Trung tâm hành chính 2.500 tỷ tại TP trực thuộc Trung ương nhỏ nhất Việt Nam sau sáp nhập: 14 khối nhà quy mô tạo nên kiến trúc con tàu vươn ra biển lớn
Công trình khi được hoàn thành dự kiến sẽ là một trong những biểu tượng của thành phố Cảng.
Khởi công từ đầu năm 2023 tại Khu đô thị Bắc sông Cấm, TP. Thủy Nguyên, công trình Trung tâm Chính trị - Hành chính TP. Hải Phòng hiện đã bước vào giai đoạn hoàn thiện cuối cùng.
Ngày 11/5/2025, thành phố đã tổ chức lễ gắn biển công trình Trung tâm Chính trị - Hành chính và Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn thành phố. Hoạt động này nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng 70 năm Ngày giải phóng Hải Phòng và Lễ hội Hoa Phượng Đỏ 2025.
> > Hé lộ vị trí xây dựng cây cầu dây văng hơn 11.000 tỷ lớn nhất thành phố giàu nhất Việt Nam

Trung tâm Chính trị - Hành chính TP. Hải Phòng được xây dựng trên diện tích hơn 29.000m2, tổng diện tích sàn lên tới 89.500m2. Công trình gồm hai khối nhà cao 14 tầng, bố trí đối xứng theo trục Bắc - Nam và Đông - Tây. Trong đó, hai khối nhà chính giữa cao 15 tầng, 12 khối nhà thấp tầng được bố trí đối xứng theo hình cánh cung. Thiết kế này được lấy cảm hứng từ hình ảnh con tàu vươn ra biển lớn, biểu tượng của thành phố cảng và mang dáng dấp hiện đại, phá cách so với kiến trúc hành chính truyền thống.
Không gian bên trong được quy hoạch theo mô hình "văn phòng mở", tích hợp các khu vực tiếp dân, giải quyết thủ tục hành chính một cửa, phòng họp, tiếp khách cấp cao… đáp ứng yêu cầu của một bộ máy chính quyền hiện đại, chuyên nghiệp và gần gũi với người dân. Khi đi vào hoạt động, đây được kỳ vọng sẽ là một trong những trung tâm hành chính hiện đại và có kiến trúc đẹp nhất cả nước.
Ngay sát bên, công trình Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn TP. Hải Phòng đang được thi công song song. Kiến trúc lấy cảm hứng từ hình ảnh giọt nước rơi tạo sóng đồng tâm, biểu trưng cho sự lan tỏa và giao lưu văn hóa. Công trình sẽ là nơi tổ chức các sự kiện chính trị, văn hóa – nghệ thuật quy mô lớn, mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế.
Tổng mức đầu tư cho hai công trình lên tới gần 5.000 tỷ đồng, từ nguồn ngân sách thành phố. Trong đó, Trung tâm Chính trị - Hành chính có mức đầu tư khoảng 2.500 tỷ đồng.

Không chỉ là trụ sở hành chính, hai công trình còn mang ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển đô thị của Hải Phòng theo mô hình đa trung tâm. Việc mở rộng không gian đô thị về phía Bắc sông Cấm là bước đi chiến lược, từng bước định vị Thủy Nguyên trở thành trung tâm mới của thành phố.
Đặc biệt, trong bối cảnh phương án sáp nhập Hải Dương với Hải Phòng đang được đề xuất, khu trung tâm này được xem là vị trí chiến lược, sẵn sàng trở thành trụ sở hành chính của TP. Hải Phòng mở rộng trong tương lai.
Nghị quyết 60-NQ/TW năm 2025 ban hành nêu danh sách 6 thành phố trực thuộc Trung ương sau khi sáp nhập tỉnh thành.
Trong đó, 2 thành phố trực thuộc Trung ương được giữ nguyên sau sáp nhập tỉnh thành là TP. Hà Nội và TP. Huế.
4 thành phố có sự thay đổi khi được mở rộng, hợp nhất với các tỉnh lân cận là: TP. Hải Phòng (hợp nhất tỉnh Hải Dương), TP. Đà Nẵng (hợp nhất với tỉnh Quảng Nam), TP. HCM (hợp nhất tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh Bình Dương), TP. Cần Thơ (hợp nhất với tỉnh Sóc Trăng và tỉnh Hậu Giang).
Như vậy sau sáp nhập, Đà Nẵng là thành phố trực thuộc Trung ương có diện tích lớn nhất, chạm mốc 11.859,6km2, tiếp đến là TP. HCM (6.772,6km2), Cần Thơ (6.360,8km2), Huế (4.947,1km2) và Hà Nội (3.359,8km2).
Hải Phòng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương có diện tích nhỏ nhất, đạt 3.194,7km2.
> > Vay mua nhà tháng 5/2025: Lãi suất ngân hàng nào thấp nhất thị trường?
Vẻ đẹp Đồng Hới, trung tâm hành chính của Quảng Bình và Quảng Trị
Sau sáp nhập 3 tỉnh, vì sao trung tâm hành chính đặt tại Ninh Bình?