Trung Quốc đang tìm cách tăng gấp đôi lượng khí đốt nhập khẩu từ Nga, từ đó tạo cho Bắc Kinh lợi thế khi đối phó với Australia.
Đường ống dẫn “Power of Siberia 2”, sẽ được tập đoàn Gazprom xây dựng, có thể bơm 50 tỉ mét khối khí mỗi năm đến khu vực miền Bắc Trung Quốc, và Tổng thống Nga Vladimir Putin tháng trước từng nói rằng một nghiên cứu về tính khả thi của dự án này sẽ sớm được hoàn thiện.
Henning Gloystein, Giám đốc năng lượng, khí hậu và nguồn lực tại Eurasia Group, nhận định: “Giống như việc Liên minh châu Âu (EU) sử dụng khí hóa lỏng (LNG) như một hàng rào chính trị… Trung Quốc cũng có thể sử dụng khí đốt của Nga như một hàng rào chính trị hoặc nguồn cung bổ sung của họ, bởi nước này phụ thuộc lớn vào LNG – trong đó phần lớn đến từ Australia và Mỹ. Mà hiện nay, quan hệ giữa Bắc Kinh với hai nước này đều suy giảm mạnh”
Trong năm 2020, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới phải nhập khẩu 43% tổng lượng khí đốt mà họ sử dụng, bao gồm 89 tỉ mét khối LNG và 46 tỉ mét khối khí đốt cung cấp qua đường ống dẫn, theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Khoảng 43% tổng lượng LNG mà Trung Quốc nhập khẩu đến từ Australia.
Quan hệ Trung Quốc-Australia đã suy giảm trong 2 năm qua. Bắc Kinh đã lập nhiều hàng rào thuế quan đối với rượu của Australia, trong khi lượng than đá mà Trung Quốc nhập từ Australia giảm 89,7% so với năm 2020. Canberra đã đáp trả bằng cách hủy 2 thỏa thuận thương mại giữa bang Victoria và Trung Quốc trong tháng 4/2021.
Tình trạng căng thẳng càng tồi tệ hơn kể từ tháng 9/2021, khi Australia cùng liên minh dân chủ do Mỹ dẫn đầu ký kết thỏa thuận đối tác an ninh ba bên, có tên gọi AUKUS.
Tian Miao – chuyên gia phân tích đến từ hãng Everbright Sun Hung Kai – nói rằng một kênh cung ứng thứ hai với Nga “sẽ phần nào đáp ứng được nhu cầu đang tăng của Trung Quốc và giúp đa dạng hóa nguồn nhập khẩu của họ”.
Đường ống dẫn khí đầu tiên giữa Nga và Trung Quốc, khởi động tháng 12/2019, đã vận chuyển tổng cộng 13 tỉ mét khối khí trong 2 năm đầu tiên – trung bình 17,8 triệu mét khối khí mỗi ngày – thấp hơn so với công suất thiết kế là 38 tỉ mét khối mỗi năm.
Bà Tian cảnh báo rằng đường ống dẫn khí mới sẽ không thể thay thế được nguồn cung từ Australia, ngoài ra còn chưa kể thời gian thực hiện dự án và cơ chế giá. “Nó sẽ không làm thay đổi sự dựa dẫm nặng nề vào nguồn nhập khẩu và cấu trúc tiêu thụ than đá trước năm 2030. Trong khi đó, giá khí đốt của Australia lại khá ổn định, và dường như đó là lựa chọn tốt cho các nhà máy điện ở các khu vực miền Nam Trung Quốc”, bà nhận định.
Tranh chấp địa-chính trị giữa Canberra và Bắc Kinh hiện vẫn chưa lan tới LNG và quặng sắt. Trung Quốc đã nhập khẩu 29 triệu tấn LNG trong năm 2020, tăng 4,2% so với năm trước đó. Tổng lượng nhập khẩu trong giai đoạn từ tháng 1 – 9 năm 2021 tăng 7,4% lên 28,5 triệu tấn.
Tuy nhiên, chuyên trang phân tích thị trường OilChem.net chỉ ra rằng Australia không nhận được hợp đồng cung ứng dài hạn mới từ Trung Quốc trong năm ngoái, trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước, và một số thị phần của họ ở Trung Quốc đã bị một số nước khác như Qatar, Nga và Mỹ giành lấy.
Tháng trước, chuyên trang này đưa tin rằng thị phần của Australia ở Trung Quốc đã giảm xuống còn 40%, từ mức 43% trong năm 2020, và từ mức 46% trong năm 2019. Trong khi đó, thị phần của Mỹ từ 4% tăng lên 11% trong năm 2021.
Trung Quốc đã ký 6 hợp đồng mua LNG với các nhà cung ứng của Mỹ trong năm 2021, để thực hiện cam kết mua sắm mà Bắc Kinh từng đưa ra trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Mỹ đã trở thành nhà cung cấp LNG lớn thứ hai của Trung Quốc, với tổng lượng xuất khẩu sang nước này đạt 8,26 triệu tấn trong giai đoạn tháng 1 – 9/2021.
Richard McGregor – một chuyên gia phân tích đến từ Viện Lowy của Australia – nói rằng các hợp đồng cung ứng dài hạn sẽ giúp giảm thiểu tổn thất cho Trung Quốc trong trường hợp nước này cắt giảm lượng LNG nhập khẩu từ Australia. “Xét về dài hạn, rõ ràng là họ muốn mua ít hơn từ Australia để tạo lợi thế chính trị, nhưng điều đó không thể thực hiện trong một sớm một chiều”, ông nói.