Tốc độ tăng thu nhập người Việt vượt Thái Lan, Philippines: Việt Nam có thu nhập trung bình cao?
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nhanh hơn khá nhiều so với một số nước trong khu vực. GDP bình quân đầu người lên hơn 4.300 USD. Việt Nam liệu đã vào nhóm thu nhập trung bình cao?
'Trượt' nhóm thu nhập trung bình cao do cách phân loại mới
Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới - World Bank (WB), trong năm 2023, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam đạt gần 430 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người đạt gần 4.347 USD/người.
Đây là con số rất cao so với mức khoảng 100 USD/đầu người khi Việt Nam mới mở cửa nền kinh tế (năm 1988) và khoảng hơn 1.000 USD khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007.
Tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người tại Việt Nam rất nhanh, vượt tốc độ ở nhiều nước khu vực, trong đó có Thái Lan, Philippines…
Vào năm 1986, GDP bình quân đầu người tại Thái Lan là 836 USD, tới 2007 con số này là 3.935 USD/người, tương đương mức tăng 4,7 lần. Còn tới 2023, GDP bình quân đầu người tại xứ sở chùa vàng là 7.172 USD.
Với tốc độ tăng trưởng nhiều năm đạt mức 6-8%, Việt Nam được cho là đã lọt vào top các nước có thu nhập trung bình cao giống như Malaysia, Thái Lan và Indonesia.
Tuy nhiên, theo phân loại mới nhất áp dụng cho năm 2023-2024, đáng tiếc là Việt Nam chưa lọt nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình cao (upper-middle income).
Theo phân loại mới, tính từ 1/7/2023-1/7/2024, thu nhập bình quân đầu người của các quốc gia được chia thành 4 nhóm: Các quốc gia có thu nhập bình quân dưới 1.135 USD thuộc nhóm quốc gia có thu nhập thấp; các quốc gia có thu nhập bình quân trong khoảng 1.136-4.465 USD thuộc nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp; các quốc gia có thu nhập bình quân trong khoảng 4.466-13.845 thuộc nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao. Các quốc gia có thu nhập bình quân trên 13.845 thuộc nhóm quốc gia có thu nhập cao.
Tính tới năm 2023, Việt Nam có thu nhập bình quân đầu người đạt gần 4.347 USD/người, thuộc nhóm quốc gia có thu nhập trung bình thấp.
Còn theo phân loại tính từ 1/7/2024 trở đi, nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao có thu nhập bình quân đầu người từ 4.516-14.005 USD/người.
Nếu chiếu theo phân loại này, có Malaysia, Thái Lan và Indonesia thuộc nhóm nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao, với thu nhập bình quân đầu người năm 2023 lần lượt tương ứng là 11.690 USD, 7.172 USD và 4.920 USD.
Singapore và Brunei thuộc nhóm quốc gia có thu nhập cao với GDP 2023 tương ứng là 84.734 USD và 29.133 USD/người.
Như vậy, theo phân loại cũ, từ năm 2022 trở về trước, có thể Việt Nam đã lọt nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình cao. Tuy nhiên, theo các phân loại mới hơn, Việt Nam cần thêm thời gian và có thể ngay trong năm 2024 sẽ lọt nhóm này, với GDP bình quân đầu người cần thêm gần 200 USD.
Với tốc độ tăng trưởng GDP trong năm 2024 giả sử đạt mức 6,5% và dân số tăng thêm không nhiều, mỗi người dân Việt Nam sẽ có thêm hơn 280 USD, đủ để lọt nhóm quốc gia có thu nhập trung bình cao với tiêu chí có 4.516-14.005 USD/người theo phân loại tính từ 1/7/2024.
Năm 2050 đạt 32.000 USD, khi nào Việt Nam vượt Indonesia?
Cuối năm 2022, Chính phủ có Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để trình Quốc hội.
Theo đó, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Mục tiêu đến năm 2050, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 27.000-32.000 USD. GDP bình quân tăng khoảng 7%/năm trong giai đoạn 2021-2030.
Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD. Quy mô dân số đến năm 2030 đạt khoảng 105 triệu người.
Đến năm 2050, trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Giai đoạn 2031-2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5-7,5%/năm.
Còn tính tới năm 2023, GDP bình quân đầu người của Việt Nam vẫn đứng thứ 6 trong khu vực Đông Nam Á, sau Singapore, Brunei, Malaysia, Thái Lan và Indonesia.
Trong khu vực, theo dự báo của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Việt Nam sẽ vượt qua Indonesia về GDP bình quân đầu người trong năm 2026.
Trước đó, một số tính toán cho thấy, Việt Nam mất hơn 10 năm để bắt kịp Thái Lan về GDP bình quân đầu người, gần 20 năm để đuổi kịp Malaysia và 50 năm để vượt Singapore.
Dù vậy, tất cả đều được tính toán dựa trên các giả thiết. Trên thực tế, còn có rất nhiều biến số. Trong một số trường hợp, nếu các nước giữ được tốc độ phát triển như trung bình 10 năm gần nhất, Việt Nam có thể mất hơn 50 năm để vượt Malaysia và hơn 100 năm để bắt kịp Singapore.
Theo dự báo của IMF, đến năm 2026, Việt Nam sẽ vươn lên đứng thứ 4 trong nhóm ASEAN-6 về GDP bình quân đầu người, đạt 6.140 USD/người, xếp sau Singapore (97.316 USD/người), Malaysia (17.121 USD/người), Thái Lan (9.480 USD/người) và vượt qua Indonesia (6.125 USD/người), Philippines (4.801 USD/người).
Dù vậy, cũng có thể Việt Nam bứt phá với tốc độ nhanh hơn, với các lý do sau.
Hiện Việt Nam là một trong những quốc gia duy trì được tốc độ phát triển rất nhanh sau đại dịch. Nền kinh tế có độ mở lớn, tham gia nhiều hiệp định thương mại song phương và đa phương và là điểm đến của dòng vốn FDI, cũng như là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam cũng là đối tác chiến lược toàn diện với nhiều nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Nga, Mỹ, Nhật...
>> Thủ tướng: Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2024 đạt 6,42%