với 437 tỷ đồng đạt được vào quý I/2023. Hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh đạt 196 tỷ đồng gấp 4,6 lần cùng kỳ năm trước. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư thu về 204 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ hơn 1 tỷ đồng.
>> Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy: ACB sẽ không đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp
VPBank công bố lãi hợp nhất gần 4.200 tỷ, tăng 64% so với cùng kỳ 2023. Báo cáo tài chính vừa công bố cho thấy, tín dụng hợp nhất của VPBank tăng 2,1% so với đầu năm, cao hơn mức 1,3% mức trung bình ngành, và tăng gần 22% so với cùng kỳ, đạt gần 613 nghìn tỷ đồng.
Trong 3 tháng đầu năm 2024, số lượng tài khoản đăng ký lũy kế trên VPBank NEO đạt gần 9,4 triệu với hơn 124 triệu giao dịch thực hiện. Tại FE Credit, tiếp nối hoạt động tái cấu trúc từ năm 2023 giúp công ty liên tục được cải thiện về doanh số với quý đầu năm tăng 29% so với trung bình năm 2023.
HDBank ghi nhận lãi trước thuế gần 4.028 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm trước. Nguồn thu từ tín dụng vẫn chiếm tỷ trọng chính trong thu nhập của HDBank khi tăng đến 48% so với cùng kỳ năm trước, thu được 7.610 tỷ đồng thu nhập lãi thuần.
Bất ngờ nhất là Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) với lợi nhuận kỷ lục trong quý I/2024 đạt hơn 4.000 tỷ đồng. Chia sẻ tại ĐHCĐ thường niên 2024, Tổng Giám đốc Ngô Thu Hà thông báo Lợi nhuận trước thuế Quý I đạt hơn 4.017 tỷ đồng. Con số này tương đương 35% kế hoạch lợi nhuận năm và là mức lợi nhuận cao nhất lịch sử hoạt động của SHB. Trước đó, ngân hàng này ghi nhận mức lãi hợp nhất trước thuế gần 3.020 tỷ đồng trong quý I/2023.
Ảnh: Tạp chí Công Thương |
Sau đổi tên, LPBank có tăng trưởng cao nhất khi lợi nhuận tăng đến 84% và đạt 2.886 tỷ đồng. Theo đó, LPBank vượt qua loạt nhà băng như Sacombank, VIB, TPBank để vọt lên Top 10 toàn ngành.
Ngân hàng Sacombank cũng mới công bố kết quả kinh doanh hợp nhất quý I/2024. Sacombank ghi nhận lãi trước thuế hơn 2.654 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước nhờ giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.
Trong quý, Sacombank thu được gần 5.951 tỷ đồng thu nhập lãi thuần, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm trước. Chiếm tỷ trọng sau nguồn thu chính là thu nhập từ dịch vụ hơn 578 tỷ đồng giảm 12% so với cùng kỳ và thu nhập từ kinh doanh ngoại hối gần 308 tỷ đồng tăng 19% so với quý I/2023.
Chi phí hoạt động của Ngân hàng tăng nhẹ 4%, lên mức gần 3.543 tỷ đồng. Thêm vào đó, Ngân hàng giảm 32% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, chỉ còn trích gần 678 tỷ đồng.
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2024 ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2.500 tỷ đồng.
Trong đó, tổng thu nhập hoạt động đạt 5.320 tỷ đồng, tăng trưởng 8% so với cùng kỳ. Thu nhập ngoài lãi chiếm tới gần 25% doanh thu, với sự đóng góp tích cực của các mảng thẻ tín dụng, ngoại hối và các khoản thu từ nợ đã xử lý rủi ro.
Chi phí hoạt động được kiểm soát tốt giúp hệ số chi phí hoạt động trên doanh thu (CIR) tiếp tục duy trì ở mức khoảng 30%. Nhờ đó, lợi nhuận trước dự phòng của ngân hàng đạt hơn 3.440 tỷ đồng, tăng hơn 2% so với cùng kỳ năm trước.
Ngân hàng Eximbank |
Một loạt các ngân hàng có lợi nhuận trước thuế ở mức trên 1.000 tỷ đồng và đều tăng trưởng so với cùng kỳ có thể kể đến như Ngân hàng Tiên Phong (1.800 tỷ đồng, tăng khoảng 4%), Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (1.530 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (1.506 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Phương Đông (1.214 tỷ đồng).
Một số ngân hàng nhỏ cũng đang cho thấy sự gia tăng về lợi nhuận như Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý I/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt gần 1.000 tỷ đồng tăng 236,4 tỷ đồng, tương ứng tăng 30,98% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý đây là lần đầu tiên quý I, Nam A Bank ghi nhận kết quả lợi nhuận đạt gần 1.000 tỷ đồng. Trong đó, thu nhập lãi thuần tăng 163 tỷ đồng, tương ứng tăng 10,48% so với cùng kỳ năm 2023. Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 78,9 tỷ đồng, tăng 60,83% so với cùng kỳ.
Các ngân hàng có mức lợi nhuận dưới 500 tỷ đồng trong quý I có thể kể đến như Ngân hàng TMCP Bắc Á (339 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Việt Á (247 tỷ đồng), KienlongBank (213 tỷ đồng), ABBank (178 tỷ đồng)...
Nằm trong top các nhà băng đi lùi, Eximbank ghi nhận KQKD quý I/2024 với lãi trước thuế chỉ hơn 661 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ năm trước và chỉ thực hiện được gần 13% mục tiêu năm.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Thịnh vượng và Phát triển (PGBank) vừa công bố kết quả kinh doanh đi lùi trong quý đầu năm. PGBank báo lãi trước thuế hơn 116 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 92,8 tỷ đồng, đồng loạt giảm 24,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thu nhập lãi thuần là hoạt động duy nhất tăng trưởng của PGBank khi tăng 30% so với cùng kỳ, lên 377,5 tỷ đồng. Các nguồn thu ngoài lãi đều đi lùi, trong đó hoạt động dịch vụ lỗ gần 9 tỷ đồng cùng kỳ năm trước lãi 14,15 tỷ đồng và mua bán chứng khoán đầu tư lỗ hơn 1 tỷ lỗ.
ĐHCĐ Vietinbank: Sẽ dùng nhiều biện pháp để giữ đà tăng trưởng lợi nhuận từ 5-10% trong năm 2024
Vietcombank ghi nhận tín dụng và huy động đều sụt giảm trong quý I/2024, nợ xấu tăng lên 1,22%