Khách du lịch Trung Quốc có thể đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm tới so với dự kiến hiện tại.
Sau gần 3 năm đóng cửa phòng dịch COVID-19, Trung Quốc đã chính thức mở cửa hoàn toàn trở lại từ ngày 8/1. Trung Quốc đã chứng kiến lượng người qua lại các cửa khẩu biên giới trên bộ, cửa khẩu sân bay, đường biển tăng đột biến. Người hối hả về quê đón Tết, đoàn tụ gia đình, người đi du lịch nước ngoài để bù cho 3 năm đóng cửa là những gì có thể cảm nhận được trong ngày đầu tiên.
Dữ liệu từ các trang web du lịch cho thấy lượng du khách Trung Quốc đặt chỗ ra nước ngoài bùng nổ. Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2023, số khách đăng ký đã tăng 540% so với 2022.
Tăng trưởng kinh tế nhờ ngành du lịch
Trong giai đoạn trước COVID-19, Trung Quốc là thị trường du lịch outbound (khách đi du lịch nước ngoài) lớn nhất thế giới, mang lại nguồn thu chiếm tới 20% doanh thu du lịch toàn cầu. Tuy nhiên với chính sách “zero Covid”, trong 3 năm qua (2020 - 2022) Trung Quốc đã đóng cửa và vì vậy thế giới đã không đón được khách du lịch Trung Quốc. Nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam trước đây khách du lịch Trung Quốc là nguồn khách lớn nhất thì nay gặp khó khăn.
Kể cả trong giai đoạn 2 năm COVID-19, khách du lịch từ Trung Quốc chiếm cấu phần lớn, lần lượt là 34,1% và 43,5% trong hai năm 2020 - 2021. Các con số này cho thấy, Trung Quốc đóng góp một phần khá lớn vào hoạt động du lịch và dịch vụ ăn uống tại Việt Nam.
Xét về giá trị lũy kế của ngành dịch vụ, mặc dù giá trị mảng dịch vụ lưu trú và ăn uống đã hồi phục gần như trở lại giai đoạn trước COVID-19 nhưng dịch vụ lữ hành vẫn còn cách một khoảng khá xa.
Lũy kế ngành dịch vụ lưu trú ăn uống 9 tháng đạt 431 nghìn tỷ đồng (tăng 54,75% so với cùng kỳ), khá sát với con số của năm 2019 là 435 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, lũy kế ngành dịch vụ lữ hành 9 tháng chỉ đạt 18 nghìn tỷ đồng (dù đạt mức tăng trưởng mạnh là 295% nhờ mức nền thấp của năm ngoái).
Kết quả tăng trưởng ấn tượng nhưng vẫn chưa thể hồi phục trở lại mức 2019 là 34 nghìn tỷ đồng. Vì thế BSC kỳ vọng lượng khách du lịch Trung Quốc quay trở lại Việt Nam sẽ giúp gia tăng tốc độ hồi phục của ngành dịch vụ lữ hành trong năm 2022 và 2023.
Theo phân tích của ông Michael Kokalari - kinh tế trưởng VinaCapital, du lịch nước ngoài đóng góp khoảng 10% GDP của Việt Nam trước Covid-19 và lượng khách du lịch nước ngoài đang trên đà đạt 25% so với mức trước dịch trong năm nay.
Trong báo cáo của Quỹ đầu tư VinaCapital, ông Michael Kokalari, kinh tế trưởng, cho rằng Trung Quốc mở cửa trở lại ít tác động với kinh tế Việt Nam hơn các quốc gia khác trong khu vực ASEAN. Nguyên nhân là mức độ tiếp xúc của Việt Nam với thị trường nội địa Trung Quốc khá khiêm tốn. Tác động quan trọng lớn nhất, theo VinaCapital là lượng khách du lịch có khả năng quay lại bình thường trong nửa cuối 2023. Đây cũng là động lực thúc đẩy tăng trưởng GDP của Việt Nam tăng thêm 2% trong năm sau.
“Chúng tôi kỳ vọng lượng khách du lịch nước ngoài sẽ đạt trên 50% so với mức trước Covid-19 vào năm 2023, dựa trên giả định rằng lượng khách du lịch Trung Quốc sẽ trở lại bình thường vào nửa cuối năm sau. Tuy nhiên, tốc độ phát triển gần đây ở Trung Quốc cho thấy lượng khách du lịch Trung Quốc có thể phục hồi nhanh hơn. Do đó, khách du lịch Trung Quốc có thể đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm tới so với dự kiến hiện tại”, báo cáo cho biết.
Việt Nam sẵn sàng đón khách du lịch
Người Trung Quốc chọn khu vực châu Á để du lịch đầu năm mới, vì giá cả phải chăng. Đồng thời, khu vực này không bị những hạn chế liên quan đến dịch COVID-19. Theo ông Arlt, du lịch giải trí sẽ bắt đầu tăng vào quý 2/2023. Khi đó, quy trình phê duyệt hộ chiếu và thị thực diễn ra suôn sẻ. Trong khi đó, các chuyến bay đã được nối lại hoàn toàn.
Tại Việt Nam, hãng hàng không Vietnam Airlines đã nối lại 100% chuyến bay, đường bay lớn tới Trung Quốc. Trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, năm 2019, có 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc tới Việt Nam. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, con số này của năm 2022 là gần 60.000 người. Điều này cho thấy tiềm năng tăng trưởng trở lại của khách du lịch Trung Quốc là rất lớn, sự vắng vẻ của các thủ phủ du lịch như Nha Trang, Đà Nẵng... khi Trung Quốc đóng cửa đã nói lên điều đó.
Tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai (Việt Nam), từ 7h sáng ngày 8/1, các công dân Việt Nam và Trung Quốc bắt đầu làm thủ tục xuất nhập cảnh qua cửa khẩu Lào Cai - Hà Khẩu khi Trung Quốc mở cửa lại. Tại đây, các công dân chỉ cần xuất trình hộ chiếu hoặc sổ thông hành. Sau khoảng hai phút làm thủ tục, các công dân đã được cho phép xuất nhập cảnh.
Theo chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, để đón tiếp hiệu quả, an toàn khách du lịch Trung Quốc, thị trường lớn nhất của Du lịch Việt Nam, cần có sự chuẩn bị chu đáo. Việc đầu tiên ngành Du lịch phải triển khai là đưa ra các giải pháp cấp bách để sớm thu hút được khách du lịch Trung Quốc. Đồng thời phải ban hành các quy chế chặt chẽ về quản lý hoạt động này, đảm bảo kết quả kinh doanh tốt nhất, chấn chỉnh các hành động sai pháp luật trong phục vụ khách Trung Quốc, tạo ấn tượng tốt nhất đối với khách Trung Quốc để đảm bảo phát triển bền vững thị trường quan trọng này.
Dự báo du khách Trung Quốc, đặc biệt là giới trẻ sẽ bùng nổ đi du lịch. Họ sẽ lựa chọn các điểm đến đang thu hút khách, đi lại thuận lợi qua đường bộ hoặc các điểm đến có đường bay thuận lợi. Vì thế, cần có sự chuẩn bị cho phù hợp với xu thế và thị hiếu mới của khách.
Bên cạnh đó, cần có sự vào cuộc của doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước về du lịch để tránh những hạn chế, bất cập khi đón khách Trung Quốc bằng tour giá rẻ như thời gian trước.
Du lịch nước ngoài giá rẻ hấp dẫn khách Việt dịp Tết 2025, tour Trung Quốc đắt hàng
Tổng mức bán lẻ tháng 11/2024 tăng 8,8%: Động lực tích cực cho kinh tế cuối năm