TPHCM tái diễn nạn người lang thang, ăn xin với nhiều chiêu trò, khó xử lý
Các đối tượng lang thang, ăn xin tập trung nhiều ở các cơ sở tôn giáo, bến xe, chợ…, có hành vi đối phó với cơ quan chức năng gây khó khăn trong việc xử lý.
Thông tin trên được ông Trần Quốc Dũng - Phó Trưởng phòng Bảo trợ Xã hội, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM đưa ra tại buổi họp báo kinh tế - xã hội chiều nay (17/10).
Theo ông Dũng, do ảnh hưởng của tình hình kinh tế khó khăn chung nên có nhiều người dân ở các địa phương đã tới TPHCM để kiếm sống, xin ăn tại một số địa bàn, tập trung nhiều ở các cơ sở tôn giáo, bến xe, chợ truyền thống…
Các đối tượng này có hành vi đối phó với cơ quan chức năng như giả dạng bán vé số, tăm bông, bút bi, kẹo cao su… khiến địa phương khó khăn trong xử lý.
Trong 9 tháng, Sở LĐ-TB&XH đã tiếp nhận 1.314 trường hợp trẻ em, người lang thang xin ăn và các đối tượng cần bảo vệ khẩn cấp khác do các tổ công tác quận, huyện, phường, xã bàn giao.
Bên cạnh đó, qua rà soát, Công an TPHCM đã lập danh sách quản lý đối với 8 trường hợp thuộc diện nghi vấn "chăn dắt", trong đó nhiều đối tượng là người thân, cha mẹ ruột của trẻ, người ăn xin.
Đặc biệt, Công an TP đã phối hợp quản lý 143 trường hợp người Campuchia lang thang, ăn xin, trong đó đã ra quyết định xử phạt, trục xuất 37 trường hợp trên 16 tuổi, bàn giao 46 trẻ em dưới 16 tuổi cho phía nước bạn.
Hầu hết những người này là phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người già có hoàn cảnh khó khăn sống tại các tỉnh giáp ranh biên giới với Việt Nam nhập cảnh qua cửa khẩu hoặc đường tiểu ngạch dù trước đó đã bị cơ quan chức năng Việt Nam trục xuất.
>> 'Bí mật đằng sau trẻ em ăn xin ở TPHCM': Sở Lao động nói gì?
'Bí mật đằng sau trẻ em ăn xin ở TPHCM': Sở Lao động nói gì?
Bí mật đằng sau trẻ em ăn xin ở TPHCM - Kỳ cuối: Cách nào ngăn chặn?