Trung Quốc: Tung chiêu ‘cũ đổi mới’ mua bán nhà để làm ấm bất động sản
Nhiều biện pháp đột phá liên tục được các địa phương ở Trung Quốc đưa ra nhằm kích thích nhu cầu giao dịch bất động sản sau thời gian dài im ắng.
Các thành phố Tế Nam, Nam Kinh, Truy Bác, Thái An... ở Trung Quốc đã đưa ra chính sách trong lĩnh vực bất động sản có tên là "cũ đổi mới".
Phóng viên tờ Nhật báo Tin tức Kinh tế của Trung Quốc dẫn lời nhiều người trong ngành bất động sản Trung Quốc cho biết, chính sách "cũ đổi mới" được xem là nỗ lực và sẽ có tác dụng nhất định với thị trường bất động sản đang ảm đạm ở quốc gia này. Nó không chỉ giúp giải quyết vấn đề nan giải của thị trường bất động sản về hàng tồn mà còn kích hoạt cung - cầu.
Hiện chương trình "cũ đổi mới" có 2 dạng, người mua nhà đặt cọc để nhận nhà mới, còn bên trung gian hoặc công ty bất động sản sẽ nỗ lực để bán nhà cho khách đã mua nhà mới. Nếu nhà được bán trong thời gian mà chủ nhà và bên trung gian đã thống nhất, hợp đồng sẽ có hiệu lực. Nếu không, tiền cọc sẽ được hoàn lại.
Một dạng thứ hai là các công ty bất động sản hoặc bên thứ ba mua lại nhà cũ, người bán nhà sẽ nhận nhà mới và trả chênh lệch giữa mức giá của nhà mới và nhà cũ.
Chương trình này có sự tham gia của phía trung gian, công ty bất động sản và các bên liên quan khác để giúp quá trình bán, mua nhà diễn ra nhanh chóng, thuận lợi hơn việc khách tự lo liệu mọi việc, sẽ dẫn đến quá trình xử lý bị chậm.
Nếu khách tự rao bán rồi tìm mua nhà như bấy lâu nay, chủ nhà sẽ rơi vào tình thế khó khăn do nhà cũ không bán được và không thể mua được nhà mới. Nếu chờ đến lúc bán được nhà cũ, có thể căn nhà mới đã có người khác mua.
Khi áp dụng chương trình "cũ đổi mới", nếu người mua nhà đặt cọc và nhận nhà mới, bên trung gian sẽ huy động các kênh online và offline để đẩy nhanh bán nhà cũ cho khách.
Trong trường hợp, người mua bán lại nhà cũ cho bên trung gian hoặc công ty bất động sản rồi trả mức chênh lệch giữa nhà cũ và nhà mới sẽ góp phần tác động tích cực đến suy nghĩ của khách. Bởi, nhiều người cho rằng "không bán được nhà cũ sẽ không dám mua nhà mới". Khi họ cảm thấy quá trình mua bán nhanh chóng sẽ trả tiền và giúp tình trạng hàng tồn kho của nhà đất giảm xuống.
Ví dụ như ở Thanh Đảo, Sơn Đông áp dụng chương trình mua nhà “cũ đổi mới” với các thời hạn 4 ngày và 12 ngày. Tức là trong thời hạn 4 hoặc 12 ngày bên trung gian sẽ bán nhà cho khách.
Thị trường bất động sản ở Trung Quốc vẫn khó khăn cho dù nước này đã đưa ra nhiều biện pháp.
Mới đây, công ty bất động sản Country Garden dường như đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ sau khi không thanh toán được trái phiếu nước ngoài.
Cách đây 2 năm, việc Evergrande bị vỡ nợ đã dấy lên mối ngại về vấn đề trên thị trường bất động sản ở Trung Quốc. Tập đoàn này đã phải gánh khoản nợ 340 tỷ USD và trở thành nhà phát triển bất động sản mắc nợ nhiều nhất thế giới.
Theo Financial Times, Country Garden từ lâu được cho là ổn định hơn nhưng các vấn đề của công ty này đang cho thấy sự suy thoái trong lĩnh vực bất động sản với doanh số bán hàng sụt giảm và hàng nghìn dự án bị đình trệ trên khắp Trung Quốc.
Cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản vẫn chưa gây ra biến động mạnh về giá nhà. Giá nhà mới, thước đo chính của thị trường bất động sản ở Trung Quốc đã giảm ở một số thành phố lớn nhưng vẫn tăng ở những thành phố khác.
(Theo FT/Legal)
Lộ diện nhân tố tiềm năng 'gánh' kích thích tiêu dùng Trung Quốc
Trung Quốc chuẩn bị miễn thuế bất động sản, kích cầu thị trường trên diện rộng