Du ngoạn

Tôi về thăm cội nguồn phát tích Ngày Thương binh - Liệt sĩ, xúc động đọc bức thư của Bác Hồ

Vĩ Hạ 26/07/2024 - 09:21

Nếu như đền Hùng là nơi thờ vua Hùng đã có công dựng nước thì có thể coi khu di tích này là nơi thờ những người anh hùng giữ nước, những thương binh, liệt sĩ.

Nhà thơ Thanh Thảo từng viết:

“Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình

Tuổi hai mươi làm sao không tiếc

Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc...”

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng hàng vạn thanh niên Việt Nam đã ngã xuống. Họ ra đi trong những năm tháng đẹp nhất của tuổi trẻ với tinh thần như thế, bình thản nhận mọi nhiệm vụ, để rồi trong khoảnh khắc nhìn lại, có người vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất mẹ, có người trở về với cuộc sống đầy khó khăn... Họ là những người hùng của dân tộc, của nhân dân; những thương binh, những liệt sĩ.

Trong không khí của tháng Bảy linh thiêng, tôi đến thăm Khu di tích 27/7 - nơi cội nguồn phát tích Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Dưới bóng cây cổ thụ ở tổ dân phố Bàn Cờ (thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên), cả khu di tích được bao trùm bởi không gian tĩnh mịch, yên lặng.

Khu di tích nằm ngay cạnh tuyến đường thị trấn Hùng Sơn đi xã Mỹ Yên (huyện Đại Từ). Ảnh: Vĩ Hạ

Khu di tích nằm ngay cạnh tuyến đường thị trấn Hùng Sơn đi xã Mỹ Yên (huyện Đại Từ). Ảnh: Vĩ Hạ

Nằm trong khu quy hoạch của thị trấn Hùng Sơn, Khu di tích 27/7 đã trải qua nhiều lần tôn tạo, tu bổ nhưng vẫn giữ được nét cổ kính, trang nghiêm.

Từ cổng đi vào, hai hàng cây xanh rì rào, đong đưa theo gió. Xung quanh là vườn cây, ao sen với các loài hoa đang lặng lẽ khoe sắc, tô điểm cho không gian bớt phần ảm đạm, vắng vẻ của buổi chiều mưa.

Empty
Empty

Hai bên đường đi, những hàng tượng được tạc từ các tảng đá lớn, ghi lại những chiến công, hy sinh của quân và dân trong các cuộc chiến đấu bảo vệ dân tộc. Ảnh: Vĩ Hạ

Bước qua những bậc thang đá, hiện lên trước mắt tôi là cây đa cổ thụ rợp bóng, bao trùm cả một khoảng không gian rộng lớn. Hàng chục năm trôi qua, gốc đa già vẫn lặng lẽ đứng đó - như là nhìn nhận, như là chứng nhân cho những dấu ấn lịch sử, tiễn đưa lớp lớp người lính ra trận.

Cây đa cổ thụ vẫn ngày ngày tỏa bóng mát bên trong khu di tích. Ảnh: Vĩ Hạ

Cây đa cổ thụ vẫn ngày ngày tỏa bóng mát bên trong khu di tích. Ảnh: Vĩ Hạ

Cũng bên gốc đa này, vào chiều ngày 27/7/1947, một cuộc mít tinh đã diễn ra với khoảng 300 người tham gia gồm đại diện Tổng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ cứu quốc, Đoàn Thanh niên, Nha Thông tin, Cục Chính trị Quân đội Quốc gia và chính quyền địa phương tại xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn (nay là thị trấn Hùng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên).

Ông Lê Tất Đắc, đại diện Cục Chính trị Quân đội Quốc gia đã công bố bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kể từ đó, ngày 27/7 hàng năm được lấy làm Ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Nằm ở chính giữa khu di tích là Nhà thờ Bác Hồ. Ảnh: Vĩ Hạ

Nằm ở chính giữa khu di tích là Nhà thờ Bác Hồ. Ảnh: Vĩ Hạ

Ngay chính giữa, tượng của Bác được đặt trang nghiêm trên nền đỏ sao vàng. Ảnh: Vĩ Hạ

Ngay chính giữa, tượng của Bác được đặt trang nghiêm trên nền đỏ sao vàng. Ảnh: Vĩ Hạ

Empty
Xung quanh những hình ảnh của Người và nhân dân xã Hùng Sơn. Ảnh: Vĩ Hạ

Xung quanh những hình ảnh của Người và nhân dân xã Hùng Sơn. Ảnh: Vĩ Hạ

Bên cạnh gian thờ là tấm bia ghi lại bức thư của Bác gửi năm 1947. Trong thư, Người viết:

"Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí chịu ốm yếu, què quặt.

