Quỹ bình ổn xăng dầu là tiền người dân đóng góp khi mua mỗi lít xăng dầu. Thế nhưng, không ít doanh nghiệp lại lợi dụng sơ hở để chiếm đoạt Quỹ, bất chấp Kiểm toán Nhà nước đã nhiều lần cảnh báo.
LTS: Nợ thuế, trốn thuế, buôn lậu, chiếm dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu... là những góc tối tại không ít doanh nghiệp đầu mối xăng dầu. Việc để lọt những doanh nghiệp có năng lực kinh doanh yếu kém này được cho là có nguyên nhân lớn từ khâu cấp phép.
Tuyến bài Góc khuất của các 'đại gia' xăng dầu do VietNamNet thực hiện mong muốn góp thêm tiếng nói nhằm lành mạnh hóa, sàng lọc thị trường xăng dầu, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, sự phát triển của những doanh nghiệp xăng dầu chân chính, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.
Loạt doanh nghiệp chiếm dụng Quỹ bình ổn
Khi Xuyên Việt Oil nằm trong tầm ngắm của cơ quan chức năng cũng là lúc việc công ty này "om" hàng trăm tỷ đồng tiền Quỹ bình ổn giá xăng dầu được phát hiện.
Thế nhưng, giờ đây, khi các lãnh đạo của Xuyên Việt Oil đã bị bắt thì khả năng thu hồi lại số tiền do người dân đóng góp khi mua xăng dầu của Xuyên Việt Oil cũng ngày càng mong manh.
Nhưng Xuyên Việt Oil không phải là trường hợp cá biệt “om” Quỹ này!
Năm 2022, Bộ Công Thương đã trầy trật giục Công ty CP Xăng dầu Thái Sơn B.Q.P (phường Đa Kao, quận 1, TP.HCM), Công ty CP Dương Đông - Hòa Phú (xã Hòa Phú, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận) nộp số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu vào ngân sách nhà nước. Lý do là các doanh nghiệp này đã bị rút giấy phép thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Tuy nhiên, qua nhiều lần giục giã, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính không nhận được bất cứ phản hồi nào về báo cáo, chứng từ của Công ty CP Xăng dầu Thái Sơn B.Q.P về việc nộp số tiền hơn 21,76 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước; còn Công ty CP Dương Đông - Hòa Phú không nộp số tiền hơn 3,76 tỷ đồng.
Sau khi doanh nghiệp không chấp hành nộp tiền vào ngân sách nhà nước, Bộ Công Thương và Bộ Tài chính đã thống nhất chuyển hồ sơ của hai công ty trên sang Bộ Công an điều tra, xử lý theo quy định.
Song, việc này có thể cũng không có nhiều ý nghĩa trong truy thu Quỹ, khi mà trước đó, loạt lãnh đạo của Công ty CP Dương Đông - Hòa Phú đã bị truy tố vì buôn lậu xăng dầu (năm 2022). Còn người sáng lập Công ty CP Xăng dầu Thái Sơn B.Q.P là Đinh Ngọc Hệ (tức Út trọc) cũng đã bị truy tố vì nhiều tội danh khác.
Tương tự, trong vụ việc mới đây, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an đã khởi tố một số lãnh đạo của Công ty Bách Khoa Việt. Tại thông báo phát đi, Bộ Công an cho biết ngắn gọn là các lãnh đạo của Bách Khoa Việt bị khởi tố về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Tuy nhiên, theo VTV, là doanh nghiệp xăng dầu đầu mối, công ty Bách Khoa Việt phải cung cấp nguồn hàng cho đơn vị kinh doanh xăng dầu, nhưng trên thực tế, do không đủ năng lực, điều kiện nên công ty này phải ký hợp đồng bán hàng khống cho doanh nghiệp bán lẻ.
Theo quy định, căn cứ vào số lượng xăng dầu tiêu thụ và văn bản điều hành của Bộ Công Thương, doanh nghiệp phải có nghĩa vụ trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu (Bách Khoa Việt trước khi bị rút giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu xăng dầu cũng từng là doanh nghiệp đầu mối, phải trích lập Quỹ bình ổn theo quy định - PV).
Tuy nhiên, Bách Khoa Việt mới trích lập một phần, số tiền còn lại công ty đã chiếm đoạt để chi tiêu trái phép và trả nợ các khoản vay.
"Phớt lờ" cảnh báo của kiểm toán
Chuyện các doanh nghiệp xăng dầu chiếm dụng Quỹ bình ổn giá có thể đã không xảy ra nếu cơ quan quản lý nghiên cứu và thực thi nghiêm kết luận của Kiểm toán Nhà nước.
Năm 2017, Kiểm toán Nhà nước đã ban hành báo cáo kiểm toán chuyên đề việc trích lập, quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu và công tác quản lý, điều hành giá xăng dầu giai đoạn 2015-2016.
