Truyền thuyết về Thăng Long tứ trấn - 4 ngôi đền trấn giữ, bảo vệ tứ phương huyết mạch của Hà Nội (P2)

23-02-2024 09:33|Hải Yến

Xuyên suốt triều đại nhà Lý, truyền thống thờ phụng Thăng Long Tứ Trấn dần trở thành một phần của tín ngưỡng dân gian.

Bốn ngôi đền thiêng được xây dựng với mục đích trấn yểm, bảo vệ Kinh thành Thăng Long, ngày nay là Thủ đô Hà Nội.

3. Đền Voi Phục trấn phía Tây, thờ thần Linh Lang Đại Vương

Ngự ở phía tây kinh thành là đền Voi Phục ẩn mình dưới tán lá xanh ở công viên Thủ Lệ. Đức thần được thờ là Hoàng tử Linh Lang, có nguồn gốc là con của Long Vương thác sinh vào làm con một bà phi tên là Hạo nương của vua Lý Thánh Tông. Vào thế kỷ 11, đức thần đã có công giúp vua Lý Thánh Tông đánh giặc Tống. Để tưởng nhớ công đức thần, nhà vua đã lệnh cho dân chúng dựng đền Voi Phục; tên gọi xuất phát từ hai bức tượng voi đá quỳ trước cổng đền.

Đền Voi Phục

Đền Voi Phục

- Lịch sử:

Đền Voi Phục có vị trí nằm trên gò Long Thủ (đầu rồng) quay về hướng Nam, ngả sang Đông. Đó là các hướng của nguồn sinh lực vũ trụ, của thánh thần và cũng là hướng của đế vương.

Ngôi đền thờ thần Linh Lang, người đã giúp vua Lý Thánh Tông trong cuộc chiến chống ngoại xâm đẩy lùi giặc Tống khỏi bờ cõi nước ta. Ngài được nhà Vua sắc phong là "Thượng Đẳng Thần".

Ngôi đền nằm trong Thăng Long tứ trần này mang nét trầm mặc giữa lòng Thủ đô

Ngôi đền nằm trong Thăng Long tứ trần này mang nét trầm mặc giữa lòng Thủ đô

Đến thời nhà Trần, Đức Thánh Linh Lang hiển linh giúp tướng sĩ đánh tan hai cuộc xâm lược của giặc - Nguyên - Mông và được vua Trần sắc phong "Bình Mông Vương Thượng Đẳng Phúc Thần".

- Kiến trúc:

Đến với ngôi đền nằm trong Thăng Long tứ trần này, bạn sẽ ngạc nhiên trước lối kiến trúc trầm mặc, cổ kính nhuốm màu thời gian. Đường vào sân đền có ba lối. Trong đó, lối giữa có 12 bậc đá rộng chỉ sử dụng khi rước kiệu trong những ngày lễ, còn hai lối hai bên là để đi lại.

Giữa sân đền Voi Phục là một giếng nước hình bán nguyệt được chạm khắc đôi rồng mây bằng đá, có ý nghĩa "tụ thủy tụ phúc" tức là "cầu nước cầu no đủ".

Giếng nước giữa sân đền

Giếng nước giữa sân đền

Ấn tượng nhất là mái đền mang đậm kiến trúc truyền thống của đình chùa thời xưa với phần đuôi cong vút như đầu đao, phía trên được chạm trổ rồng, phượng, lân, hổ và long châu uốn lượn mềm mại, tinh xảo trông rất uy nghiêm, cổ kính.

Mái đền cổ kính

Mái đền cổ kính

Chính điện của đền có 5 gian bày lỗ bộ. Bên trái được đặt trống, bên phải đặt chuông đồng. Ở giữa đặt bài vị, ngai vàng chạm khắc tỉ mỉ của nghệ thuật thế kỷ 19. Bức tượng thần Linh Lang ở vị trí cao nhất với nét mặt chính trực, oai nghiêm.

Phía Hậu đường cũng có 5 gian được xây dựng bằng gỗ lim bóng loáng. Trước hiên đặt đôi linh vật bằng đá với mục đích bảo vệ sự bình yên của tòa nhà. Bên trong thờ mẹ của thần Linh Lang và ba vị Thánh Mẫu.

Ngoài ra, đền Voi Phục còn có nhiều hoành phi và câu đối bằng chữ hán, sơn son thiếp vàng lộng lẫy. Nội dung chủ yếu ca ngợi công đức và sự thiêng liêng của thánh thần.

Du khách có thể đến đền Voi Phục để chiêm bái hoặc check-in

Du khách có thể đến đền Voi Phục để chiêm bái hoặc check-in

- Lễ hội:

Đền Voi Phục là một ngôi đền nằm trong Thăng Long tứ trấn được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng là di tích văn hóa năm 1962. Địa danh là chốn hành hương nổi tiếng ở Hà Nội được đông đảo du khách đến tham quan và chiêm bái. Đặc biệt, với những tín đồ mê vẻ đẹp hoài cổ thì ngôi đền là địa điểm không thể bỏ qua.

