Kinh tế muốn phục hồi thì tiền bạc quan trọng, nhưng quan trọng hơn là thể chế. Thể chế tốt thì nguồn lực được khơi thông, tiền đẻ ra tiền.
Bày tỏ sự trăn trở về thực trạng nền kinh tế ở thời điểm hiện tại, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Chủ tịch VIAC nói rằng để không lặp lại tình trạng "sau vài chục năm mở cửa, các ngành công nghiệp chủ lực như ôtô, dệt may, điện tử vẫn lắp ráp, gia công", ông Lộc đề nghị Chính phủ đưa ra chiến lược đột phá phát triển các ngành kinh tế trong bối cảnh mới.
Tăng trưởng kinh tế đang ở mức thấp nhất trong lịch sử
Bình luận về tình hình kinh tế ở thời điểm hiện tại, TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế, nhận xét nền kinh tế đang rất khó khăn, tăng trưởng kinh tế và doanh nghiệp đều ở mức thấp nhất trong lịch sử, và các chính sách hỗ trợ thực thi không như kỳ vọng.
"Kinh tế muốn phục hồi thì tiền bạc quan trọng, nhưng quan trọng hơn là thể chế. Thể chế tốt thì nguồn lực được khơi thông, tiền đẻ ra tiền. Còn thể chế tồi thì có tiền cũng không tiêu được", Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế nói.
Để giải quyết vấn đề này, ông Lộc cho rằng không cách nào khác là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính đang "nặng nề hơn với doanh nghiệp, người dân vài năm qua". Cùng đó, các quy định chồng chéo gây rủi ro cho người thực hiện cần được khắc phục, nhất là khắc phục tâm lý sợ sai, e ngại thanh tra, kiểm tra của cán bộ công chức, doanh nghiệp.
"Cần bổ sung chế tài kinh tế xử lý vi phạm và luật hóa các biện pháp bảo vệ cán bộ, doanh nhân dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung", ông Vũ Tiến Lộc đề nghị.
Ông Lộc nói thêm, trong thời kỳ khủng hoảng, giải pháp kinh điển là bơm tiền vào nền kinh tế. Các quyết định bơm tiền được Quốc hội ban hành, nhưng triển khai gặp trở ngại. "Vì thế, cần giải quyết tình trạng có tiền không tiêu được. Chừng nào tình trạng này còn thì khó hy vọng phát triển bứt phá thời gian tới", ông Lộc nhìn nhận.
Các ngành công nghiệp chủ lực như ôtô, dệt may, điện tử vẫn lắp ráp, gia công
Việt Nam đang đứng trước cơ hội chuyển dịch địa chính trị, kinh tế, mở ra cơ hội thành trung tâm đổi mới sáng tạo, là điểm đến dòng dịch chuyển thương mại, đầu tư. Nhưng tận dụng cơ hội này, theo Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Vũ Tiến Lộc, phụ thuộc vào chuẩn bị thể chế, nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng.
Để không lặp lại tình trạng "sau vài chục năm mở cửa, các ngành công nghiệp chủ lực như ôtô, dệt may, điện tử vẫn lắp ráp, gia công", ông Lộc đề nghị Chính phủ đưa ra chiến lược đột phá phát triển các ngành kinh tế trong bối cảnh mới.
"Nếu tham gia vào các chuỗi giá trị thế giới, các lĩnh vực công nghệ cao như chip bán dẫn mà Việt Nam vẫn chỉ đảm nhận khâu gia công, đóng gói trong 10-15 năm tới thì không thể vượt bẫy trung bình, thành quốc gia phát triển", ông Lộc lưu ý, và thêm rằng việc này cần quyết sách chiến lược tầm quốc gia của Quốc hội, Chính phủ.
Đồng quan điểm với TS Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa cũng đồng tình, Việt Nam phải xây dựng xã hội số, kinh tế số để vượt bẫy thu nhập trung bình, nợ công, và thoát khỏi mô hình tăng trưởng cũ, chủ yếu xuất khẩu tài nguyên, lao động gia công giá rẻ.
TS Nguyễn Hữu Huân: “Chứng khoán giảm điểm liên tục như cú lừa với nhà đầu tư nhỏ lẻ”