Trước Đức Long Gia Lai (DLG), một doanh nghiệp lớn khác từng bị yêu cầu mở thủ tục phá sản
Toà án Nhân dân tỉnh Gia Lai đã quyết định mở thủ tục phá sản đối với Đức Long Gia Lai (DLG) theo đơn yêu cầu của Công ty Cổ phần Lilama 45.3.
Ngày 12/10, Toà án Nhân dân tỉnh Gia Lai có quyết định mở thủ tục phá sản với CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai (Mã: DLG) sau khi xem xét đơn yêu cầu của Công ty Cổ phần Lilama 45.3 (tỉnh Quảng Ngãi). Nguyên nhân là do doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
Đức Long Gia Lai cho rằng việc gửi đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản nhằm mục đích tạo áp lực, gây mất uy tín, làm ảnh hưởng đến công ăn việc làm, đời sống người lao động của tập đoàn... Đức Long Gia Lại đã có đơn khiếu nại về quyết định mở tủ tục phá sản này.
Đức Long Gia Lai cũng đã cung cấp cho TAND tỉnh Gia Lai các báo cáo tài chính năm 2021-2022 và 6 tháng đầu năm 2023 với tài sản trên 10.000 tỷ đồng, cho rằng nguồn tài chính đủ khả năng trả nợ cho đối tác, khách hàng…. Theo Đức Long Gia Lai, số nợ của Lilama 45.3 chỉ khoảng trên 10 tỷ đồng là rất nhỏ so với tổng tài sản của tập đoàn.
Phía Đức Long Gia Lai ngay sau đó đã giải trình, đối với yêu cầu của Lilama 45.3 về việc mở thủ tục phá sản, công ty gặp phải khó khăn tài chính tạm thời do bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 từ năm 2020-2023, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng do xung đột Nga - Ukraine căng thẳng kéo dài chưa đến hồi kết.
Trước Đức Long Gia Lai, cũng đã có một doanh nghiệp "có tiếng" bị yêu cầu mở thủ tục phá sản. Đầu năm 2018, CTCP Công nghiệp Tân Tạo (Tân Tạo - ITA) cũng đã bị TAND TP HCM công bố quyết định mở thủ tục phá sản, căn cứ theo đơn yêu cầu của Công ty TNHH TM DV XD Quốc Linh (Công ty Quốc Linh). Tuy nhiên, sự việc đến 5 năm sau mới lùm xùm vì Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE) đã yêu cầu Tân Tạo công bố thông tin bất thường về nội dung này.
Hồi đầu năm 2023, bà Phan Thị Hiệp, Tổng Giám đốc Tân Tạo đã giải trình với HoSE và phản đối quyết định mở thủ tục phá sản của TAND TP HCM.
Tân Tạo cho rằng với quyết định mở thủ tục phá sản này, TAND TP HCM chỉ căn cứ vào đơn yêu cầu của Công ty Quốc Linh là không hợp lý.
Yêu cầu này dựa trên các bản án sơ thẩm của TAND huyện Đức Hòa, tỉnh Long An; bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Long An. Tuy nhiên, Tân Tạo cho rằng hồ sơ vụ án có nhiều tài liệu chưa đúng, đồng thời quả quyết: "Tân Tạo khẳng định hoàn toàn không có quan hệ kinh tế, không tranh chấp với Công ty Quốc Linh". Phía Tân Tạo cũng cho biết chưa được tống đạt bản chính về quyết định mở thủ tục phá sản của tòa.
Trong vụ việc này, Công ty Quốc Linh không đề nghị thi hành án theo Luật Thi hành án dân sự, mà yêu cầu mở thủ tục phá sản nhằm buộc Công ty Tân Tạo phải thanh toán số tiền 21,4 tỷ đồng (nợ gốc 14,3 tỷ và lãi 7,1 tỷ) theo bản án xét xử năm 2017, tính tới bản án xét xử năm 2021 là số tiền 27,7 tỉ đồng (14,18 tỷ nợ gốc và 13,5 tỷ tiền lãi).
Sau vụ lùm xùm đó, cổ phiếu ITA của Tân Tạo bị giảm sâu. Đến nay, cổ phiếu của ITA đang giao dịch tại mức 6.200 đồng/cp, tăng 44% so với hồi đầu năm 2023.
Đức Long Gia Lai (DLG) bị yêu cầu mở thủ tục phá sản, chủ nợ nào đang “lo sốt vó”