Chuyên gia nhận định, với các hoạt động huy động vốn từ trái phiếu doanh nghiệp, khi khoản cũ thu lại chậm thì khoản vay mới sẽ rất khó, chưa nói đến room tín dụng.
Chia sẻ tại Talkshow “Gỡ nghẽn dòng tiền” do Báo Đầu tư tổ chức ngày 18/11/2022, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, đề xuất lập quỹ từ ngân sách để cứu trái phiếu rất khó thực hiện, nếu không cẩn thận thoát được điểm nghẽn này lại rơi vào điểm nghẽn khác.
Phân tích về những nguyên nhân dẫn đến tình trạng cạn kiệt thanh khoản, TS. Thành cho biết, áp lực thanh khoản đến từ nhiều yếu tố, trong những tháng đầu năm nay, kinh tế phục hồi dẫn đến nhu cầu về vốn của doanh nghiệp.
Cả năm 2022, Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% nhưng nếu tính theo tháng so với cùng kỳ năm trước, có thời điểm tốc độ tăng trưởng tín dụng lên tới 17%. Trong giai đoạn đó, tổng cung tiền M2 chỉ tăng 56% nhưng tăng trưởng tín dụng lại tăng mạnh dẫn đến áp lực về thanh khoản với hệ thống ngân hàng thể hiện bằng việc tăng lãi suất điều hành, tăng lãi suất huy động.
Tốc độ tăng trưởng tín dụng vào bất động sản hay các hoạt động liên quan trong thời gian gần đây cũng tăng nhanh hơn tốc độ tăng trung bình của hoạt động cho vay trung và dài hạn. Khi khoản cũ thu lại chậm thì khoản vay mới sẽ rất khó, chưa nói đến room tín dụng.
Bên cạnh đó, một lượng tiền rất lớn hàng trăm nghìn tỷ huy động từ trái phiếu Chính phủ dành cho đầu tư công và các chương trình phục hồi cũng chưa chi được nhiều. Nguồn tiền đọng ở đó cũng góp phần khiến thanh khoản cạn kiệt.
Với thị trường hiện nay, tâm lý phòng thủ rất cao, có tiền nhưng nhà đầu tư cũng không muốn xuống tiền. Do đó, cái khó trong điều hành hiện nay là cùng lúc phải xử lý 3 bài toán một lúc: "Ổn định lạm phát, cán cân thanh toán quốc tế "nhưng phải "đảm bảo an toàn của hệ thống tài chính ngân hàng" và "thúc đẩy quá trình phục hồi".
Ông Thành cho biết, vừa qua Trung Quốc đã có một chương trình giải cứu bất động sản tập trung mà Việt Nam có thể nhìn vào đó để đưa ra những giải pháp tổng thể về dòng tiền nhằm gỡ khó cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.
Chương trình này tập trung vào 3 vấn đề: Nới điều kiện cho vay bất động sản, nới tín dụng cấp cho người mua nhà và tạo điều kiện cho thị trường trái phiếu quay lại vận động.
Tuy nhiên, với việc lập Quỹ bảo lãnh hoặc Quỹ bình ổn thị trường trái phiếu như đề xuất của một số người, TS. Thành cho rằng, đề xuất này nên xem xét nhưng không dễ thực hiện.
Nguyên Phó Viện trưởng CIEM cho biết, ý tưởng này không phải là mới, dù so sánh hơi khập khiễng nhưng về bản chất giống với việc thành lập Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) thu dọn nợ xấu sang một bên để dòng tiền vận hành bình thường trở lại. Giống như vậy, Quỹ bình ổn trái phiếu sẽ tham gia mua lại trái phiếu để thanh khoản thông suốt, doanh nghiệp và nhà đầu tư bớt khó khăn.
Tuy nhiên, TS. Thành nhấn mạnh, ý tưởng này gặp hai vấn đề. Thứ nhất, Quốc hội liệu có cho phép sử dụng tiền ngân sách để “cứu” trái phiếu hay không.
Thứ hai, từ bài học xử lý nợ xấu giai đoạn vừa qua (cho dù Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu), song đến nay nợ xấu vẫn chưa thể xử lý xong, cho thấy ý tưởng này có thể sẽ gặp nhiều khó khăn nếu triển khai.
Nếu không có cơ chế xử lý ngay từ đầu thì không cẩn thận, thoát được ít nhiều điểm nghẽn này lại tạo ra điểm nghẽn khác, làm quá trình cải cách, tái cơ cấu hệ thống tài chính càng thêm khó khăn.
Còn với số tiền ngân sách thuộc về tài khóa, dù chưa chi được nhưng phải gắn với kế hoạch quyết liệt chi tiêu đầu tư công thời gian tới. Nếu chúng ta nhìn con số 200.000 - 300.000 tỷ đồng thì rất lớn nhưng so với nhu cầu hiện nay (cả tín dụng hiện tại và tín dụng cấp mới) thì không phải là quá lớn”, TS. Thành nói.
TS Võ Trí Thành: 'VND chỉ mất giá tối đa 3% trong năm nay'
Chuyên gia Võ Trí Thành: 3 hệ lụy tiêu cực khi giá vàng tăng phi mã