Trụ trì ngôi chùa đẹp nhất Cần Thơ nuôi nghìn sinh viên thành tiến sĩ, giám đốc
Chùa Pitu Khôsa Răngsây là ngôi chùa đẹp bậc nhất Cần Thơ, nơi đây nhiều năm qua đã cưu mang, nuôi hơn nghìn sinh viên nghèo thành tài, có người trở thành giám đốc doanh nghiệp, có người đạt học vị tiến sĩ, thạc sĩ.
Nằm giữa trung tâm TP Cần Thơ, chùa Pitu Khôsa Răngsây không chỉ là công trình kiến trúc tôn giáo đẹp nổi tiếng thu hút du khách trong và ngoài nước, mà còn gắn liền với câu chuyện cưu mang hàng nghìn sinh viên nghèo học thành tài.
Trụ trì chùa Pitu Khôsa Răngsây là Thượng tọa Lý Hùng, người xây hai ký túc xá trong chùa để nhận nuôi, lo chỗ ăn ở miễn phí cho sinh viên nghèo theo học tại các trường đại học, cao đẳng ở TP Cần Thơ.
Từ năm 1996 đến nay, với sự dìu dắt, cưu mang, giúp đỡ của Thượng tọa Lý Hùng, đã có hơn 1.000 sinh viên ra trường nên danh và lập nghiệp. Trong đó rất nhiều người trở thành giám đốc, hay học lên thạc sĩ, tiến sĩ, du học ở nước ngoài...
Sinh ra và lớn lên tại TP Cần Thơ, Thượng tọa Lý Hùng trải qua tuổi thơ cơ cực. Lúc nhỏ, ông làm nhiều việc như lượm ve chai, mò cua, bắt ốc… để có tiền mua sách vở đến trường. Với niềm tin và nỗ lực không ngừng, ông đã vượt lên mọi khó khăn, khát vọng “lập thân” giúp đời.
Năm 14 tuổi, ông xuất gia tại chùa Sanvor Pôthinhen (quận Ô Môn). Ông luôn tâm niệm “đạo” cũng là “đời”, “đời” cũng như “đạo”, có tính chất song hành. Người tu sĩ phải học đạo để tu đời, sống sao cho “tốt đời, đẹp đạo”.
Những năm tháng xuất gia, Thượng tọa Lý Hùng dành hết tâm trí chuyên tâm vào tu học. Hiện ông là tiến sĩ Tôn giáo học và có thể giao tiếp bằng nhiều ngôn ngữ như: Khmer, Anh, Trung Quốc, Bali…
“Trải qua khoảng thời gian nghèo khó, phải làm đủ việc để nuôi con chữ nên tôi rèn luyện cho bản thân phải miệt mài học tập để có trình độ, kiến thức, giúp đời, giúp người”, Thượng tọa Lý Hùng chia sẻ.
Thấu hiểu khó khăn của sinh viên dân tộc Khmer khi lên TP Cần Thơ học đại học, cao đẳng, từ năm 1996, Thượng tọa Lý Hùng đã giúp đỡ, cưu mang các em.
“Lúc đầu do điều kiện khó khăn nên chùa chỉ hỗ trợ vài em. Sau đó, tôi vận động được nguồn kinh phí nên cưu mang hàng chục em, có lúc lên đến 60 sinh viên. Các em sống trong chùa hoàn toàn miễn phí từ điện, nước, ăn uống, sinh hoạt... Em nào khó khăn thì thông qua các dịp lễ hội, nhà chùa trao tặng học bổng; không có xe thì tặng xe đạp cho các em đi học. Các em sinh sống như một thành viên trong chùa. Cha mẹ các em rất mừng khi thấy con mình có nơi giúp đỡ, bớt được nỗi lo trong cuộc sống”, Thượng tọa Lý Hùng chia sẻ.
Thượng tọa Lý Hùng nói thêm, nhà chùa luôn sẵn lòng đón nhận, cung cấp nơi ăn, ở để các em có điều kiện học tập, theo đuổi ước mơ. Tuy vậy, lúc vào ở, các em phải có sự đồng thuận của gia đình để tiện bề dạy dỗ, tuyệt đối không chấp nhận sinh viên có đạo đức kém.
Khi sinh hoạt tại chùa, các em còn được dạy lễ nghi, phong tục tập quán, nếp sống, văn hóa của dân tộc… “Thanh niên đồng bào dân tộc Khmer khi trưởng thành phải xuất gia vô chùa tu để báo hiếu cha mẹ. Tuy nhiên, các em đi học cao đẳng, đại học nên không xuất gia, bởi vậy khi các em sống trong chùa được các sư dạy sinh hoạt, lễ nghi, truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer”, ông nói.
Theo Thượng tọa, đa số các em sống trong chùa sau khi học xong đại học đều thành tài, có công ăn việc làm ổn định. “Có nhiều em khi còn học tranh thủ đi bán vé số, bánh mì để kiếm thêm thu nhập. Có hôm bán không hết bánh mì đem về chùa thì sư mua hết cho các em. Sau này khi ra trường, các em đều có việc làm ổn định, có em trở thành giám đốc doanh nghiệp lớn. Cũng có em học lên thạc sĩ, tiến sĩ hay đi du học ở nước ngoài. Dẫu đi đâu, làm gì thì các em luôn nhớ quãng thời gian sống trong chùa nên quay về đây phụ với các sư lo cho đàn em học thành tài như mình để giúp ích cho đời, phụng sự đất nước…”, Thượng tọa Lý Hùng nói.
Theo Thượng tọa, các em trong quá trình học đều được chính sách hỗ trợ từ chính quyền địa phương. "Sư chỉ mong sau khi các em hoàn thành chương trình học thì quay về địa phương cống hiến, hiếu nghĩa với cha mẹ. Tôi mong khi thành tài rồi, các em giúp đỡ lại những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn giống như mình”.
Em Danh Trung Chánh (18 tuổi, quê Kiên Giang), sinh viên ngành Kỹ thuật cơ điện tử - Đại học Cần Thơ vừa vào chùa Pitu Khôsa Răngsây sống chia sẻ: “Cha mẹ em ở quê làm nông, kinh tế không ổn định. Bởi vậy, lúc hay tin em đậu đại học, cha mẹ cũng lo lắng chi phí sinh hoạt của em ở Cần Thơ. May mắn, em được giới thiệu đến chùa Pitu Khôsa Răngsây và được Thượng tọa Lý Hùng nhận cưu mang nên mọi chi phí từ chỗ ăn, ở đều được miễn phí. Sống trong chùa rất yên tĩnh nên phù hợp cho việc học tập. Ngoài ra em còn được các sư dạy nghi lễ, sinh hoạt của đồng bào mình".
Tương tự, em Lai Tấn Lực (sinh viên năm nhất của Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ) nói: “Ở trong chùa, em không tốn bất cứ phí nào. Em không phải lo chuyện ăn ở, chỉ tập trung vào việc học hành.
Thời gian rảnh rỗi, em và các bạn dọn dẹp, vệ sinh trong khuôn viên chùa và cùng nhau nấu ăn. Em có cảm giác nơi đây như một đại gia đình của mình vậy”.
Diễn biến mới nhất công trình trái phép tại chùa do ông Thích Chân Quang trụ trì
Chủ trại hòm bị phạt 15 triệu đồng vì livestream xúc phạm trụ trì chùa