Xã hội

Việt Nam có Ngân hàng ADN liệt sĩ và thân nhân đầu tiên: 'Trả lại tên' cho gần 300.000 liệt sĩ

Vĩ Hạ 24/07/2024 07:22

Ngân hàng ADN sẽ là bước chuẩn bị tốt nhất cho hành trình dài tìm kiếm, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin...

Ngày 23/7, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Quốc phòng và các cơ quan tổ chức hội nghị “Tri ân người có công với cách mạng năm 2024 và ra mắt Ngân hàng gen (ADN) liệt sĩ chưa xác định được thông tin và thân nhân liệt sĩ”.

Mở đầu, lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng toàn thể đại biểu tham dự cúi đầu trong phút mặc niệm, tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ, đồng bào đã anh dũng đã hy sinh vì Tổ quốc và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, ngày 27/7 là dịp để toàn dân, toàn quân ta bày tỏ lòng tưởng nhớ, tôn vinh và tri ân công lao to lớn của các bậc anh hùng liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công với cách mạng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và đại diện bộ ngành thực hiện nghi thức ra mắt Ngân hàng gen liệt sĩ và thân nhân. Ảnh: Báo Tiền Phong

Thủ tướng Phạm Minh Chính và đại diện bộ ngành thực hiện nghi thức ra mắt Ngân hàng gen liệt sĩ và thân nhân. Ảnh: Báo Tiền Phong

Nói về Ngân hàng gen liệt sĩ và thân nhân, Thủ tướng nêu mục tiêu giám định, phấn đấu xác định danh tính 60% liệt sĩ trong các nghĩa trang. Cả nước còn khoảng 180.000 liệt sĩ chưa tìm được hài cốt, còn 300.000 hài cốt liệt sĩ trong các nghĩa trang chưa xác định được danh tính.

“Chúng ta tri ân gần 1,2 triệu người con ưu tú đã dũng cảm, xung phong ra trận, anh dũng chiến đấu, hy sinh quên mình. Trong đó, rất nhiều người ở lại với tuổi mười tám, đôi mươi, để lại phía sau bao ước mơ, hoài bão còn dang dở, những trang sách giảng đường, gia đình, người thân nơi hậu phương lên đường thực hiện nhiệm vụ”, Thủ tướng cho biết.

Đến nay, 900.000 hài cốt liệt sĩ đã được đưa về đất mẹ, gần 200.000 liệt sĩ vẫn đang phải nằm lại khắp các chiến trường xưa. Trong số 900.000 liệt sĩ đã được quy tập, cũng có tới hơn 300.000 ngôi mộ chưa xác định được thông tin.

Bia mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin tại Quảng Nam. Ảnh: Báo Vietnamnet

Bia mộ liệt sĩ chưa xác định được thông tin tại Quảng Nam. Ảnh: Báo Vietnamnet

Vì thế, việc hình thành Ngân hàng gen liệt sĩ chưa xác định thông tin và thân nhân liệt sĩ được xác định là giải pháp căn cơ để giải quyết, xác định danh tính, trả lại tên cho hàng trăm nghìn liệt sĩ.

Thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo triển khai Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin (Đề án 150), thực hiện với phương pháp giám định ADN và thực chứng.

Phương pháp giám định ADN đã triển khai gần 10.000 mẫu hài cốt liệt sĩ và hơn 3.000 mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sĩ. Kết quả, đã so sánh đối khớp được hơn 1.000 danh tính liệt sĩ để báo tin về cho thân nhân liệt sĩ.

Trong bối cảnh công tác giám định gen còn nhiều khó khăn, không ít gia đình liệt sĩ đã đón nhận niềm vui vỡ òa sau nửa thế kỷ chờ đợi: nhờ kết quả giám định ADN mà tìm được mộ người thân.

Tại lễ ra mắt Ngân hàng gen, 10 gia đình liệt sĩ đầu tiên được nhận giấy chứng nhận ADN. Trong đó, có 4 gia đình đã hoàn thành việc xác định hài cốt, đưa liệt sĩ về quê hương.

>> Người con gái Pa Cô bắn rơi máy bay Mỹ bằng súng trường, bắt sống 150 tên địch trên dãy Trường Sơn, là nữ anh hùng 7 lần được gặp Bác Hồ

Việt Nam ứng dụng công nghệ mới trong giám định ADN hài cốt liệt sĩ, đã tách chiết được 8.000 mẫu hài cốt

Nghĩa trang liệt sĩ lớn nhất Việt Nam nằm trải rộng trên 3 quả đồi, là nơi yên nghỉ của hơn 10.200 anh hùng liệt sĩ

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/viet-nam-co-ngan-hang-adn-liet-si-va-than-nhan-dau-tien-tra-lai-ten-cho-gan-300000-liet-si-d128474.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
Việt Nam có Ngân hàng ADN liệt sĩ và thân nhân đầu tiên: 'Trả lại tên' cho gần 300.000 liệt sĩ
POWERED BY ONECMS & INTECH