Bất động sản

‘Tiểu Paris’ tại Việt Nam sẽ trở thành trung tâm hành chính - chính trị mới của tỉnh lớn nhất cả nước sau sáp nhập

Nguyễn Thảo 20/04/2025 - 22:34

Không chỉ còn là thủ phủ của sương mù, ngàn hoa và những cánh rừng thông lãng mạn, thành phố Đà Lạt sẽ trở thành trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh mới sau sáp nhập, với quy mô và tầm vóc lớn chưa từng có.

Theo Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ, ba tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận và Đắk Nông sẽ sáp nhập với nhau, hình thành nên một thực thể hành chính mới mang tên tỉnh Lâm Đồng. Sau sáp nhập, tỉnh Lâm Đồng mới sẽ có diện tích hơn 24.000km2 (trở thành tỉnh có diện tích lớn nhất Việt Nam) và dân số trên 3,3 triệu người.

Trong đó, thành phố Đà Lạt được lựa chọn là trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh mới. Đây không chỉ là sự công nhận vai trò lịch sử và văn hóa của thành phố ngàn hoa, mà còn là bước chuyển mình đầy tham vọng để đưa Đà Lạt trở thành đầu tàu phát triển vùng.

Vào ngày 20/4, UBND tỉnh Lâm Đồng đã thông tin về việc ban hành các nội dung để lấy ý kiến cử tri đại diện hộ gia đình liên quan đến phương án sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp tỉnh. Trong đó, UBND tỉnh đưa ra lý do lựa chọn TP. Đà Lạt làm trung tâm hành chính cho tỉnh Lâm Đồng mở rộng sau khi sáp nhập với hai tỉnh Bình Thuận và Đắk Nông. Theo UBND tỉnh, Đà Lạt sở hữu nhiều lợi thế nổi bật như vị trí kết nối vùng thuận lợi, hệ thống hạ tầng giao thông phát triển và đặc biệt là đã khẳng định được vị thế là điểm đến du lịch nổi tiếng toàn cầu.

> > Huyện đảo nhỏ nhất Việt Nam dự kiến trở thành đặc khu đầy tiềm năng

‘Tiểu Paris’ tại Việt Nam sẽ trở thành trung tâm hành chính - chính trị mới của tỉnh lớn nhất cả nước sau sáp nhập- Ảnh 1.
TP. Đà Lạt sẽ là trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh mới. Ảnh: Internet

Từ thành phố du lịch đến "trái tim" vùng hợp nhất

Thành phố Đà Lạt được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu ôn hòa, mát mẻ quanh năm. Không chỉ nổi tiếng là trung tâm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nơi đây còn là cái nôi của nhiều sản phẩm chất lượng như hoa tươi, rau sạch, dâu tây và atisô. Các trang trại tại Đà Lạt được đầu tư theo chuẩn quốc tế, góp phần nâng cao giá trị nông sản và phát triển bền vững.

Bên cạnh thế mạnh nông nghiệp, Đà Lạt còn là điểm đến lý tưởng cho loại hình du lịch xanh và nghỉ dưỡng. Với cảnh sắc hữu tình gồm hồ nước, rừng thông và kiến trúc mang đậm dấu ấn văn hóa, thành phố thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Sự giao thoa giữa thiên nhiên và công nghệ đã tạo nên mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, gắn kết giữa du lịch sinh thái và nông nghiệp hiện đại.

Đà Lạt còn được yêu mến với những danh xưng đầy thi vị như "Thành phố ngàn hoa", "Thành phố sương mù", "Thành phố ngàn thông", "Thành phố tình yêu" hay “Tiểu Paris” tại Việt Nam” – thể hiện sức hấp dẫn không chỉ với du khách trong nước mà cả quốc tế.

‘Tiểu Paris’ tại Việt Nam sẽ trở thành trung tâm hành chính - chính trị mới của tỉnh lớn nhất cả nước sau sáp nhập- Ảnh 2.
Thành phố Đà Lạt đã đạt được nhiều danh hiệu quốc tế về du lịch. Ảnh: Internet

Đáng chú ý, vào cuối tháng 3 năm 2025, Đà Lạt vinh dự nhận hai giải thưởng danh giá: Giải thưởng Festival Hoa và Vườn châu Á 2025 từ Asia Festival Awards và Giải thưởng Festival thân thiện với môi trường nhất từ Asia Pinnacle Awards, do Hiệp hội Festival và sự kiện quốc tế châu Á (IFEA ASIA) bình chọn.