Vì vậy, Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những con người anh dũng ấy. Ngày 27/7 là một dịp để đồng bào ta bày tỏ lòng hiếu nghĩa bác ái, là tỏ ý yêu mến thương binh...

Tôi xin xung phong gửi một chiếc áo lót lụa mà chị em phụ nữ đã biếu tôi, một tháng lương của tôi, một bữa ăn của tôi và các nhân viên tại Phủ Chủ tịch cộng lại là 1.127 đồng".

Lời dạy của Bác cho các thế hệ tương lai lòng biết ơn tới các Anh hùng cách mạng, thương binh, liệt sĩ đã chiến đấu và hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: Vĩ Hạ

Lời dạy của Bác cho các thế hệ tương lai lòng biết ơn tới các Anh hùng cách mạng, thương binh, liệt sĩ đã chiến đấu và hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc. Ảnh: Vĩ Hạ

Bác Hồ không chỉ đồng ý lấy ngày 27/7 là ngày Chính phủ và toàn dân tỏ lòng hiếu nghĩa với thương binh, ngày 16/12/1947, Người ký Sắc lệnh “Quy định về chế độ hưu, bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ”. Đây được coi là văn bản đầu tiên khẳng định vị trí quan trọng của công tác thương binh, liệt sĩ đối với cuộc kháng chiến cứu nước.

Được biết, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, năm 1997, Khu di tích lịch sử 27/7 được khánh thành. Cùng năm, nơi đây được công nhận là Di tích Lịch sử cấp Quốc gia.

Tấm bia đá ghi lại lịch sử ra đời Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7. Ảnh: Vĩ Hạ

Tấm bia đá ghi lại lịch sử ra đời Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7. Ảnh: Vĩ Hạ

Khu di tích 27/7 không chỉ là minh chứng cho truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết của nhân dân địa phương mà còn là điểm tựa tinh thần, niềm tin và động lực to lớn cho thế hệ hôm nay và mai sau. Nơi đây là cội nguồn tri ân sâu sắc đối với những thế hệ cha anh đã hy sinh xương máu vì độc lập tự do, thống nhất đất nước và hạnh phúc của nhân dân.

Với giá trị lịch sử to lớn, Khu di tích 27/7 đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục thế hệ trẻ về lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm đối với cộng đồng và bồi đắp niềm tự hào dân tộc. Đến với khu di tích, mỗi người dân đều cảm nhận được sự thiêng liêng, trang trọng và lòng biết ơn vô bờ bến đối với những người đã hy sinh vì Tổ quốc.

Khu di tích cũng là điểm đến không thể bỏ qua khi đến với Thái Nguyên. Nơi đây không chỉ là điểm du lịch tâm linh mà còn là nơi để mỗi người con Việt Nam ôn lại lịch sử, hun đúc lòng yêu nước và ý thức trách nhiệm xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

>> Việt Nam có Ngân hàng ADN liệt sĩ và thân nhân đầu tiên: 'Trả lại tên' cho gần 300.000 liệt sĩ

Người con gái Pa Cô bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng trường, bắt sống 150 tên địch trên dãy Trường Sơn, là nữ anh hùng 7 lần được gặp Bác Hồ

Việt Nam ứng dụng công nghệ mới trong giám định ADN hài cốt liệt sĩ, đã tách chiết được 8.000 mẫu hài cốt

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/toi-ve-tham-coi-nguon-phat-tich-ngay-thuong-binh--liet-si-xuc-dong-doc-buc-thu-cua-bac-ho-d128507.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Tôi về thăm cội nguồn phát tích Ngày Thương binh - Liệt sĩ, xúc động đọc bức thư của Bác Hồ
POWERED BY ONECMS & INTECH