Tranh cãi biển chỉ dẫn ghi ‘for Ben Thanh’ hay ‘to Ben Thanh’
Biển chỉ dẫn ở tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên tại TPHCM ghi “for Ben Thanh” gây ra nhiều tranh cãi về việc dùng “to” hay “for” mới đúng trong trường hợp này.
Ngày 22/12, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) chính thức được vận hành. Không lâu sau đó, nhiều ý kiến tranh luận về tấm biển chỉ dẫn ghi “for Ben Thanh” là sai, thay vào đó phải sử dụng “to Ben Thanh” mới chuẩn xác, thể hiện việc đi tới nơi nào đó.
Về vấn đề này, thầy giáo Trần Anh Khoa, giáo viên ở TPHCM, người từng đạt 9.0 IELTS cho rằng dùng “to” hay “for” đều đúng ngữ pháp, tùy theo từng hoàn cảnh, mục đích sử dụng, nhưng trong trường hợp này “to” sẽ phổ biến hơn.
“Lý do gây tranh cãi ở đây là không có động từ hay tính từ đi trước giới từ. Do đó, việc dùng “for” hay “to” đều đúng tuỳ theo 'tưởng tượng' từ nào đang ngầm đi trước. Ví dụ nếu ngầm hiểu từ đi trước là 'go' sẽ là 'go to', còn ngầm hiểu từ đi trước là 'head', 'bound' hay 'leave' thì sẽ là 'head for', 'bound for' hay 'leave for'…
Ngoài ra 'be + for…' có thể dùng để chỉ mục đích. Như vậy 'for Bến Thành' có thể hiểu là mục đích để đến ga cuối Bến Thành. Theo cách lý giải này cũng sẽ hợp lý”, thầy Trần Anh Khoa nói.
Đồng quan điểm, anh Phùng Tiến Thành, đạt 9.0 IELTS, cho hay dùng “for” hay “to” đều chính xác. Trong trường hợp này, có thể hiểu “for Ben Thanh” là “in order to reach trains headed in the direction of Ben Thanh”. Cách hiểu này phù hợp với biển báo chỉ lối đi tới nơi đứng đợi tàu đi Bến Thành. Ngoài ra, theo anh Thành, còn một cách hiểu khác của “for Ben Thanh” là “if you wish to reach Ben Thanh...”.
Trong khi đó, TS Nguyễn Việt Khoa, quyền Trưởng khoa Ngoại ngữ, ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng việc dùng “for Ben Thanh” không đúng cả về ngữ pháp lẫn ngữ dụng trong tiếng Anh nếu dùng trên biển báo giao thông.
“For” có thể dùng trong ngữ cảnh khác (không phải trên biển chỉ dẫn giao thông), ví dụ “This train was carrying a cargo of steel for Ben Thanh” (Chuyến tàu này chở thép cho ga Bến Thành) hoặc “This train is for Brighton only” (Chuyến tàu này chỉ tới ga Brighton).
Trong khi đó, “to Ben Thanh” đúng về mặt ngữ pháp nhưng cũng ít nơi dùng. Ở Mỹ, một vài nơi có sử dụng “to + địa điểm đến” nhưng “to” được viết in hoa và nhỏ hơn điểm tới.
Theo trải nghiệm cá nhân, TS Nguyễn Việt Khoa cho hay, thầy cũng gặp khá nhiều biển báo giao thông “sai” nếu theo đúng tiêu chuẩn tiếng Anh nhưng vẫn được sử dụng.
“Khi nói và viết một câu hoàn chỉnh, chúng ta có nhiều không gian để thể hiện ngôn ngữ hơn một biển báo giao thông. Vì thế một số nước, chẳng hạn như Anh hay Mỹ, thường viết tên của địa điểm kèm mũi tên bên cạnh chỉ hướng, thay vì dùng 'to + địa điểm đến'. Điều này giúp hành khách dễ hình dung hơn khi đi tàu”, thầy Khoa nói.
>>Khách đi metro TPHCM tiếp tục lập 'đỉnh' với hơn 175.000 người/ngày
Metro số 1 liên tục ‘lập đỉnh’, khách đi từ ngày 2/1/2025 phải quét mã QR
'Biển người' trải nghiệm metro số 1 TPHCM trong ngày chủ nhật cuối cùng của năm