Tên lửa Trường Chinh-6A sử dụng kết hợp nhiên liệu lỏng và rắn đã thực hiện chuyến bay đầu tiên thành công vào hôm 29/3/2022.
Theo Global Times, vụ phóng diễn ra vào lúc 17h50 hôm qua theo giờ địa phương từ Trung tâm Phóng vệ tinh Taiyuan ở tỉnh Sơn Tây, tây bắc Trung Quốc, đưa hai vệ tinh vào quỹ đạo định sẵn. Chuyến bay đánh dấu sứ mệnh thứ 412 của dòng tên lửa vũ trụ Trường Chinh.
Trường Chinh-6A được phát triển bởi Viện Công nghệ Không gian Thượng Hải (SAST), một đơn vị trực thuộc Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc (CASC).
Khi phóng, tên lửa có trọng lượng 530 tấn và đưa trọng tải nặng không dưới 4 tấn lên quỹ đạo đồng bộ Mặt Trời. Trường Chinh-6A là một phiên bản sửa đổi của tên lửa Trường Chinh-6. Nó cao 50 m và rộng 3,35 m, với thiết kế gồm ba tầng đẩy lõi kết hợp với 4 động cơ đẩy phụ gắn vào phần thân bên dưới.
CASC nhấn mạnh đây là mẫu "tên lửa hybrid" đầu tiên của Trung Quốc. Trong khi các tầng đẩy lõi sử dụng nhiên liệu lỏng (oxy/dầu hỏa) cho lực đẩy mạnh và ổn định, 4 động cơ phụ dài 2 m sử dụng nhiên liệu rắn, với cấu trúc đơn giản và linh hoạt, cho khả năng cơ động và lực đẩy tức thời cao.
Việc kết hợp hai loại nhiên liệu lỏng và rắn làm cho tên lửa mạnh và nhanh hơn, đồng thời ổn định và tiết kiệm chi phí hơn, nhờ đó đáp ứng nhu cầu phóng nhiều loại vệ tinh.
Sự ra mắt của tên lửa Trường Chinh-6A sẽ đánh dấu một mốc quan trọng trong chương trình không gian của Trung Quốc, thúc đẩy khả năng phóng, phát triển công nghệ và tiềm năng khám phá vũ trụ thương mại.
Hai vệ tinh được đưa lên quỹ đạo trong vụ phóng hôm thứ Ba bao gồm Pujiang-2, dành cho các nhiệm vụ thử nghiệm khoa học và khảo sát tài nguyên đất, và Tiankun-2, dành cho các thí nghiệm về công nghệ phát hiện môi trường không gian.