Đức Long Gia Lai (DLG) bị yêu cầu mở thủ tục phá sản, chủ nợ nào đang “lo sốt vó”
Đức Long Gia Lai bị mở thủ tục phá sản, ngân hàng nào là chủ nợ lớn nhất của doanh nghiệp này?
Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai vừa có quyết định mở thủ tục phá sản với Tập đoàn Đức Long Gia Lai (mã chứng khoán: DLG). Dù kết quả kinh doanh hồi phục nhưng doanh nghiệp này cũng bị hãng kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục.
Đức Long Gia Lai bị mở thủ tục phá sản
Tập đoàn Đức Long Gia Lai vừa bị Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai đưa quyết định mở thủ tục phá sản. Theo đó, trong vòng 30 ngày, kể từ ngày 9-10-2023, chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ cho quản tài viên hoặc cho thẩm phán tiến hành thủ tục phá sản.
Hết thời gian trên, tòa căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ phá sản để giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.
Ông Nguyễn Tường Cọt - tổng giám đốc Đức Long Gia Lai - cho biết doanh nghiệp gặp phải khó khăn tài chính tạm thời do bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 từ năm 2020-2023, khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lạm phát gia tăng do xung đột Nga - Ukraine kéo dài.
Song song đó, ở thị trường trong nước, lãi suất cao nên việc tiếp cận vốn rất khó, khiến nhiều doanh nghiệp và cả Đức Long Gia Lai "phải đối mặt với muôn vàn khó khăn".
Dù vậy, doanh nghiệp vẫn đang khắc phục một cách hiệu quả, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, nộp ngân sách đầy đủ và có trách nhiệm với cổ đông, nhà đầu tư, khách hàng.
"Công ty không bị mất khả năng thanh toán và có tổng tài sản gần 6.000 tỉ đồng, nguồn tài chính đủ khả năng trả nợ cho các đối tác, khách hàng, ngân hàng từ hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như công nợ phải thu từ các đối tác.
3 ngân hàng là chủ nợ lớn của Đức Long Gia Lai
Theo báo cáo soát xét bán niên 2023 của CTCP Tập đoàn Đức Long Gia Lai, tại ngày 30/6, quy mô nguồn vốn của doanh nghiệp là 5.702 tỷ đồng. Trong đó, tổng dư nợ vay của DLG là 2.947 tỷ đồng, chiếm hơn nửa nguồn vốn, gấp 2,6 lần vốn chủ sở hữu và chủ yếu được tài trợ qua kênh ngân hàng.
Đáng chú ý, tại thời điểm cuối quý 2, chủ nợ lớn nhất của Đức Long Gia Lai là ngân hàng BIDV với tổng dư nợ 2.275 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn với BIDV là 788 tỷ, với 477 tỷ là dư nợ trái phiếu. Doanh nghiệp chưa thanh toán phần lớn khoản vay của BIDV.
Bên cạnh đó, Đức Long Gia Lai còn 1.436 tỷ vay dài hạn của BIDV. Tài sản thế chấp các khoản vay của Đức Long Gia Lai tại BIDV chủ yếu là các tài sản cố định, dự án BOT,...
Chủ nợ lớn thứ hai của Đức Long Gia Lai là VietinBank với tổng dư nợ 501 tỷ gồm 23 tỷ vay ngắn hạn và 478 tỷ vay dài hạn. Tài sản thế chấp tại VietinBank là toàn bộ quyền khai thác, thu phí các trạm thu phí đoạn Km 817 - Km 887 trên quốc lộ 14 tỉnh Đắk Nông cùng các tài sản khác phát sinh từ ưu đãi đầu tư theo hợp đồng BOT.
Ngoài ra, Đức Long Gia Lai cũng vay ngắn hạn 233 tỷ từ ngân hàng Sacombank. Trong đó, khoản vay 178 tỷ được bảo lãnh bởi ông Bùi Pháp - Chủ tịch HĐQT và tài sản hữu hình của công ty. Còn khoản vay 55 tỷ có khoản thế chấp là toàn bộ tài sản đầu tư xây dựng gắn liền với đất và các hệ thống máy móc, trang thiết bị gắn liền với công trình xây dựng hình thành từ vốn vay.
Doanh nghiệp cũng vay một lượng tiền không đáng kể, chỉ chưa tới 30 tỷ đồng từ các tổ chức, cá nhân.