Trường Đại học duy nhất Việt Nam giảm học phí trong năm nay, là trường trọng điểm quốc gia, đào tạo hơn 10.000 thạc sĩ, tiến sĩ
Trước đó, ngôi trường này còn được đề cử là trường học có không gian rộng nhất Việt Nam.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam nằm cách trung tâm Hà Nội 12km, với diện tích 192ha, rộng gấp nhiều lần các trường trong nội thành. Tiền thân là Đại học Nông - Lâm, trường được thành lập năm 1956 và đã trải qua 68 năm phát triển. Học viện là trường công lập trọng điểm quốc gia, đứng đầu về đào tạo nhóm ngành nông - lâm - ngư nghiệp tại miền Bắc.
Trường đào tạo đa ngành từ nông nghiệp, thủy sản, thú y đến kinh tế, quản lý, công nghệ kỹ thuật và khoa học xã hội. Học viện đã đào tạo hơn 100.000 kỹ sư, cử nhân, hơn 10.000 thạc sĩ và 600 tiến sĩ, bao gồm cả sinh viên quốc tế từ Lào, Campuchia, Mozambique, Angola… Nhiều đề tài nghiên cứu và dự án quốc tế đã được thực hiện tại đây. Trường được đánh giá cao, nằm trong top 5 các cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam (UniRank 2019), top 7 theo Webometrics 2019, và thuộc top 20 tổ chức có công bố quốc tế nhiều nhất tại Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ, 2015).
Trong năm học 2023 - 2024, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tuyển gần 6.000 sinh viên, tăng 130 chỉ tiêu so với năm ngoái. Trong 17 nhóm ngành, Quản trị kinh doanh, Thương mại và Du lịch dẫn đầu với 1.670 chỉ tiêu, tiếp theo là Công nghệ thông tin và Kỹ thuật số (640 chỉ tiêu), và Kinh tế và Quản lý (511 chỉ tiêu).
Trường áp dụng bốn phương thức tuyển sinh gồm: Tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển, xét điểm thi tốt nghiệp THPT, xét học bạ và xét tuyển kết hợp. Đối với xét học bạ, thí sinh cần đạt 21-24 điểm ở tổ hợp ba môn theo kết quả lớp 11 hoặc 12. Một số ngành như Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng tăng mức sàn lên 24 điểm, trong khi các ngành kỹ thuật và công nghệ có mức sàn từ 21-22 điểm. Thí sinh ngành Sư phạm Công nghệ cần đạt học lực giỏi lớp 12 hoặc điểm xét tốt nghiệp từ 8 trở lên.
Điểm xét tuyển được tính theo tổng điểm ba môn cộng điểm ưu tiên, nếu có. Thí sinh đăng ký xét tuyển tối đa hai nguyện vọng và có thể được ưu tiên xét tuyển thẳng nếu đạt học lực giỏi ít nhất hai học kỳ ở bậc phổ thông. Hồ sơ xét tuyển học bạ được nhận từ ngày 1/3 đến 10/5 (đợt 1) và từ 15/5 đến 20/6 (đợt 2).
Với xét tuyển kết hợp, thí sinh cần đạt học lực khá năm lớp 11 hoặc 12, có IELTS 5.0 trở lên hoặc tương đương, hoặc tham gia cuộc thi Kiến thức Công nghệ và Khởi nghiệp sáng tạo 2024. Điểm quy đổi từ cuộc thi này tối đa là 2 điểm.
Học viện cũng tuyển thẳng thí sinh vào một số ngành Nông nghiệp và Thủy sản nếu thuộc diện dân tộc thiểu số rất ít người, sống ở 20 huyện nghèo biên giới, hải đảo khu vực Tây Nam Bộ, hoặc thường trú, học và tốt nghiệp THPT tại các huyện nghèo. Thí sinh phải đạt học lực khá ít nhất một năm ở bậc THPT. Năm ngoái, điểm chuẩn xét theo điểm thi tốt nghiệp THPT dao động từ 16,5 đến 24,5, trong đó ngành Logistics và Quản lý chuỗi cung ứng có điểm cao nhất.
Trong năm học 2024 - 2025, học phí tại Học viện Nông nghiệp có giảm nhẹ so với các năm trước đó. Đây là trường đại học duy nhất tại Việt Nam công bố giảm học phí cho sinh viên khóa mới trong năm học này.
Mức học phí với sinh viên từ khóa 61 trở đi là 11,6 - 25,77 triệu đồng/năm (giảm so với từ khóa 60 trở về trước), tùy vào từng nhóm ngành và chương trình. Nhóm ngành nông, lâm, thủy sản (khoa học cây trồng, bảo vệ thực vật, nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, kinh tế nông nghiệp) áp dụng mức học phí thấp nhất 11,6 triệu đồng/năm (giảm 2,9 triệu đồng/năm). Nhóm ngành khoa học xã hội và quản lý (kinh tế, quản lý đất đai, kế toán, quản trị kinh doanh, xã hội học, ngôn ngữ Anh) có học phí mức 13,45 triệu đồng/năm học (giảm 1,67 triệu đồng/năm). Nhóm ngành kỹ thuật và công nghệ (công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, cơ điện, môi trường) có mức học phí là 16 triệu đồng/năm (giảm 1,92 triệu đồng/năm).
Năm học này, trường có 1.760 suất học bổng chào đón tân sinh viên khóa 69, tổng trị giá 28,8 tỷ đồng. Trong đó, có 3 suất học bổng du học tại Đại học Khoa học và Công nghệ Tây Nam, Trung Quốc.
Là một trong những trường trọng điểm quốc gia, Học viện Nông nghiệp Việt Nam nhận được nhiều sự đầu tư từ Nhà nước và các tổ chức quốc tế. Đặc biệt, vào năm 2017, Ngân hàng Thế giới đã phê duyệt khoản tín dụng 54,2 triệu USD (tương đương 1.300 tỷ đồng) để tăng cường năng lực khoa học công nghệ và đào tạo cho học viện. Đây là tiền đề quan trọng, tạo điều kiện cho các thế hệ sinh viên của nhà trường được học tập trong môi trường chất lượng.