TPS: TTCK Việt Nam dễ hút vốn ngoại, VN-Index có thể cán mốc 1.450 điểm trong năm 2024

27-12-2023 09:22|Bình An

Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho rằng margin và hệ thống KRX sẽ là những nhân tố có thể giúp thị trường chứng khoán Việt Nam tăng tốc và được thăng hạng trong năm tới.

Báo cáo vĩ mô Chiến lược năm 2024 của CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS) cho rằng chứng khoán vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn trong năm 2024, được củng cố thông qua nhịp điều chỉnh mạnh trong tháng 9 – 10/2023, qua đó đưa định giá của VN-Index theo P/E từ mức cao 14,87 lần về mức 13,29 lần ở thời điểm cuối tháng 11/2023, qua đó tỷ suất E/P của thị trường trung bình rơi vào biên độ khoảng 7,4% - 8,1% (chưa bao gồm tỷ suất cổ tức).

Ngoài ra, nỗ lực hạ nhiệt lãi suất của Ngân hàng Nhà nước vẫn đang có những tác động tích cực khi lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng tại nhóm ngân hàng quốc doanh đã giảm về mức 5,22% so với mức đỉnh 7,4% được thiết lập trước khi chính sách nới lỏng được tiến hành.

TPS: TTCK Việt Nam dễ hút vốn ngoại, VN-Index có thể cán mốc 1.450 điểm trong năm 2024
Chứng khoán được dự báo vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn trong năm tới. (Ảnh: TPS).

Theo TPS, so với các quốc gia trong khu vực, VN-Index đang có mức P/E dự phóng khá thấp vào khoảng 9,1 lần. Điều này có ý nghĩa tích cực với việc thu hút dòng vốn ngoại vì nhà đầu tư ngoại thường lựa chọn ở những thị trường rẻ hơn để đầu tư, nhất là trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang đặt mục tiêu nâng hạng từ cận biên lên mới nổi trong khoảng 2-3 năm tới đây.

Hơn thế nữa, việc Việt Nam nâng tầm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ và Nhật Bản hứa hẹn sẽ giúp kinh tế khởi sắc hơn. Cùng với đó, với kỳ vọng lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ tiếp tục phục hồi sau khi tạo đáy vào quý IV/2022 và tăng tốc vào 2024 thì với mức định giá này, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ có lợi thế thu hút dòng vốn ngoại.

Margin là chìa khóa cho giai đoạn tăng tốc, KRX trở thành nhân tố “X” cho mục tiêu nâng hạng thị trường

Việc thanh khoản thị trường bùng nổ trong quý III/2023 có sự đóng góp không nhỏ của dòng tiền cho vay. Tính đến cuối tháng 9, tổng nợ vay của 30 công ty chứng khoán có dư nợ cao nhất (chiếm 96,2% tổng dư nợ toàn thị trường) đạt 149.861 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh 11,9% so với quý trước, nhưng vẫn thấp hơn so với mức đỉnh ở quý I/2022.

Cùng với đó, tỷ lệ dư nợ cho vay margin/Vốn chủ sổ hữu của nhóm các công ty này đạt 81%, thấp hơn so với mức đỉnh 140% và thấp hơn mức an toàn được quy định.

Theo TPS, kết quả này cho thấy trạng thái thị trường vẫn an toàn và các công ty chứng khoán vẫn còn dư địa để cho vay margin trong thời gian tới, điều này sẽ hỗ trợ cho đà tăng thị trường chứng khoán tăng trong năm 2024.

Một điểm tích cực khác là việc lãi suất huy động liên tục suy giảm trong thời gian qua đang hỗ trợ cho xu hướng dịch chuyển của dòng vốn sang thị trường chứng khoán (nơi có tỷ suất lợi nhuận theo E/P cao hơn). Cụ thể, lượng tiền gửi của khách hàng tại nhóm 30 công ty khoán trong quý III đạt 72.846 tỷ đồng, tăng 13,2% so với quý trước và 18,9% so với cùng kỳ năm trước.

Mặt khác, để hướng đến mục tiêu trong lộ trình nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, yêu cầu tiên quyết là phải đáp ứng được về mặt kỹ thuật. Cụ thể, việc vận hành hệ thống KRX là điều kiện cần và sự xuất hiện của cơ chế thanh toán bù trừ trung tâm (CCP) là điều kiện đủ để các giao dịch được thực hiện và kiểm soát rủi ro về mặt thanh toán.

TPS nhận định nếu có thể trở thành thị trường mới nổi, tác động rõ ràng nhất là thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ thu hút được dòng vốn lớn hơn, ổn định và đa dạng hơn từ những nhà đầu tư nước ngoài.

TPS: TTCK Việt Nam dễ hút vốn ngoại, VN-Index có thể cán mốc 1.450 điểm trong năm 2024
Dự phóng của TPS về thị trường năm 2024. (Ảnh: TPS).

Dựa trên những đánh giá về thị trường, TPS ước tính kịch bản cơ sở đối với VN-Index trong năm 2024 sẽ dao động quanh mục tiêu 1.387 điểm, tương ứng mức tăng trưởng thận trọng 10% cho cả năm.

Dưới góc nhìn lạc quan hơn, TPS kỳ vọng các khó khăn về vĩ mô sẽ thuyên giảm dần, tạo cơ sở cho các Ngân hàng Trung ương thế giới nới lỏng chính sách tiền tệ, qua đó kích thích hoạt động tiêu dùng tăng trưởng trở lại, tạo tiền đề cho hoạt động xuất khẩu của Việt Nam. Theo kịch bản khả quan, mức tăng trưởng toàn thị trường từ 15% sẽ dẫn dắt VN-Index đến quanh mức 1.450 điểm.

>>VN-Index tăng điểm 6 phiên liên tiếp, khối ngoại bán ròng phiên thứ 20

MBS: VN-Index có thể kết thúc năm 2023 quanh mốc 1.110 điểm

Mốc 1.100 'cầm chân' VN-Index, khối ngoại tranh thủ chốt lời 15.400 tỷ đồng

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tps-ttck-viet-nam-de-hut-von-ngoai-vn-index-co-the-can-moc-1450-diem-trong-nam-2024-217243.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    TPS: TTCK Việt Nam dễ hút vốn ngoại, VN-Index có thể cán mốc 1.450 điểm trong năm 2024
    POWERED BY ONECMS & INTECH