Hơn 81.000 căn hộ tại TPHCM tiếp tục chậm được cấp sổ hồng, TP đã tiến hành xử lý vi phạm với 33 dự án, xử phạt vi phạm hành chính với nhiều chủ đầu tư.
UBND TPHCM vừa có báo cáo gửi Thường trực HĐND về công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất (sổ hồng) lần đầu cho tổ chức, cá nhân tại các dự án nhà ở thương mại trên địa bàn thành phố.
"Mòn mỏi" chờ sổ hồng
Theo báo cáo trên, kể từ tháng 7/2014 đến 30/4 năm nay, TPHCM có 335 dự án đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận sổ hồng, tương ứng 191.101 căn hộ. Thế nhưng, hiện TP có tới 81.085 căn chưa được cấp sổ hồng.
Trong đó, gần 29.000 căn do chủ đầu tư, người mua chưa nộp hồ sơ, là những dự án không có vướng mắc nhưng có số lượng căn hộ nhiều hoặc chủ đầu tư vẫn đang nộp hồ sơ. Gần 20.000 căn đang thực hiện cấp giấy nay phải tạm ngừng do phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính bổ sung. Hơn 10.200 căn tạm ngừng cấp do đang thanh tra, điều tra. Và gần 9.000 căn chưa được cấp do vướng các quy định về loại hình bất động sản mới. Gần 8.400 căn chủ đầu tư đã nộp hồ sơ, đã phát hành thông báo thuế, chờ người dân đóng thuế.
Cũng theo báo cáo, trong giai đoạn 2020-2022, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM đã xử phạt, tham mưu UBND thành phố xử phạt 10 chủ đầu tư vì không nộp hồ sơ, không cung cấp hoặc cung cấp không đầy đủ giấy tờ để làm thủ tục cấp sổ hồng cho người mua nhà.
Bên cạnh đó, Thanh tra Sở Xây dựng đã xử lý vi phạm đối với 33 dự án, tham mưu ban hành 69 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với nhiều chủ đầu làm ảnh hưởng đến công tác cấp sổ hồng.
Hồi giữa tháng 5/2023, Sở TN&MT cũng chia các dự án thành 6 nhóm với lộ trình cụ thể. Với nhóm 1 gồm 47 dự án với 8.159 căn nhà chưa cấp giấy chứng nhận không có vướng mắc về mặt pháp lý, chỉ chờ xác nhận hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Nhóm thứ 2 gồm 30.061 căn gặp vướng mắc do dự án chậm nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận. Nhóm thứ 3 gồm 29 dự án với 10.019 căn vướng mắc về loại hình bất động sản mới sẽ được Sở tổ chức buổi tập huấn với sự tham gia của Bộ TTN&MT, thực hiện việc cấp giấy chứng nhận trong quý III/2023.
Nhóm 4 là đối với 39 dự án với 19.958 căn chưa cấp giấy chứng nhận do phải thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung và còn vướng mắc thực hiện nghiên cứu nhằm xác định những khó khăn, để đề ra biện pháp giải quyết phù hợp, trường hợp vượt thẩm quyền sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Thời gian thực hiện từ quý II đến quý IV/2023.
Nhóm 5 gồm 18 dự án với 8.235 căn chưa cấp giấy chứng nhận do đang thanh tra, kiểm tra, điều tra. Sở sẽ có văn bản trao đổi với cơ quan thanh tra, kiểm tra, điều tra về khả năng tiếp tục thực hiện các thủ tục hành chính về cấp giấy chứng nhận đối với từng dự án cụ thể. Thời gian thực hiện từ quý II đến hết quý III/2023.
Cuối cùng, với dự án có 4.653 căn chưa cấp giấy chứng nhận do các vướng măc khác. Sở sẽ nghiên cứu, đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải pháp tháo gỡ những nội dung vướng mắc này, trường hợp vượt thẩm quyền sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết. Thời gian thực hiện từ quý II đến quý III/2023.
Doanh nghiệp, người dân chịu ảnh hưởng
Theo chia sẻ của các doanh nghiệp bất động sản TP.HCM, hiện nay khâu tính tiền sử dụng đất trở thành "nỗi ám ảnh" của chủ đầu tư mỗi khi dự án phải thực hiện điều chỉnh quy hoạch kiến trúc. Bởi dù doanh nghiệp thực hiện đúng nội dung điều chỉnh, nhưng lại không có cơ quan có thẩm quyền nào chịu trách nhiệm để xác định doanh nghiệp có phải đóng tiền sử dụng đất hay không.
Trong khi đó, phỏng vấn ý kiến của người dân ở các chung cư hiện đang bị om sổ hồng do chủ đầu tư chưa thể đóng tiền sử dụng đất, nhiều ý kiến cho rằng việc định giá đất, xác định tiền sử dụng đất mà chủ đầu tư phải nộp là việc riêng giữa chính quyền và chủ đầu tư, không liên quan đến người mua căn hộ. Người mua căn hộ đang chính là những người gánh chịu hệ quả sau những "ách tắc" giữa doanh nghiệp và nhà nước.
Không chỉ tắc sổ hồng, trường hợp như tại dự án Khu chung cư cao tầng đại lộ Võ Văn Kiệt (tên thương mại High Intela) và Khu chung cư cao tầng tại đường An Dương Vương (West Intela), quận 8, của LDG Group thậm chí còn không thể triển khai 3 năm qua vì doanh nghiệp vẫn không thể đóng tiền sử dụng đất do đang chờ cơ quan chức năng thẩm định giá đất.
Khoảng thời gian chờ đợi này đồng nghĩa với việc dự án không thể tiếp tục triển khai dù đã hoàn thành xong phần ngầm, kéo theo rất nhiều “hệ lụy” cho doanh nghiệp.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM cho biết, để tháo gỡ khó khăn trong việc nộp tiền sử dụng đất cần phải tìm được tiếng nói chung của doanh nghiệp và chính quyền về quy trình nộp tiền sử dụng đất dự án. Đặc biệt, thành phố cần lắng nghe tiếng nói doanh nghiệp và sớm có hướng giải quyết để doanh nghiệp yên tâm triển khai, đảm bảo quyền lợi của các bên.
Thu nhập tăng thêm tới 22 triệu/tháng, 7 trường hợp giáo viên không được nhận
TPHCM chốt giá vé metro số 1, chỉ 40.000 đồng được đi không giới hạn trong ngày