Quốc tế

Đế chế kinh doanh của 'Tập đoàn Thiếu Lâm Tự': 5 'pháp bảo kiếm tiền' mang về hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, trụ trì gây choáng với cuộc sống xa hoa

Phương Nhi 10/04/2024 - 11:15

Có lẽ không nhiều người biết rằng, Thiếu Lâm Tự chính là một đế chế kinh doanh thực thụ khi thu về hàng chục triệu USD mỗi năm.

Chùa Thiếu Lâm (Thiếu Lâm Tự) là một ngôi chùa cổ kính toạ lạc trên núi Trung Sơn, thuộc thành phố Trịnh Châu, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Người Trung Hoa có câu: “Thiên hạ công phu xuất Thiếu Lâm” nhằm tôn vinh tầm quan trọng của môn phái võ thuật này. Chùa Thiếu Lâm cũng nổi tiếng lâu đời nhờ mối quan hệ chặt chẽ giữa Phật giáo và võ thuật. Được coi là cái nôi của Thiền tông Trung Hoa, tên tuổi của Thiếu Lâm Tự được biết đến trên toàn thế giới.

Ngôi chùa này có hơn 1.500 năm lịch sử và nằm trong quần thể các công trình lịch sử ở Đăng Phong được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá thế giới. Trong suốt 15 thế kỉ, các nhà sư tại Thiếu Lâm Tự đã không ngừng hoàn thiện, giữ gìn và truyền bá võ học Thiếu Lâm qua nhiều thế hệ.

Tuy nhiên, có lẽ không nhiều người biết rằng Thiếu Lâm Tự còn là một đế chế kinh doanh thực thụ. Ngôi chùa được ví như "Tập đoàn Thiếu Lâm" với 5 công ty con đều mang tên Thiếu Lâm Tự là: Công ty quản lý tài sản, Công ty Hoan hỷ địa, Công ty truyền bá văn hóa, Công ty phát triển thực phẩm và Công ty Dược. 5 công ty này được coi là "5 pháp bảo kiếm tiền".

Năm 2013, hoạt động kinh doanh ở đây phát đạt đến nỗi sư trụ trì chùa là Thích Vĩnh Tín đã nộp hồ sơ IPO trên sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông. Tuy nhiên hồ sơ này bị từ chối do lo ngại việc thương mại hoá quá mức sẽ gây ảnh hưởng tới hình ảnh ngôi chùa.

Các "pháp bảo kiếm tiền" phủ khắp thế giới

Trong một bài phát biểu vào năm 2011, sư trụ trì chùa khi ấy là Thích Vĩnh Tín đã tiết lộ rằng chùa đang có khoảng hơn 40 công ty con ở nước ngoài với mục tiêu truyền bá võ thuật lấy cảm hứng từ Phật giáo ra toàn thế giới.

Năm 1982, thành công vang dội của bộ phim Thiếu Lâm Tự đã tạo nên một “làn sóng” thu hút vô số môn sinh trên toàn thế giới đến Thiếu Lâm Tự xin học võ. Ngôi làng dưới chân núi thậm chí đã trở thành một “lò luyện Kung-fu” đích thực.

“Ăn theo” xu hướng này, nhiều võ đường cũng được thành lập nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của môn sinh. Ước tính, mỗi năm có tới 50 võ đường được mở cùng 50.000 môn sinh theo học võ Thiếu Lâm.

Đế chế kinh doanh kín tiếng của 'Tập đoàn Thiếu Lâm Tự': 5 'pháp bảo kiếm tiền' mang về hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, trụ trì gây choáng với cuộc sống x
Thiếu Lâm Tự

Đặc biệt, có rất nhiều đệ tử giàu có ồ ạt tìm đường lên núi, sẵn sàng bỏ ra 800 USD/tháng (gần 20 triệu đồng) để học quyền thuật và được trải nghiệm cuộc sống ở Thiếu Lâm Tự.

Phần lớn các môn sinh này là CEO của các doanh nghiệp triệu đô, doanh nhân quốc tế và chuyên gia thành đạt ở nhiều lĩnh vực.

Thức thời nắm bắt nhu cầu này, chùa còn xây dựng một trường dạy võ thuật riêng – Thiếu Lâm Tự Tung Sơn - đào tạo võ sinh. Chi phí cho một năm theo học tại đây rơi vào khoảng 7.000 đến 12.000 USD (khoảng 174 triệu đến 299 triệu đồng).

