Trách nhiệm của Vinacomin khi để Công ty Quang Minh liên tiếp trúng thầu sát giá, dấu hiệu 'quân xanh quân đỏ'?

26-05-2022 16:32|Hồng Nam

Từ những chi tiết sẽ kể dưới đây, câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của Vinacomin ở đâu trong việc để một nhà thầu 'quen mặt' là Công ty Quang Minh liên tiếp trúng các gói thầu giá trị hàng chục tỷ đồng ở các đơn vị thành viên, với tỷ lệ giảm giá vô cùng thấp? Nguy cơ, rủi ro gây lãng phí đầu tư cho ngân sách nhà nước lớn cỡ nào?

Nhà thầu có 'bàn tay Midas'

Như Nguoiquansat.vn đã đề cập ở bài viết trước đó, Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Quang Minh, doanh nghiệp thành lập vào ngày 10/6/2004, trụ sở đặt tại phường Cẩm Bình, thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh, là một trong số nhà thầu chuyên vận chuyển đất đá, chế biến, sản xuất than "ruột" của các đơn vị thành viên trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), tiêu biểu là Công ty Cổ phần Than Đèo Nai - Vinacomin và Công ty Cổ phần Than Cọc Sáu - Vinacomin.

Theo số liệu Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia từ năm 2015 đang lưu trữ, từ năm 2015 đến nay, Công ty Quang Minh đã tham dự 38 gói thầu, trong đó phần lớn tới từ Công ty Than Đèo Nai và Công ty Than Cọc Sáu dưới vai trò là bên mời thầu, chủ đầu tư. Đáng nói, Công ty Quang Minh được ví như nhà thầu sở hữu "bàn tay vàng Midas" khi liên tục "hóa vàng" các hợp đồng làm ăn. Công ty Quang Minh chưa từng một lần thua thầu, cho dù đó có là các gói thầu được đấu thầu rộng rãi theo hình thức trực tiếp hay qua mạng.

Ngoài tỷ lệ chiến thắng tuyệt đối của nhà thầu Quang Minh, một điểm khiến dư luận càng thêm hoài nghi về tính minh bạch trong công tác đấu thầu tại Công ty Than Đèo Nai và Công ty Than Cọc Sáu, đó là giá trúng thầu rất cao, tiến sát đến mức giới hạn ngân sách mà chủ đầu tư đưa ra.

Thậm chí, một vài gói thầu còn cho thấy tỷ lệ tiết kiệm 0%, tức là không giảm 1 đồng nào cho ngân sách nhà nước. Chẳng hạn như gói thầu số 1 "thuê ngoài sản xuất than sạch từ đất đá lẫn than năm 2020, thuộc khai trường mỏ than Đèo Nai" hồi giữa tháng 1/2020. Theo Quyết định số 299/QĐ-TĐN ngày 20/1/2020 của Giám đốc Công ty Than Đèo Nai, Công ty Quang Minh đã được lựa chọn là nhà thầu thực hiện cho dù bỏ giá lên đến 61.185.351.150 VND, bằng với giá mà chủ đầu tư đưa ra.

Nên nhớ, đây là kịch bản đã được lặp lại, vì trước đó vào cuối năm 2018, hai đối tác "thân hữu" này đã cùng ký kết một thỏa thuận có các chi tiết giống y hệt. Đó là gói thầu số 1 "thuê ngoài chế biến, sản xuất than sạch từ sản phẩm ngoài than năm 2019 thuộc khai trường mỏ than Đèo Nai" được đóng thầu vào cuối năm 2018. Giá trúng thầu của Công ty Quang Minh theo Quyết định số 72/QĐ-TĐN ngày 7/1/2019 là 83.527.110.700 VND, cũng chính là mức giá dự toán, giá gói thầu do Công ty Than Đèo Nai phê duyệt.

Tại một gói thầu có giá trị cực lớn gần 800 tỷ đồng khác, liên danh với sự góp mặt của Công ty Quang Minh cũng thuận lợi trúng dù bỏ giá rất cao, là gói thầu số 3 "vận chuyển đất đá trong khai trường mỏ, thuộc công trình thuê ngoài khoan lỗ mìn, bóc xúc, vận chuyển đất đá năm 2020" do Công ty Than Cọc Sáu mời thầu với giá dự toán 778.258.362.697 VND.

