Bất động sản

TP. HCM giải tỏa hơn 1.000 hộ dân, mục tiêu khép kín tuyến đường 'huyết mạch' gần 14.000 tỷ

Khuê Vân 23/09/2024 23:30

Việc giải tỏa và tái định cư số lượng lớn hộ dân luôn là một thách thức không nhỏ.

Sau 20 năm triển khai, 64km dự án đường Vành đai 2 TP. HCM còn 4 đoạn dang dở, trong đó có 3 đoạn thuộc TP. Thủ Đức. Tháng 4 vừa qua, TP. Thủ Đức đã tái khởi động dự án đoạn 1 và đoạn 2 bằng vốn ngân sách, được HĐND TP. HCM thông qua chủ trương đầu tư vào năm 2023.

Trong đó, đoạn 1 từ cầu Phú Hữu đến đường Võ Nguyên Giáp dài 3,5km có tổng mức đầu tư 9.328 tỉ đồng. Đoạn 2 từ đại lộ Võ Nguyên Giáp đến đường Phạm Văn Đồng, có chiều dài 2,8km với tổng vốn khoảng 4.543 tỷ đồng.

Đây là một phần trong kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông trọng điểm của TP. HCM, nhằm giải quyết vấn đề ùn tắc và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực phía Đông thành phố. Tuyến đường 6 làn xe, với tổng chiều dài hơn 10km, được quy hoạch sẽ kết nối trung tâm TP. Thủ Đức với các khu vực chiến lược như khu công nghệ cao, các cụm khu đô thị mới và các tuyến cao tốc liên vùng.

Vanh-Dai-2-Tphcm

Khu vực đường Võ Nguyên Giáp - nơi dự án Vành đai 2 đi qua. Ảnh: Anh Tú

Cả hai dự án được giải phóng mặt bằng toàn bộ từ đầu, rộng 67m, sau đó làm đường song hành hai bên với 6 làn xe (mỗi đường rộng 17m, quy mô 3 làn xe). Phần đất trống giữa tuyến sẽ dự trữ cho việc mở rộng đường sau này.

>> 10 trường học, 6 bệnh viện và loạt trụ sở tại Hà Nội vào danh sách chưa nghiệm thu PCCC

Trong tổng số kinh phí đầu tư, phần lớn chi phí dành cho giải phóng mặt bằng, ước tính hơn 8.600 tỷ đồng, để thu hồi hơn 61ha đất. Để thực hiện dự án, hơn 1.000 hộ dân tại khu vực này sẽ bị ảnh hưởng và phải di dời. TP. Thủ Đức đang khẩn trương hoàn tất thủ tục để chi hơn 7.000 tỷ đồng bồi thường cho hai đoạn của dự án Vành đai 2, ảnh hưởng đến hơn 1.000 hộ dân.

Dự kiến, quá trình giải phóng mặt bằng sẽ kéo dài khoảng 6 tháng và việc thi công tuyến đường sẽ diễn ra trong vòng 18 tháng. Các đơn vị thầu cam kết sẽ thực hiện đúng tiến độ và đảm bảo chất lượng công trình, với mục tiêu hoàn thành và đưa vào sử dụng trước năm 2026.

Chính quyền TP. HCM đã cam kết việc giải tỏa sẽ diễn ra công bằng, minh bạch, đảm bảo quyền lợi cho các hộ dân bị ảnh hưởng. Người dân sẽ được hỗ trợ tái định cư tại các khu vực khác với các chính sách đền bù thỏa đáng. Đặc biệt, nhiều hộ gia đình sẽ được ưu tiên di chuyển đến các khu tái định cư có cơ sở hạ tầng đồng bộ, giúp ổn định cuộc sống mới sau quá trình giải tỏa.

Dự án Vành đai 2 với 6 làn xe còn đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối các khu vực lân cận với trung tâm TP. HCM và các tuyến đường cao tốc trọng điểm như cao tốc Long Thành – Dầu Giây, giúp giảm thời gian di chuyển và tiết kiệm chi phí vận tải.

Dù dự án hứa hẹn mang lại nhiều lợi ích, nhưng việc giải tỏa và tái định cư số lượng lớn hộ dân luôn là một thách thức không nhỏ. Chính quyền TP. Thủ Đức đã tổ chức nhiều buổi họp để lắng nghe ý kiến người dân và giải quyết các khúc mắc về chính sách đền bù và tái định cư. Đa số người dân tại khu vực đều bày tỏ sự ủng hộ đối với dự án này. Họ kỳ vọng tuyến đường mới sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế và cải thiện môi trường sống cho khu vực, đồng thời giảm thiểu tình trạng kẹt xe, ô nhiễm đang ngày càng trở nên nghiêm trọng.

>> Cận cảnh những chi tiết sáng loá trong căn hộ dát vàng 24K ở TP. HCM

'Ăn theo' đường Vành đai 2, metro, giá nhà đất nóng lên

Cần bao nhiêu tiền để tiếp tục xây dựng đường Vành đai 2 - TP. HCM?

Theo Chất lượng và Cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/tp-hcm-giai-toa-hon-1000-ho-dan-muc-tieu-khep-kin-tuyen-duong-huyet-mach-gan-14000-ty-d133897.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Đặc sắc
Nổi bật Người quan sát
TP. HCM giải tỏa hơn 1.000 hộ dân, mục tiêu khép kín tuyến đường 'huyết mạch' gần 14.000 tỷ
POWERED BY ONECMS & INTECH