TP Vinh sắp chuyển mình, trở thành đô thị thông minh, là cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ
Trong tương lai, TP Vinh sẽ là đô thị thông minh phát triển nhanh, bền vững, văn minh, hiện đại, là đầu tàu tăng trưởng kinh tế của cả vùng.
Tỉnh Nghệ An đặt mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, thành phố Vinh sẽ trở thành trở thành đô thị thông minh, hiện đại, sáng, xanh, sạch đẹp, an toàn và là một trong những động lực phát triển, cực tăng trưởng của vùng Bắc Trung Bộ.
Để đạt mục tiêu này, thành phố Vinh sẽ tập trung đẩy mạnh đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa - xã hội, nâng đời sống vật chất tinh thần cho người dân.
Thành phố cũng tạo đột phá trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư; quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường; nâng cao khả năng ứng phó với thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh.
Cụ thể, trong giai đoạn 2024-2030, thành phố Vinh thực hiện thu hút vốn đầu tư khoảng 300.000 tỷ đồng. Qua đó góp phần đến năm 2030, thu ngân sách của thành phố đạt khoảng 4.100-4.300 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người của thành phố gấp từ 1,8-2 lần bình quân toàn tỉnh; Kim ngạch xuất khẩu đạt 1.200-1.500 triệu USD. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 80-84%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 78%, tỷ lệ lao động được cấp văn bằng chứng chỉ đạt 48%.
>> Thành phố vừa 'nâng cấp' lên đô thị loại I, sẽ là trung tâm kinh tế quan trọng vùng Bắc Trung Bộ
Với những giải pháp đó, đến năm 2030, thành phố Vinh phấn đấu trở thành đô thị biển văn minh, hiện đại; kinh tế phát triển nhanh, bền vững, đầu tàu tăng trưởng của tỉnh, trung tâm của vùng Bắc Trung Bộ trên các lĩnh vực: Giáo dục và đào tạo, văn hóa, y tế, thương mại, du lịch, logistics, khoa học và công nghệ, công nghiệp công nghệ cao; hệ thống kết cấu hạ tầng từng bước đồng bộ, hiện đại, thích ứng với biến đổi khí hậu; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao.
Tầm nhìn đến năm 2045, thành phố Vinh là đô thị thông minh phát triển nhanh, bền vững, văn minh, hiện đại, một trong những động lực phát triển, cực tăng trưởng quan trọng của vùng Bắc Trung Bộ.
Thông tin từ Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký quyết định ngày 4/6/2024 công nhận thành phố Vinh mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại I.
Thành phố Vinh hiện có 25 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, gồm 16 phường (Bến Thuỷ, Cửa Nam, Đông Vĩnh, Đội Cung, Hà Huy Tập, Hồng Sơn, Hưng Bình, Hưng Dũng, Hưng Phúc, Lê Lợi, Lê Mao, Quán Bàu, Quang Trung, Trường Thi, Trung Đô, Vinh Tân) và 9 xã (Nghi Phú, Hưng Lộc, Nghi Kim, Hưng Đông, Hưng Hoà, Nghi Liên, Nghi Ân, Nghi Đức, Hưng Chính).
Thành phố Vinh sau mở rộng sẽ có diện tích 166,25km2, bao gồm toàn bộ địa giới hành chính của thành phố Vinh hiện hữu, thị xã Cửa Lò hiện hữu và 4 xã hiện hữu thuộc huyện Nghi Lộc (gồm các xã: Nghi Xuân, Phúc Thọ, Nghi Thái, Nghi Phong).
Đối với khu vực nội thành dự kiến gồm toàn bộ địa giới hành chính của 16 phường hiện hữu, 7 phường hiện hữu của thị xã Cửa Lò và 4 xã hiện hữu của thành phố Vinh (gồm các xã: Hưng Đông, Hưng Lộc, Nghi Phú và Nghi Đức) có tổng diện tích là 89,56km2.
Khu vực ngoại thành dự kiến gồm toàn bộ địa giới hành chính 5 xã hiện hữu của thành phố Vinh (gồm các xã: Hưng Chính, Hưng Hòa, Nghi Ân, Nghi Liên, Nghi Kim) và 4 xã hiện hữu thuộc huyện Nghi Lộc (gồm các xã: Nghi Xuân, Phúc Thọ, Nghi Thái, Nghi Phong), có tổng diện tích là 76,69km2.
Bất ngờ TP Nam Định sẽ tụt hạng xuống đô thị loại II sau sáp nhập
Quảng Trị lộ lý do đặc biệt khiến một huyện và một thị xã chưa được sắp xếp đơn vị hành chính