Ngày 11/1/2020, Công ty Than Cọc Sáu đã lựa chọn liên danh Công ty Quang Minh - Công ty Cổ phần Hoàng Trường - Công ty Cổ phần Công nghiệp Tân Tiến - Công ty TNHH HHC Việt Nam - Công ty TNHH MTV Dịch vụ Tiến Đạt Quảng Ninh trúng thầu với giá 747.721.489.146 VND, chênh lệch giảm 30.536.873.551 VND cho ngân sách nhà nước, tương ứng tỷ lệ tiết kiệm 3,9%. Được biết, liên danh trúng thầu cũng là nhà thầu duy nhất nộp hồ sơ dự thầu.

Điều này, khiến dư luận không khỏi thắc mắc, tại sao Công ty Quang Minh tiết kiệm cho ngân sách nhà nước cực kỳ hạn chế, mà lại liên tục trúng nhiều gói thầu trong thời gian ngắn với giá trị "khủng"? Liệu rằng có sự "ưu ái" nào cho Công ty Quang Minh hay không? Hay công tác lập hồ sơ mời thầu, xây dựng giá dự toán và thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu có vấn đề?

Bàn lại ý nghĩa của hoạt động đấu thầu, quan trọng nhất vẫn là hướng tới hiệu quả kinh tế, giúp giảm tải cho ngân sách nhà nước. Để làm được điều này, chủ đầu tư, tư vấn đấu thầu (những người chủ khảo cuộc chơi) cần phải đảm bảo tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và yếu tố kiên quyết là phải thượng tôn pháp luật.

Giai đoạn 2016 - 2020, nhờ nguồn thu dồi dào từ ngân sách nhà nước thông qua các gói thầu có tỷ lệ giảm giá quá thấp, doanh thu thuần của Công ty Quang Minh lần lượt đạt 294,5 tỷ đồng, 288,9 tỷ đồng, 404,1 tỷ đồng, 494,5 tỷ đồng và 386,2 tỷ đồng (2020). Tuy nhiên, doanh nghiệp phải nộp thuế thu thập doanh nghiệp rất ít, do công bố lợi nhuận vỏn vẹn 542 triệu đồng (2017), 1,9 tỷ đồng (2018), 3,5 tỷ đồng (2019), 1,9 tỷ đồng (2020). Đặc biệt, doanh nghiệp còn chịu lỗ 6,7 tỷ đồng vào năm 2016.

Cấu trúc tài chính cũng khó èo uột, với nợ phải trả lên đến 560 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu chỉ đạt 48,4 tỷ đồng vào năm 2020, tức gấp 11,6 lần. Vốn lưu động (tài sản ngắn hạn trừ nợ ngắn hạn) không hề ấn tượng, ví dụ năm 2016 chỉ vỏn vẹn 13,9 tỷ đồng, dù năm trước đó trúng thầu có giá trị 61,8 tỷ đồng.

Dấu hiệu 'quân đỏ, quân xanh'?

Theo quan sát, ngoài những gói thầu "độc diễn", "một mình một ngựa" khi là nhà thầu duy nhất tham dự và nghiễm nhiên giành chiến thắng, Công ty Quang Minh có dấu hiệu sử dụng một chiêu trò kinh điển trong đấu thầu, ấy là màn kịch "quân xanh, quân đỏ" để chuộc lợi.

Dẫn chứng rõ nét nhất tại gói thầu số 1 "sàng tuyền, chế biến than sạch từ sản phẩm ngoài than", thuộc dự án công trình thuê ngoài sàng tuyển, chế biến than sạch từ sản phẩm ngoài than năm 2018. Ngày 7/3/2018, Giám đốc Công ty Than Cọc Sáu Vũ Văn Khẩn đã ký ban hành Quyết định số 1155/TCS-ĐTM thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu, trong đó Công ty Quang Minh trúng thầu với giá 88.168.319.883 VND, thấp hơn vẻn vẹn 90.378.359 VND so với giá gói thầu, tương đương tỷ lệ tiết kiệm 0,1%, tiếp tục mang đậm tính tượng trưng.

