Toàn cầu thiếu hụt 1,24 triệu tấn cao su trong năm: Cơ hội lớn cho doanh nghiệp cùng ngành
Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên cảnh báo, tình trạng thiếu hụt nguồn cung cao su có thể còn kéo dài vài năm.
Hiệp hội các quốc gia sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) mới đây đã có điều chỉnh nâng dự báo nhu cầu cao su toàn cầu lên mức 15,74 triệu tấn. Đồng thời, hiệp hội cũng điều chỉnh giảm dự báo nguồn cung cao su tự nhiên toàn cầu cho cả năm nay xuống còn 14,50 triệu tấn.
Điều này dẫn đến sự thiếu hụt tới 1,24 triệu tấn cao su tự nhiên trên toàn cầu trong năm nay.
ANRPC cũng cảnh báo tình trạng thiếu hụt nguồn cung cao su tự nhiên trên toàn cầu có thể kéo dài đến năm 2028 với mức thiếu hụt rơi vào khoảng 600-800.000 tấn/năm.
Giá cao su trên thị trường thế giới đã duy trì đà tăng mạnh kể từ cuối năm 2023 đến nay. Dữ liệu sơ bộ cho thấy, tính đến tháng 6/2024 giá cao su xuất khẩu đã tăng tháng thứ 9 liên tiếp với mức tăng từ 2 - 4%/tháng.
Việc thiếu hụt nguồn cung cao su thế giới cũng là cơ hội cho các doanh nghiệp cao su Việt Nam. Chớp thời cơ, ông Trần Thanh Phụng, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (Mã CK: GVR), mới đây hé lộ, năng lực chế biến của các nhà máy trong tập đoàn nếu phát huy hết công suất có thể chế biến lên đến 200.000 tấn/năm.
Tại Hội nghị đánh giá công tác thu mua mủ cao su toàn tập đoàn giai đoạn 2020-2023, Ban lãnh đạo Cao su Việt Nam đã có nhiều đánh giá, phân tích về hoạt động thu mua mủ cao su của tập đoàn. Đồng thời cũng đưa ra những kiến nghị giải pháp, chia sẻ kinh nghiệm và định hướng mở rộng hoạt động thu mua mủ cao su.
Hiện nay, có 37 đơn vị thành viên tổ chức trực thuộc Tập đoàn đang tổ chức thu mua mủ cao su. Trong đó, 13 công ty ở khu vực Đông Nam bộ; 10 công ty ở khu vực Tây Nguyên; 5 công ty ở khu vực Duyên hải miền Trung; 2 công ty ở khu vực Miền núi phía Bắc.
Ngoài ra, tại thị trường nước ngoài, Cao su Việt Nam đang có 4 công ty tại Campuchia và 2 công ty tại Lào tổ chức thu mua mủ cao su.
Theo đánh giá của nhiều tổ chức, cao su tiểu điền do các hộ nông dân trồng nhỏ lẻ có vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng cao su thiên nhiên và chiếm khoảng 60% tổng lượng mủ cao su được khai thác trên cả nước.
Do đó, Tập đoàn cần tổ chức tốt trong việc thu mua cao su từ các hộ nông dân để duy trì nguồn cung ổn đinh, tận dụng tối đa công suất các đơn vị thành viên, đặc biệt trong bối cảnh Cao su Việt Nam đang dần chuyển đổi các vườn trồng cao su thành đất khu công nghiệp.
>>Giá dầu thô, heo hơi, cao su, phân bón, thép được dự báo tiếp tục tăng, nên lựa chọn cổ phiếu nào?
Công ty cao su đầu tiên công bố KQKD quý II/2024 với lợi nhuận sụt giảm 77%
Có câu chuyện chuyển đổi đất và lấn sân bất động sản, một cổ phiếu cao su được kỳ vọng tăng 24%