TP. HCM kỳ vọng Trung Quốc sẽ đầu tư vào 'siêu' cảng 4,8 tỷ USD lớn nhất Việt Nam
Nếu được Trung ương đồng ý, TP. HCM kỳ vọng việc TP. Trùng Khánh (Trung Quốc) sẽ tham gia tư vấn hoặc tham gia đầu tư vào dự án 'siêu' cảng quốc tế Cần Giờ.
Tiềm năng to lớn của "siêu" cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ
Ngày 24/9, trong khuôn khổ Đối thoại Hữu nghị TP. HCM lần 2 năm 2024, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM - ông Võ Văn Hoan đã có buổi gặp gỡ ông Trịnh Hướng Đông - Phó Thị trưởng TP. Trùng Khánh (Trung Quốc).
Tại buổi gặp, ông Võ Văn Hoan nhấn mạnh TP. HCM có sứ mệnh là trung tâm kinh tế, văn hóa, giao thông của cả Việt Nam với hệ thống phương tiện giao thông đồng bộ gồm đường hàng không, sông, biển, đường bộ và đường sắt.
Ông Hoan cho biết, lãnh đạo TP. HCM quyết tâm xây dựng 180km đường sắt đô thị vào năm 2035 và bày tỏ mong muốn Trùng Khánh tham gia vào dự án này.
Bên cạnh đó, TP. HCM hiện có cảng Cát Lái - cảng container quốc tế lớn nhất Việt Nam, cùng với các cảng như Hiệp Phước, Tân Thuận, Rạch Chiếc. Tuy nhiên, các cảng này đang quá tải do lượng hàng hóa lớn.
Do đó, TP. HCM đang hướng đến xây dựng huyện Cần Giờ trở thành trung tâm logistics, với kế hoạch phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, mang tầm cỡ khu vực Đông Nam Á.
>> ‘Đảo ngọc’ lớn thứ 3 Việt Nam sẽ trở thành thiên đường nghỉ dưỡng mang tầm cỡ quốc tế
Ông Hoan cho rằng, cảng Cần Giờ khi hoàn thành có thể kết nối với cảng Trùng Khánh (Trung Quốc), mở rộng cơ hội thương mại và giúp hàng hóa Trung Quốc dễ dàng tiếp cận thị trường phía Nam Việt Nam.
Lãnh đạo TP. HCM cũng kỳ vọng thông qua Hội nghị xúc tiến Hành lang thương mại Đường bộ - Đường biển quốc tế mới giữa Trùng Khánh và TP. HCM, hai địa phương sẽ tìm được phương thức kết nối để đưa hàng hóa Việt Nam đến Trung Quốc hoặc châu Âu nhanh và tiết kiệm nhất.
"Đây là dự án lớn, nếu Trung ương đồng ý, TP. HCM sẽ kêu gọi các nhà đầu tư cùng tham gia. TP cũng mong Trùng Khánh có thể đóng góp tư vấn hoặc đầu tư vào dự án", ông Hoan bày tỏ.
Trước những thịnh tình từ phía lãnh đạo TP. HCM, ông Trịnh Hướng Đông - Phó Thị trưởng TP. Trùng Khánh (Trung Quốc) gửi lời cảm ơn lãnh đạo TP. HCM đã mời đoàn đại biểu Trùng Khánh tham gia Đối thoại Hữu nghị.
Đại diện phía Trung Quốc khẳng định TP. HCM và Trùng Khánh có mối quan hệ hữu nghị sâu sắc, qua những cuộc giao lưu đã tạo được sự tin cậy và cơ sở hợp tác thống nhất.
Ông Trịnh Hướng Đông cũng đồng tình rằng đầu tư vào hệ thống đường sắt là cần thiết để hỗ trợ sự phát triển của TP. HCM và các ngành dịch vụ, đồng thời kỳ vọng hai địa phương sẽ tiếp tục gặp gỡ và thảo luận về hợp tác trong tương lai.
Cũng trong ngày, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Minh Hằng đã có buổi tiếp đón ông Trịnh Hướng Đông.
Bà Hằng đánh giá cao sự phát triển của TP. Trùng Khánh (Trung Quốc) và bày tỏ hy vọng Việt Nam và TP. Trùng Khánh sẽ tiếp tục thúc đẩy giao lưu, hợp tác trong các lĩnh vực như giao thông vận tải và logistics.
Trong 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch thương mại xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trùng Khánh đạt khoảng 3,2 tỷ USD; từ năm 2019, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ tư của TP. Trùng Khánh trong ASEAN.
Đôi nét về Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ
Về đề án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, TP. HCM đã giao Sở Giao thông vận tải (GTVT) thực hiện với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 4,8 tỷ USD, trình Thủ tướng Chính phủ vào giữa tháng 3/2024.
Đề án được chuẩn bị kỹ lưỡng sau chuyến thị sát của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo TP. HCM vào ngày 18/7/2023.
Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh việc đầu tư xây dựng cảng Cần Giờ cần đặt trong chiến lược phát triển kinh tế biển của cả nước và phải xem cảng Cần Giờ và cảng Cái Mép - Thị Vải là một cụm cảng không thể tách rời.
Theo Đề án, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ sẽ được xây dựng tại khu vực Cù Lao Con Chó (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ) với diện tích 571ha và sẽ trở thành cảng lớn nhất Việt Nam so với các cảng đang hiện hữu.
Đây là vị trí "cửa sông" Cái Mép - Thị Vải, trong vịnh Gành Rái, gần tuyến hàng hải quốc tế qua Biển Đông, thuận lợi cho cả trung chuyển nội địa và quốc tế.
Nếu được chấp thuận đầu tư, cảng Cần Giờ sẽ trở thành trung tâm trung chuyển của TP. HCM và khu vực, thu hút các hãng tàu, vận tải, doanh nghiệp logistics trong và ngoài nước, góp phần vào chuỗi cung ứng vận tải toàn cầu và tạo lực đẩy hình thành trung tâm tài chính quốc tế tại TP. HCM.
Liên quan đến tiến độ mới nhất về "siêu" dự án này, Hãng tàu MSC hiện đang là đơn vị quan tâm, tìm hiểu và mong muốn tham gia hợp tác đầu tư.
MSC là hãng tàu lớn nhất thế giới có trụ sở chính tại Geneva, Thụy Sĩ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cũng cho biết đã nhận được báo cáo thuyết minh hiện trạng rừng khu vực chuyển đổi, tuy nhiên hồ sơ còn thiếu bản đồ hiện trạng rừng theo yêu cầu.
Do đó, Bộ KH&ĐT đã yêu cầu nhà đầu tư cần bổ sung, giải trình và cung cấp thêm tài liệu trước ngày 15/10 nhằm đảm bảo đủ điều kiện và cơ sở pháp lý trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và chấp thuận.
>> Thủ tướng phê duyệt dự án sân bay quy mô 125ha tại tỉnh nhỏ nhất Việt Nam