Trước khi lựa chọn Công ty Quang Minh, Công ty Than Cọc Sáu đã phải loại hai đối thủ của nhà thầu này là Công ty Cổ phần Thương binh Đoàn kết và Công ty TNHH Thương mại Hoàng Lân, với lý do quá "khó hiểu" là hồ sơ dự thầu không hợp lệ. Là nhà thầu tham dự gói thầu có giá lên đến gần 90 tỷ đồng, không lẽ hai nhà thầu trên lại mắc lý do sơ đẳng, gần như bị loại từ vòng gửi xe một cách dễ dàng như vậy?

vb(3).jpg

Tiếp nữa, một điểm có thể đơn vị chấm thầu gói thầu số 1 "sàng tuyền, chế biến than sạch từ sản phẩm ngoài than", thuộc dự án công trình thuê ngoài sàng tuyển, chế biến than sạch từ sản phẩm ngoài than năm 2018 đã bỏ qua, đó là việc Công ty Quang Minh có quan hệ hết sức mật thiết với Công ty Cổ phần Thương binh Đoàn kết.

Bởi lẽ, Công ty Quang Minh và Công ty Đoàn kết cùng ra đời vào năm 2004, cùng có trụ sở tại thành phố Cảm Phả và quan trọng hơn, có nhiều liên hệ với ông Phạm Thế Vinh, sinh năm 1977. Tại Công ty Quang Minh, ông Vinh và ông Phạm Thế Quang (1973), bà Đỗ Thị Thu Huyền (1976) là cổ đông nắm quyền chi phối doanh nghiệp, đồng thời ông Vinh là người đại diện pháp luật kiêm giám đốc Công ty Đoàn kết.

Còn ở Công ty Hoàng Lân, bà Đỗ Thị Hoàng Yến (1965) là người đại diện theo pháp luật và sở hữu toàn bộ 100% cổ phần.

Từ những chi tiết vừa kể, câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam ở đâu trong việc để một nhà thầu "quen mặt" là Công ty Quang Minh liên tiếp trúng các gói thầu giá trị hàng chục tỷ đồng ở các đơn vị thành viên, với tỷ lệ giảm giá vô cùng thấp? Không cần phân tích kỹ lưỡng, cũng dễ dàng thấy nguy cơ, rủi ro gây lãng phí đầu tư cho ngân sách nhà nước tại các đơn vị thành viên này.

Theo đó, từ góc độ kinh doanh, những năm gần đây, báo cáo kết quả kinh doanh hợp nhất của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam ngày càng kém khả quan, với biên lợi nhuận gộp trong khi xu thế giảm dần, từ 18,6% (năm 2018) về còn 16,2% (2019) và 15% (2020). Đây là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của tập đoàn sụt giảm, đồng nghĩa khoản nộp thuế thu nhập cho nhà nước càng thấp, chẳng hạn năm 2019 nộp 1.670 tỷ đồng thì năm 2020 chỉ còn nộp 585 tỷ đồng, do lợi nhuận trước thuế giảm từ 5.192 tỷ đồng còn 3.094 tỷ đồng.

Phải chăng, sự phung phí ngân sách của các công ty thành viên đã khiến tình hình kinh doanh của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam ngày một lao dốc? Để trả lời cho những nghi ngờ của dư luận, có lẽ cơ quan của Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cần vào cuộc, thanh tra, kiểm tra toàn diện để trả lời bạn đọc trong và ngoài nước.

Công ty Quang Minh: 'Siêu nhà thầu' than khoáng sản đất Quảng Ninh, đối tác 'ruột' của Vinacomin

Bài thuộc chủ đề Sản xuất, Công nghiệp
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/trach-nhiem-cua-vinacomin-khi-de-cong-ty-quang-minh-lien-tiep-trung-thau-sat-gia-dau-hieu-quan-xanh-quan-do-116428.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Trách nhiệm của Vinacomin khi để Công ty Quang Minh liên tiếp trúng thầu sát giá, dấu hiệu 'quân xanh quân đỏ'?
    POWERED BY ONECMS & INTECH