Trung Quốc đang không ngừng thúc đẩy quan hệ với khu vực Trung Á để xây dựng các mối quan hệ chiến lược trong tương lai.
Khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trải thảm đỏ đón năm nhà lãnh đạo khu vực Trung Á tại Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-Trung Á đầu tiên vào tháng trước, sự kiện này tràn ngập các biểu tượng lịch sử của Con đường Tơ lụa.
Được quảng cáo là “sự kiện ngoại giao lớn đầu tiên” trong năm của đất nước, hội nghị thượng đỉnh này được tổ chức tại thành phố Tây An, cố đô của Trung Quốc dưới triều đại nhà Hán, và cũng là điểm khởi đầu của Con đường Tơ lụa.
Con đường Tơ lụa là biểu tượng trong lịch sử nhấn mạnh sự đóng góp của Trung Quốc cho các nền văn minh cổ đại, khi tạo ra một mạng lưới rộng lớn các tuyến đường thương mại kết nối Trung Quốc với các quốc gia ở khu vực Địa Trung Hải và châu Âu trong 1.400 năm.
Ngày nay, di sản của những liên kết giao thông đó đang được hồi sinh cho một mục đích mới. Ông Yu Hong, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Đông Á của Đại học Quốc gia Singapore, cho biết: “Trung Quốc muốn gửi một tín hiệu rõ ràng tới các nước Trung Á rằng đây là quan hệ lịch sử mà các bên nên trân trọng và nên cùng nhau hồi sinh”.
Ông nói thêm: “Bằng cách nhấn mạnh các mối ràng buộc cổ xưa của Con đường Tơ lụa, Trung Quốc muốn tăng cường các mối quan hệ với Trung Á khi tiếp tục thúc đẩy Dự án Vành đai và Con đường".
Sau hội nghị thượng đỉnh, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã công bố một danh sách các lĩnh vực hợp tác và quan hệ đối tác giữa sáu quốc gia, bao gồm cơ sở hạ tầng, năng lượng và an ninh.
Ông Tim Winter, nghiên cứu viên nghiên cứu cao cấp của Viện nghiên cứu châu Á nhận định, Con đường tơ lụa đã trở thành một nền tảng quan trọng để Trung Quốc thúc đẩy ý tưởng về tương lai chung được xây dựng trên quá khứ chung.
“Các kết nối lịch sử giữa Trung Quốc và Trung Á cũng là một nỗ lực nhằm mở ra các hình thức kết nối thể chế ngoài cơ sở hạ tầng và thương mại. Điều này cũng giúp truyền đạt tới người dân Trung Quốc hiểu về tầm quan trọng của việc quốc gia này tăng cường can dự vào khu vực này trong tương lai”, ông Winter nói thêm.
Trong quá khứ, ngoài thương mại, Con đường tơ lụa còn mang đến những câu chuyện hấp dẫn cũng như những cuộc trao đổi hấp dẫn giữa các tôn giáo khác nhau và những nền văn hóa đa dạng. Và hiện nay, Trung Á đã nổi lên như một khu vực không thể thiếu cho chiến lược Vành đai và Con đường.
Theo dữ liệu chính thức của Trung Quốc, vào năm 2020, hơn 60% đầu tư của Trung Quốc vào Trung Á có liên quan đến cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, thương mại của Trung Quốc với khu vực này đạt mức kỷ lục 70,2 tỷ USD.
“Nhiều người ở Trung Á đã rất quen thuộc với khái niệm Con đường tơ lụa. Họ có xu hướng chấp nhận khái niệm Vành đai và Con đường hơn nếu bạn nói theo cách đó là phiên bản hiện đại của Con đường tơ lụa lịch sử", ông Yang Shu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Á tại Đại học Lan Châu, cho biết.
Tuy nhiên, chuyên gia này cũng cho rằng, Bắc Kinh cũng sẽ phải đối mặt với một loạt vấn đề khi đầu tư vào trong khu vực Trung Á, bao gồm nạn tham nhũng, hủy hoại môi trường và lo ngại rằng Trung Quốc sẽ kiểm soát đất đai, tài nguyên thiên nhiên và cơ hội việc làm.
Nhưng trong bối cảnh bất ổn hiện nay, Bắc Kinh đang cố gắng xây dựng "sự đoàn kết khu vực" để hỗ trợ các mục tiêu của mình. Với sáng kiến Vành đai và Con đường, Trung Á sẽ là điểm trung chuyển tốt nhất để Trung Quốc tăng cường thương mại với châu Âu.