Vĩ mô

TS. Huỳnh Thế Du: ‘Đầu tư là cơ sở để Việt Nam tăng trưởng 2 con số’

Phúc Lam 20/01/2025 15:04

Sự phát triển của một quốc gia phụ thuộc vào 3 trụ cột là: thị trường, Nhà nước và cộng đồng.

Trình bày tại Workshop "Từ bẫy thu nhập trung bình đến kỷ nguyên vươn mình" được Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phát triển (DEPOCEN) tổ chức vào tối ngày 19/1, diễn giả - TS. Huỳnh Thế Du - giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam cho biết, hiện tại có 108 quốc gia trên thế giới đang có thu nhập trung bình và từ năm 1990 đến nay chỉ có 34 quốc gia thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Các nước có thu nhập trung bình (từ trung bình thấp đến trung bình cao) chiếm hơn 75% dân số thế giới nhưng chưa chiếm đến 40% GDP toàn cầu (tính theo giá danh nghĩa).

TS. Du nêu ra một nguyên lý cơ bản của kinh tế học là “mức sống của một quốc gia phụ thuộc vào năng lực sản xuất hàng hóa, dịch vụ của nước đó”.

Năng lực sản xuất được hiểu một cách đơn giản là “năng suất, năng suất và năng suất”. Nếu một quốc gia có thể nâng cao năng suất thì sẽ tạo ra sự thịnh vượng còn nếu không, sẽ rất khó để có thể vượt lên mức thu nhập cao hơn.

TS. Du chỉ ra 3 vấn đề lớn đối với nhiều nước, đặc biệt là những nước có thu nhập trung bình, trong đó có Việt Nam đó là các doanh nghiệp không thể lớn, sự ra đi của các doanh nhân và sự ra đi của đội ngũ tri thức.

Bên cạnh đó, TS. Du cho biết, sự phát triển của một quốc gia phụ thuộc vào 3 trụ cột là: thị trường, Nhà nước và cộng đồng. Ông cho biết, nhìn trên bình diện toàn cầu, vai trò của cộng đồng đang bị đẩy lại phía sau và có nhiều trục trặc.

TS. Du cho biết, để vượt qua bẫy thu nhập trung bình, một quốc gia phải tiếp cận mô hình 2i (investment + infusion) hoặc mô hình 3i (investment + infusion + innovation).

Cụ thể, đầu tư phải đủ để phát triển cơ sở hạ tầng và đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội. Thứ hai là truyền dẫn, hiểu một cách đơn giản là học hỏi, tiếp thu tri thức bên ngoài. Sau đó là đổi mới sáng tạo.

Việt Nam qua 4 thập niên đổi mới và vị trí hiện tại của Việt Nam

Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới về tăng trưởng trong giai đoạn 1985 – 2023. Theo TS. Du, mức độ tăng trưởng của Việt Nam rất tốt.

Ngoài ra, TS. Du chỉ ra một số xếp hạng của Việt Nam như GDP/người xếp 120/192 (nguồn: WB), chỉ số HDI xếp thứ 107/193 (nguồn: UNDP), năng lực cạnh tranh xếp thứ 67/141 (nguồn: WEF), đổi mới sáng tạo xếp thứ 44/133 (nguồn: WIPO),...

Khi được hỏi về cảm nhận hạnh phúc, người dân ở Việt Nam cảm nhận mức độ hạnh phúc so với bình quân thu nhập rất cao, đứng thứ 54/180 quốc gia.

Thông qua các chỉ tiêu trên, TS. Du khẳng định, trong 4 thập niên đổi mới, so với mặt bằng chung của thế giới, sự cải thiện của Việt Nam là rất đáng kể, tốt hơn hẳn hầu hết các nước trên thế giới.

Tuy nhiên, TS. Du cũng cho biết, nếu với quán tính hiện tại, khả năng vượt được bẫy thu nhập trung bình để trở thành nước có thu nhập cao vào năm 2045 của Việt Nam là điều vô cùng thách thức.

TS. Huỳnh Thế Du: ‘Đầu tư là cơ sở để Việt Nam tăng trưởng 2 con số’
TS. Huỳnh Thế Du - giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý, Đại học Fulbright Việt Nam

Chuyển điểm cân bằng như thế nào?