Du khách có thể đến thăm đền vào bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, đền Voi Phục thu hút du khách nhiều nhất vào mùa lễ hội sôi động. Cứ vào mùng 9, 10, 11 tháng 2 âm lịch hằng năm, đền sẽ tổ chức nhiều hoạt động vui chơi thú vị. Trong đó hoạt động rước kiệu được mong chờ nhất.

4. Đền Quán Thánh trấn phía Bắc, thờ thần Huyền Thiên Trấn Vũ

Tọa lạc bên cạnh Hồ Tây, đền Quán Thánh là ngôi đền mang nhiệm vụ trấn giữ phương Bắc. Đây là nơi thờ phượng Huyền Thiên Trấn Vũ, một vị thần quan trọng trong Đạo giáo, tượng trưng sao Bắc Cực.

- Lịch sử:

Ngôi đền nằm trong Thăng Long tứ trấn này được xây dựng vào những năm đầu khi vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long. Di tích trải qua nhiều đợt trùng tu. Dưới đời vua Lê Hy Tông, chúa Trịnh Tạc đã ủy thác cho con là Trịnh Căn chủ trì việc xuất kho để di tạo Trấn Vũ Quán và pho tượng Thánh Trấn Vũ.

Bàn thờ thần với một bài thơ thời Đường ở phía sau

Bàn thờ thần với một bài thơ thời Đường ở phía sau

Như vậy, ngôi đền này có hai tên gọi là: Trấn Vũ Quán và Đền Quán Thánh. Là một trong Thăng Long tứ trấn, đền Quán Thánh thờ Huyền Thiên Trấn Vũ. Tương truyền đây là thần cai quản phương Bắc giúp nhân dân trừ tà ma, yêu quái, diệt trừ cáo chín đuôi ở Tây Hồ và hồ ly tinh trên sông Hồng đời vua Lý Thánh Tông…

- Kiến trúc:

Tham quan đền Quán Thánh, bạn sẽ thấy nơi đây được xây dựng theo kiến trúc truyền thống của Trung quốc, bao gồm: tam quan, tiền đế, trung đế, hậu cung, sân bái.

Cổng ngoài được thiết kế ấn tượng với bốn cột trụ là bốn con phượng hoàng đấu lưng và con nghê trên đỉnh. Xung quanh bốn cột trụ là các chi tiết nổi bật như: cá hóa rồng, mãnh hổ hạ sơn, các cặp câu đối đó mang đến sự uy nghi, cổ kính.

Bức chạm khắc từ đồng treo trên xà nhà

Bức chạm khắc từ đồng treo trên xà nhà

Tam quan của đền gồm 3 cửa và 2 tầng. Đặc biệt, cổng giữa tam quan đắp nổi tượng thần Rahu, một vị thần của Ấn Độ. Ngoài ra, ở gác tam quan là nơi đặt quả chuông đồng được đúc vào năm 1677.

Tiến vào sân bái là nơi để người dân bày biện lễ vật. Trước bái đường được đặt 2 lư hương lớn và bàn để chuẩn bị đồ tế lễ. Hiên bái được trang trí bởi các hình tượng đắp nổi như: tượng cá hóa rồng, tượng hổ xuống núi và bản giới thiệu tượng đồng Huyền Thiên Trấn Vũ ở hậu cung.

Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ

Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ

Ngoài ra, ngôi đền nằm trong Thăng Long tứ trấn này còn có nhiều tác phẩm nghệ thuật giá trị được chạm khắc tinh xảo trên cửa, cột, xà, hoành phi, câu đối viết bằng chữ Hán. Đền cũng có một chiếc khánh bằng đồng được đúc vào thời chúa Trịnh.

- Lễ hội:

Nổi tiếng là một trong Thăng Long tứ trấn, đền Quán Thánh được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia vào năm 1962. Nơi đây thu hút đông đảo du khách đến tham quan và dâng hương. Bạn có thể đến đền vào ngày thường, ngày lễ, tết. Hằng năm, ngôi đền sẽ tổ chức lễ hội vào ngày 3 tháng 3 âm lịch.

*Ảnh: Saigoneer

>> Truyền thuyết về Thăng Long tứ trấn - 4 ngôi đền trấn giữ, bảo vệ tứ phương huyết mạch của Hà Nội (P1)

Ngôi đền nghìn năm tuổi lưng tựa núi, mặt giáp dòng sông Lam thơ mộng được mệnh danh là chốn linh thiêng ‘cầu gì được nấy’ ở miền Trung Việt Nam

Bí ẩn ngôi đền cổ chạm khắc từ một phiến đá khổng lồ, được cho là ‘tác phẩm của người ngoài hành tinh’

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/truyen-thuyet-ve-thang-long-tu-tran--4-ngoi-den-tran-giu-bao-ve-tu-phuong-huyet-mach-cua-ha-noi-p2-d116608.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Truyền thuyết về Thăng Long tứ trấn - 4 ngôi đền trấn giữ, bảo vệ tứ phương huyết mạch của Hà Nội (P2)
    POWERED BY ONECMS & INTECH