Trường hợp người vi phạm giao thông bỏ lại phương tiện có thể bị cưỡng chế bằng hình thức trừ tiền tài khoản, trừ lương, người dân lưu ý
Ngay cả khi cá nhân vi phạm giao thông cố tình không nộp phạt và bỏ lại phương tiện, họ vẫn phải chịu trách nhiệm đóng phạt theo quyết định xử phạt hành chính.
Nghị định 168/2024/NĐ-CP, quy định về xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến trật tự, an toàn giao thông trong lĩnh vực đường bộ, đồng thời áp dụng cơ chế trừ điểm và phục hồi điểm giấy phép lái xe, sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2025.
Theo quy định, người điều khiển phương tiện vi phạm các lỗi như đi ngược chiều, đi trên vỉa hè (trừ trường hợp xe đi qua vỉa hè để vào nhà hoặc cơ quan), hoặc không tuân thủ hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông sẽ bị xử phạt từ 4 đến 6 triệu đồng.
Những hành vi như lạng lách, đánh võng trên đường bộ; dùng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy; điều khiển xe thành nhóm từ hai xe trở lên chạy vượt tốc độ cho phép; sử dụng còi, rú ga (nẹt pô) liên tục tại khu vực đông dân cư hoặc gần các cơ sở y tế, ngoại trừ xe ưu tiên đang làm nhiệm vụ, sẽ bị phạt tiền từ 8 đến 10 triệu đồng.
Nghị định cũng quy định mức phạt từ 10 đến 14 triệu đồng đối với các trường hợp như không quan sát, không giảm tốc độ hoặc không dừng lại để đảm bảo an toàn theo quy định, dẫn đến tai nạn giao thông. Ngoài ra, người điều khiển xe chạy vượt tốc độ quy định gây tai nạn, đi vào đường cao tốc hoặc thực hiện các hành vi như dừng, đỗ, quay đầu, lùi xe, vượt xe, chuyển hướng hay chuyển làn không đúng quy định gây tai nạn, cũng thuộc diện xử phạt này.
Các lỗi khác bao gồm đi sai phần đường, làn đường; không giữ khoảng cách an toàn giữa hai xe theo quy định; đi vào đường có biển cấm đối với loại phương tiện điều khiển hoặc đi ngược chiều gây tai nạn giao thông. Đối với hành vi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển xe máy, mức phạt sẽ dao động từ 2 đến 10 triệu đồng.
Ngoài ra, Nghị định 168/2024/NĐ-CP cũng đưa ra quy định xử phạt đối với các vi phạm liên quan đến điều kiện của phương tiện khi tham gia giao thông. Cụ thể, người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không có gương chiếu hậu bên trái (hoặc có nhưng không sử dụng được), không có đèn soi biển số hoặc đèn báo hãm, sẽ bị phạt từ 400.000 đến 600.000 đồng.
Trong trường hợp xe mô tô, xe gắn máy không gắn biển số, gắn biển số không đúng với chứng nhận đăng ký, hoặc sử dụng biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp, người điều khiển sẽ bị phạt từ 4 đến 6 triệu đồng.
Ảnh minh họa
Do mức xử phạt hành vi vi phạm giao thông khá cao nên thực tế có không ít cá nhân vi phạm khi bị lực lượng chức năng xử phạt đã cố tình không nộp phạt, “bỏ của chạy lấy người”.
Chia sẻ với Báo An ninh Thủ đô về chế tài xử lý hành vi này, luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội, cho biết theo quy định tại Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 1 năm kể từ ngày ra quyết định. Sau thời hạn này, quyết định sẽ không còn hiệu lực, ngoại trừ trường hợp quyết định xử phạt có áp dụng hình thức tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính hoặc biện pháp khắc phục hậu quả, khi đó vẫn phải thực hiện việc tịch thu và áp dụng biện pháp khắc phục theo quy định.
Trong trường hợp cá nhân hoặc tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh hoặc trì hoãn thực hiện, thời hiệu nêu trên sẽ được tính lại từ thời điểm hành vi trốn tránh hoặc trì hoãn chấm dứt. Do đó, nếu người vi phạm bỏ lại xe và không nộp phạt, thời hiệu thi hành quyết định xử phạt sẽ bắt đầu tính từ khi hành vi trốn tránh hoặc trì hoãn kết thúc.
Nếu hết thời hạn mà cá nhân vẫn không thực hiện nghĩa vụ, việc cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt có thể được thực hiện bằng các biện pháp như: khấu trừ một phần lương hoặc thu nhập, khấu trừ tiền từ tài khoản ngân hàng của người vi phạm; kê biên tài sản có giá trị tương đương để bán đấu giá; thu giữ tài sản hoặc tiền bạc của người bị cưỡng chế do người khác đang giữ, trong trường hợp người vi phạm cố tình tẩu tán tài sản. Đồng thời, người vi phạm vẫn phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.
Như vậy, ngay cả khi cá nhân vi phạm giao thông cố tình không nộp phạt và bỏ lại phương tiện, họ vẫn phải chịu trách nhiệm đóng phạt theo quyết định xử phạt hành chính. Nếu không tự nguyện thực hiện, họ sẽ đối mặt với các biện pháp cưỡng chế theo quy định pháp luật.
Liên quan đến việc xử lý phương tiện vi phạm không được nhận lại sau thời gian tạm giữ, luật sư nhấn mạnh rằng, theo Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi, nếu sau thời hạn 1 tháng kể từ ngày thông báo lần thứ hai, người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận, thì trong vòng 5 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật hoặc phương tiện vi phạm hành chính…
>> Chi tiết mức trừ điểm giấy phép lái xe ô tô với các lỗi vi phạm từ 2025
Từ 2025, không chấp hành tín hiệu giao thông vừa bị phạt tiền vừa bị trừ điểm Giấy phép lái xe
Trường hợp giấy phép lái xe bị thu hồi, không có giá trị sử dụng chỉ sau vài ngày tới