Nhìn ra bên ngoài thế giới, TS. Du cho biết, các quốc gia đã tạo ra một Nhà nước hiệu quả dựa vào tài năng; tận dụng tri thức nhân loại và cạnh tranh quốc tế.

TS. Du lấy ví dụ về các nước có thu nhập cao đã tạo cơ chế để cho các doanh nghiệp làm ăn, để người giỏi có thể phát huy năng lực và người giàu thấy được tiềm năng về một mảnh đất đáng sống, quyết định ở lại.

Đặc biệt, các quốc gia trong khu vực đã xây dựng một Nhà nước hiệu quả; học hỏi, tiếp thu những tri thức của nhân loại. Vì vậy, TS. Du khẳng định, Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi được từ những quốc gia đi trước để phát triển.

Về vấn đề cắt giảm nhân sự khu vực công, TS. Du khẳng định, vấn đề then chốt của việc sắp xếp lại bộ máy là nâng cao hiệu quả và năng lực làm việc của khu vực công.

Gợi ý của TS. Du về việc tinh gọn bộ máy là tạo cơ hội để đội ngũ chứng minh khả năng của mình trong năm 2025 và dựa vào kết quả năm 2025 để cắt giảm. Như vậy, trong một năm sẽ tạo ra sự thay đổi, cách làm việc mới, không khí mới.

Về vấn đề 3i tại Việt Nam, TS. Du cho biết, đầu tư vào Việt Nam còn rất nhiều không gian. TS. Du khẳng định: "Trong thời gian tới, đầu tư chính là cơ sở để Việt Nam có thể tăng trưởng 2 con số”.

Bên cạnh đó, nước ta có đội ngũ người Việt Nam ở nước ngoài rất lớn. Đây là cơ sở để Việt Nam có thể học hỏi, tiếp thu tri thức từ nhân loại.

Về đổi mới sáng tạo, TS. Du chia sẻ: “Với mức độ của nền kinh tế Việt Nam hiện tại, chúng ta khoan hãy kỳ vọng vào kết quả của đổi mới sáng tạo”.

Quay trở lại câu hỏi “Liệu mục tiêu trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045 có thể trở thành hiện thực?”, TS. Du trích số liệu của WB về tăng trưởng GDP/người, giai đoạn tốt nhất của Việt Nam là đầu thập niên 1990, giai đoạn tốt nhì là giữa thập niên 2000 và giai đoạn tốt thứ ba là trước đại dịch Covid – 19.

Tốc độ tăng trưởng GDP/người/năm của Việt Nam giai đoạn 1986 – 2023 là 4,9%, giai đoạn 2002 – 2023 là 5%. Theo tính toán của TS. Du, mức cần cho giai đoạn 2025 – 2045 là 5,5%.

TS. Du khẳng định: “Nhìn vào tình trạng hiện hữu, để đạt được mục tiêu trên là rất khó. Tuy nhiên, nếu Việt Nam tăng cường sự sáng tạo, phá đi những cấu trúc không hiệu quả hiện hữu thì khả năng đạt được là có”.

Tóm lại, để thoát được bẫy trung bình trong thời gian tới, Việt Nam cần nâng cao năng lực và có sự cân bằng của cả 3 trụ cột là thị trường, Nhà nước và cộng đồng.

Trong đó, Nhà nước nên theo mô hình Nhà nước nhỏ, dựa vào tài năng và hiệu quả; thị trường cần có tính cạnh tranh quốc tế và cộng đồng cần có không gian mở để mọi người tư duy.

>>Vượt kỳ vọng, GDP Việt Nam tăng trưởng ấn tượng 7,09% trong năm 2024

3 kịch bản cho tăng trưởng GDP 2025: Tích cực nhất có thể đạt 9 - 9,5%

Nền kinh tế 476 tỷ USD: GDP Việt Nam sắp vượt Thái Lan, Singapore, vào Top 3 Đông Nam Á

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ts-huynh-the-du-dau-tu-la-co-so-de-viet-nam-tang-truong-2-con-so-272483.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    TS. Huỳnh Thế Du: ‘Đầu tư là cơ sở để Việt Nam tăng trưởng 2 con số’
    POWERED BY ONECMS & INTECH