Thiếu Lâm Tự còn gửi các nhà sư đi các nước trên thế giới để giảng dạy cũng như truyền bá về kungfu Thiếu Lâm và Phật Giáo. Hiện Thiếu Lâm tự đã có các chi nhánh tại London (Anh), Berlin (Đức), Budapest (Hungary), Vienna (Áo)...

Chùa Thiếu lâm cũng tham gia vào hoạt động của một vài ngành công nghiệp khác. Ví dụ như điện ảnh. Hiện nay, chùa đang sở hữu một số công ty hoạt động dưới quyền như Công ty Điện ảnh Thiếu Lâm Hà Nam, công ty dược phẩm và một quầy bán đồ lưu niệm trực tuyến, cho phép khách hàng từ khắp nơi trên thế giới đặt mua các sản phẩm của Thiếu Lâm. Sản phẩm rất đa dạng từ đũa, trà, đến các quyển sổ "bí kíp võ công" Thiếu Lâm...

Chưa dừng lại ở đó, năm 2003, trụ trì Thích Vĩnh Tín ủy quyền cho một công ty để sáng tạo ra trò chơi mang tên "Huyền thoại Thiếu Lâm" (Shaolin Legend).

Một nguồn thu ổn định khác của chùa Thiếu Lâm chính là vé vào cửa thăm chùa. Du khách khi muốn đến thưởng ngoạn Thiếu Lâm Tự phải "móc hầu bao" mua vé vào cổng với giá 100 nhân dân tệ (khoảng 16 USD), một khoản chi phí mà không phải ai cũng có khả năng với tới, nhất là dân thường.

Các khoản phí này do Công ty du lịch văn hóa Thiếu Lâm Tùng Sơn, doanh nghiệp có liên kết với ban quản lý chùa Thiếu Lâm, thu và quản lý. Theo ước tính, hàng ngàn du khách đến đây mỗi ngày, nhưng lâu nay phía Công ty Tùng Sơn chưa từng công bố tổng số du khách cũng như doanh thu hàng năm. Dẫu vậy, các chuyên gia nhận định, khoản thu này đạt khoảng 20 triệu USD mỗi năm (499 tỷ đồng).

Nhà sư CEO

Phương trượng Thích Vĩnh Tín sinh năm 1965 tại tỉnh An Huy (Trung Quốc), xuất thân trong một gia đình khá giả và tin tưởng vào Phật pháp. Sau khi sư phụ qua đời, ông được thăng chức làm Phương trượng trụ trì Thiếu Lâm Tự từ năm 1999.

Vốn là người thông minh, ông học hỏi rất nhanh về Phật pháp, biên soạn nhiều tác phẩm về văn hóa Thiếu Lâm, thành lập nhiều nhóm nghiên cứu, đội võ thuật và trở thành thành viên nòng cốt của Thiếu Lâm Tự cũng như Phật giáo Trung Quốc.

Ông được biết đến là người có công lớn xây dựng nên đế chế kinh doanh cho Thiếu Lâm Tự, đồng thời là nhà sư Trung Quốc đầu tiên có bằng Thạc sỹ Quản trị kinh doanh.

Đế chế kinh doanh kín tiếng của 'Tập đoàn Thiếu Lâm Tự': 5 'pháp bảo kiếm tiền' mang về hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, trụ trì gây choáng với cuộc sống x
Phương trượng Thích Vĩnh Tín

Khi mới lên nắm cương vị phương trượng, chứng kiến cảnh điêu tàn của Thiếu Lâm Tự, từ khi vào chùa, nhà sư Thích Vĩnh Tín đã chủ trương phải phát triển kinh tế, dựa vào tiềm lực kinh tế để phô trương thanh thế của Thiếu Lâm Tự. Trải qua hơn 10 năm theo đuổi con đường kinh doanh, Thích Vĩnh Tín đã đưa Thiếu Lâm Tự bước lên đỉnh hoàng kim, tiếng tăm lẫy lừng.

Ông khẳng định các doanh nghiệp trực thuộc chùa không lợi nhuận làm động lực mà chủ yếu muốn truyền bá văn hoá Thiếu lâm ra toàn cầu.

Cho tới nay, thông tin Phương trượng Thích Vĩnh Tín sở hữu khối tài sản lên tới 3 tỷ USD vẫn chỉ là “tin đồn” chứ chưa có một báo cáo chính thức nào ở Trung Quốc xác nhận điều này. Tuy nhiên, con số này không phải là không có cơ sở nếu nhìn vào quá trình mở rộng quy mô và chiến lược thương mại hóa của Thiếu Lâm Tự trên phạm vi toàn cầu.