Trước đó, vào cuối năm 2023, UNESCO đã công nhận Đà Lạt là Thành phố sáng tạo toàn cầu trong lĩnh vực âm nhạc – một dấu mốc khẳng định vị thế văn hóa ngày càng vững chắc của thành phố này trên bản đồ quốc tế.

Việc Đà Lạt trở thành trung tâm hành chính - chính trị được xem là một bước đi chiến lược. Không chỉ thuận lợi về địa lý, nơi đây còn là trung tâm hội tụ của các ngành mũi nhọn như du lịch chất lượng cao, khoa học công nghệ, giáo dục và nông nghiệp thông minh. Trong tương lai, thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận sẽ được quy hoạch để phát triển thành trung tâm du lịch vươn tầm khu vực Đông Nam Á, đi kèm với định hướng trở thành hạt nhân khoa học kỹ thuật, kinh tế và văn hóa Tây Nguyên.

Hạ tầng bứt phá – Giao thông mở lối

Cùng với tầm nhìn mới, hệ thống giao thông của Đà Lạt cũng đang bước vào giai đoạn hiện đại hóa mạnh mẽ. Quốc lộ 20 sẽ trở thành trục kết nối chiến lược đưa Đà Lạt gần hơn với TP. HCM và vùng Đông Nam Bộ. Đặc biệt, hai dự án cao tốc Liên Khương – Bảo Lộc và Bảo Lộc – Tân Phú đang được đẩy nhanh tiến độ, mở ra một hành lang giao thương thuận tiện chưa từng có.

‘Tiểu Paris’ tại Việt Nam sẽ trở thành trung tâm hành chính - chính trị mới của tỉnh lớn nhất cả nước sau sáp nhập- Ảnh 3.
Cảng hàng không Quốc tế Liên Khương. Ảnh: Internet

Bên cạnh đó, Cảng Hàng không Quốc tế Liên Khương – sân bay cấp 4E với công suất 5 triệu hành khách/năm – sẽ đóng vai trò là "cánh cửa bầu trời" cho toàn khu vực Tây Nguyên, góp phần đưa Đà Lạt vươn mình mạnh mẽ trên bản đồ quốc tế.

Việc hợp nhất ba tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận được kỳ vọng sẽ đưa Đà Lạt vươn lên trở thành một vùng kinh tế trọng điểm. Với đặc thù địa lý đa dạng – Đắk Nông là vùng cao nguyên với tiềm năng khoáng sản, Bình Thuận sở hữu đường bờ biển dài và thế mạnh về kinh tế biển, còn Đà Lạt đóng vai trò là trung tâm điều hòa, kết nối – sự kết hợp này tạo ra thế liên kết vùng toàn diện, mở ra cơ hội phát triển kinh tế đa ngành cho toàn tỉnh trong giai đoạn tiếp theo.

Trên cơ sở những lợi thế đó, tỉnh Lâm Đồng nhận định Đà Lạt là phương án phù hợp nhất để đảm nhận vai trò trung tâm hành chính – chính trị của đơn vị hành chính mới. Vị trí này không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng hợp lý nguồn lực mà còn là động lực thúc đẩy phát triển toàn diện, đưa tỉnh mới trở thành một trong những khu vực phát triển năng động và đáng sống bậc nhất khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

> > Thế trận bất động sản Thủy Nguyên sau sáp nhập: Hoàng Huy ở đâu trên bàn cờ?

Sắp có một siêu thành phố mới sau sáp nhập: Đô thị đặc biệt thứ 3 của Việt Nam với vùng đô thị – công nghiệp – dịch vụ – logistics liên hoàn

Toàn cảnh Nam Định trước sáp nhập với Hà Nam, Ninh Bình

Theo reatimes.vn
https://reatimes.vn/tieu-paris-tai-viet-nam-se-tro-thanh-trung-tam-hanh-chinh-chinh-tri-moi-cua-tinh-lon-nhat-ca-nuoc-sau-sap-nhap-20225042020281351.htm
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    ‘Tiểu Paris’ tại Việt Nam sẽ trở thành trung tâm hành chính - chính trị mới của tỉnh lớn nhất cả nước sau sáp nhập
    POWERED BY ONECMS & INTECH