Trung Quốc và Ấn Độ thống nhất giảm căng thẳng biên giới
Trung Quốc và Ấn Độ đã nhất trí về các thỏa thuận tuần tra nhằm giảm căng thẳng dọc biên giới tranh chấp trên dãy Himalaya, nơi từng xảy ra các cuộc đụng độ chết người giữa hai nước trong những năm gần đây.
Tờ SCMP dẫn lời Ngoại trưởng Ấn Độ Vikram Misri ngày 21/10 cho biết, New Delhi và Bắc Kinh đã nhất trí về "việc rút quân và giải quyết các vấn đề ở những khu vực biên giới nảy sinh căng thẳng vào năm 2020". Ông Misri đề cập tới các cuộc đụng độ ở Thung lũng Galwan, vốn là cuộc đối đầu chết người đầu tiên giữa hai nước kể từ năm 1975, trong đó cả hai bên đều chịu thương vong.
Kể từ đó, quan hệ giữa hai nước láng giềng Ấn Độ - Trung Quốc trở nên căng thẳng. Theo ông Misri, họ đã đạt thỏa thuận về việc tuần tra dọc Đường kiểm soát thực tế (LAC) ở khu vực biên giới hai nước, dẫn tới rút quân và giải quyết các vấn đề phát sinh ở khu vực này vào năm 2000.
Tuy nhiên, nhà ngoại giao Ấn Độ không đưa ra thông tin cụ thể nào về tiến trình rút quân và liệu nó có bao gồm tất cả các điểm xung đột dọc theo biên giới đang tranh chấp không.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Ấn Độ được đưa ra chỉ một ngày trước khi Thủ tướng Narendra Modi đến Nga để tham dự cuộc họp của các quốc gia Brics bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi. Ông Misri không xác nhận liệu cuộc họp song phương giữa ông Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có nằm trong chương trình nghị sự hay không. Tuy vậy, những phát biểu ngày 21/10 của ông đã đánh dấu một bước phát triển lớn giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân kể từ cuộc đụng độ Galwan.
Binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc ở thung lũng Galwan đã giao tranh bằng dùi cui và gậy gộc vì thỏa thuận năm 1996 giữa hai nước cấm sử dụng súng và chất nổ gần biên giới. Các nhà ngoại giao và lãnh đạo quân đội hai nước đã đàm phán nhiều lần trong 4 năm qua song không đạt được đột phá lớn.
Căng thẳng biên giới đã phủ bóng lên quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc trong nhiều thập kỷ. Hai nước đã xảy ra chiến tranh vào năm 1962, trong đó Ấn Độ đã phải chịu thất bại nặng nề. Quan hệ kinh doanh giữa hai gã khổng lồ châu Á này cũng bị ảnh hưởng do căng thẳng.
Nguyên nhân sâu xa là đường biên giới tranh chấp dài 3.440km không được xác định rõ ràng. Sông, hồ và đỉnh tuyết dọc biên giới khiến ranh giới thường xuyên thay đổi, khiến binh lính hai nước đối mặt nhau tại nhiều điểm, gây ra xung đột.
>> Bị dọa đánh bom, máy bay của Ấn Độ hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Frankfurt
Bị dọa đánh bom, máy bay của Ấn Độ hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay Frankfurt
Giá tiêu hôm nay 19/10: giá tiêu Indonesia liên tục tăng, Ấn Độ giảm