Kết luận này chỉ rõ một số “lỗ hổng” trong việc sử dụng, quản lý Quỹ bình ổn. Đó là nhiều doanh nghiệp đầu mối chưa công bố về số trích lập, số sử dụng và số dư Quỹ hàng tháng và trước mỗi lần điều chỉnh giá; chưa cung cấp hồ sơ tài liệu chứng minh việc đã báo cáo Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) tình hình (số dư, số trích, số sử dụng, lãi phát sinh Quỹ ngày 25 hàng tháng và tổng hợp báo cáo khi kết thúc năm tài chính gửi Liên Bộ Tài chính - Công Thương theo quy định).
Thời điểm ấy, Kiểm toán Nhà nước cũng cảnh báo có tình trạng chưa chuyển tiền trích Quỹ bình ổn giá vào tài khoản riêng tại ngân hàng. Công ty Nam Sông Hậu đã bị kiểm toán điểm tên.
Vai trò và hiệu quả của việc hình thành, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu có những hạn chế nhất định do việc điều hành Quỹ của cơ quan có thẩm quyền còn hạn chế, Kiểm toán Nhà nước nhận định.
Trước đó, năm 2011, Kiểm toán Nhà nước cũng hoàn tất kiểm toán việc trích lập quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu. “Việc để Quỹ tại doanh nghiệp có những hạn chế về tính minh bạch, dễ bị doanh nghiệp lạm dụng để sử dụng vào mục đích khác, rủi ro đối với Quỹ cao mà không có biện pháp phòng ngừa, không tách bạch được các khoản lãi từ Quỹ mang lại”, Kiểm toán lưu ý.
Những cảnh báo của Kiểm toán Nhà nước vào các năm 2011 và 2017 đã trở thành sự thật, khi các vi phạm liên quan đến Quỹ bình ổn giá bị phanh phui như đề cập ở trên. Số thương nhân đầu mối công khai quỹ theo quy định trên trang web hầu như là của doanh nghiêp nhà nước; nhiều thương nhân đầu mối còn không có nổi một trang web.
"Tất cả cần sự minh bạch"
Theo quy định hiện hành, Quỹ bình ổn giá xăng dầu được lập tại doanh nghiệp. Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm trích lập, chi sử dụng, báo cáo, công khai về Quỹ và quản lý Quỹ theo quy định.
Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm lựa chọn, mở tài khoản theo dõi riêng về Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại ngân hàng; có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tên, địa chỉ, thông tin liên lạc của ngân hàng đó đến Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá), Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) và công bố thông tin theo quy định.
Thông tư số 103/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định: Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật đối với việc thực hiện trích lập, chi sử dụng, báo cáo và quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Còn trách nhiệm quản lý Quỹ thuộc về hai Bộ: Công Thương và Tài chính. Quy định tại thông tư này thể hiện vài trò quan trọng của Bộ Công Thương trong việc trích lập Quỹ trên cơ sở ý kiến của Bộ Tài chính. Trường hợp hai Bộ có ý kiến khác nhau thì Bộ Công Thương ra quyết định để áp dụng.
Định kỳ, trước ngày 15 hàng tháng, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm lập và gửi báo cáo về Bộ Tài chính và Bộ Công Thương tình hình thực hiện Quỹ bình ổn giá xăng dầu của tháng trước liền kề. Trường hợp cần thiết, theo yêu cầu quản lý nhà nước hoặc theo kế hoạch nắm bắt thông tin hàng năm, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức làm việc, trao đổi, kiểm tra trực tiếp tại đơn vị.
Ông Văn Công Thật, giám đốc một công ty bán lẻ xăng dầu tại TP.HCM, cho rằng: Tài khoản ngân hàng trích lập quỹ còn tiền hay không chỉ có cơ quan chức năng yêu cầu, ngân hàng mới cho biết.
Việc quản lý, giám sát, hậu kiểm liên quan Quỹ hoàn toàn không quá khó nếu chúng ta quyết tâm làm.
Việc thanh tra hết tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại các DN đầu mối sẽ làm rõ và trả lời những nghi ngại của người tiêu dùng về quỹ này, qua đó, giúp “giải oan” cho DN đầu mối làm ăn nghiêm túc.
"Tất cả cần sự minh bạch”, ông Văn Công Thật nhấn mạnh.
Bài 3: Lập ra loạt DN đầu mối xăng dầu năng lực kém chỉ để làm 'sân sau'
Khi dự thảo Luật Giá (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến lần đầu, Bộ Tài chính đã đề xuất bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu. Tuy nhiên, khi đó, lãnh đạo Bộ Công Thương cho rằng việc bỏ Quỹ sẽ dẫn tới không còn cơ sở pháp lý để trích và sử dụng Quỹ tại các nghị định của Chính phủ. Do đó, Bộ này đề xuất bổ sung nội dung về Quỹ bình ổn giá đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết việc lập, quản lý và sử dụng Quỹ để có cơ sở triển khai thực hiện.
Luật Giá (sửa đổi) vừa qua cũng thể hiện tinh thần này. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khi thẩm tra luật đã lưu ý Chính phủ cần đề cao tính công khai, minh bạch về thực trạng nguồn lực, việc sử dụng quỹ.