Cuộc sống giàu có xa hoa của nhà sư CEO

Trong đa số các bộ phim truyền hình hay tác phẩm văn học Trung Quốc, các đệ tử Phật giáo thường xuất hiện với hình ảnh mộc mạc, quần áo sơ sài và sống theo lối tu thiền khổ hạnh.

Trái ngược với đó, Phương trượng Thích Vĩnh Tín lại vô cùng sang trọng khi khoác lên mình những món đồ xa xỉ đắt tiền. Tờ Sohu tiết lộ, chỉ riêng sợi kim tuyến trên chiếc áo cà sa của ông đã có giá 50.000 NDT (hơn 172 triệu đồng) và đó chỉ là "phần nổi của tảng băng" trong số trang phục mà ông mang trên người.

Theo Sohu, chiếc vòng hạt trong tay của Thích Vĩnh Tín được làm từ loại gỗ quý hiếm mà người bình thường khó có thể chạm vào. Chuỗi tràng hạt trên cổ ông cũng khiến các nhà sưu tập ngưỡng mộ. Vị trụ trì này sở hữu 7 - 8 chuỗi tràng hạt khác nhau để dùng cho mỗi sự kiện.

Giá trị cụ thể của những món phụ kiện trên không được tờ Sohu nhắc đến, nhưng có một thứ trên người trụ trì Thích Vĩnh Tín có thể định giá được, đó là chiếc Vân Cẩm cà sa của ông.

Nhiều thông tin nhận định, chiếc áo cà sa này được thiết kế theo phong cách thời nhà Minh. Các tin đồn trước đó cho rằng chiếc cà sa của Thích Vĩnh Tín có giá khoảng 160.000 NDT (hơn 560 triệu đồng) nhưng trên thực tế, giá trị của nó lớn hơn rất nhiều.

Chiếc áo cà sa này được thiết kế vô cùng tinh xảo với chất liệu gấm quý giá. Từ những chiếc móc áo cho đến những sợi kim tuyền đều được làm bằng vàng 18k và còn được đính những viên ngọc lục bảo thượng hạng.

Đế chế kinh doanh kín tiếng của 'Tập đoàn Thiếu Lâm Tự': 5 'pháp bảo kiếm tiền' mang về hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, trụ trì gây choáng với cuộc sống x
Vân Cẩm cà sa của trụ trì Thích Vĩnh Tín

Theo các nguồn thông tin, để làm ra áo cà sa của Thích Vĩnh Tín cần đến 48 người với 16 khung dệt và mất một năm rưỡi để hoàn thành. Chỉ tính những sợi kim tuyến trên áo đã lên tới 50.000 NDT và đây là số liệu từ chục năm trước. Theo báo cáo chính thức của các phương tiện truyền thông hiện tại, chi phí cho chiếc Vân Cẩm cà sa này phải lên tới 550.000 NDT (hơn 1,8 tỷ đồng).

Bên cạnh đó, người ta thường thấy trụ trì Thích Vĩnh Tín thường lái những chiếc xe sang khác nhau đến Thiếu Lâm Tự.

>> Dấu chấm hết tức tưởi của 'đế chế' 150 tuổi: Từ số 1 thế giới rơi xuống đáy vực sâu, lợi nhuận bốc hơi 95%, CEO bật khóc không biết mình sai ở đâu

Cụ ông 55 tuổi mới khởi nghiệp nhưng tạo dựng được đế chế 700 tỷ USD, từ Apple đến Nvidia đều phải tìm đến

Đế chế 122 năm tuổi lung lay vì đại chiến gia tộc: Mẹ bỏ đi khi gia đình nợ nần nhưng 20 năm sau quay lại kiện 3 con ruột đòi quyền thừa kế

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/de-che-kinh-doanh-kin-tieng-cua-tap-doan-thieu-lam-tu-5-phap-bao-kiem-tien-mang-ve-hang-nghin-ty-dong-moi-nam-tru-tri-gay-choang-voi-cuoc-song-xa-hoa-230003.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đế chế kinh doanh của 'Tập đoàn Thiếu Lâm Tự': 5 'pháp bảo kiếm tiền' mang về hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, trụ trì gây choáng với cuộc sống xa hoa
    POWERED BY ONECMS & INTECH