Tựa cây đàn khổng lồ, cầu vượt sông kết thúc sứ mệnh lịch sử của bến phà hơn 50 năm, mang kỷ lục thế giới về Việt Nam
Cây cầu mất 20 năm mới phê duyệt được quyết định thiết kế và xây dựng. Tuy nhiên, dự án lại hoàn thành vượt tiến độ 3 tháng, là niềm tự hào của người dân địa phương.
Cầu Bãi Cháy là một cây cầu dây văng lớn bắc qua sông Cửa Lục (eo biển vịnh Hạ Long), thuộc địa phận TP. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. Đây là một trong những công trình giao thông quan trọng nhất của tỉnh, kết nối hai bờ phía Đông và phía Tây của Hạ Long là Bãi Cháy với Hòn Gai.
Dự án cầu Bãi Cháy được thực hiện bằng vốn vay ODA Nhật Bản và vốn đối ứng trong nước với tổng mức đầu tư 2.140 tỷ đồng.
Cầu Bãi Cháy nhìn từ trên cao. Ảnh internet
Cầu Bãi Cháy mang một thiết kế với điểm nhấn chính gồm những sợi dây văng nối mặt phẳng dây thẳng đứng. Từ trên cao, cầu Bãi Cháy như một cây đàn khổng lồ chiếm trọn một khoảng không to lớn. Cầu có chiều dài 2.487, chiều rộng 25,3m với 4 làn xe cơ giới và 2 làn đường dành cho người đi bộ. Phần cầu chính dài 435m, nhịp chính giữa cầu dài 435m. Với nhịp cầu dài thế này thì đây là một trong những cây cầu dây văng có nhịp chính dài nhất thế giới.
Cây cầu đạt kỷ lục nhịp chính dài nhất thế giới. Ảnh internet
Chân trụ hai bên cầu cao đến 90m/tháp, là điều kiện để cầu chịu đựng được bất kể thời tiết khó chịu đến thế nào. Đây là loại công nghệ hiện đại chỉ được sử dụng tại các nước phát triển.
Lần đầu tiên tại Việt Nam áp dụng hai tháp cầu thẳng trên nền móng giếng hơi chìm xuống với độ ép kích thước hạng nặng. Với cầu Bãi Cháy, nó càng có ý nghĩa quan trọng hơn. Bởi vì eo biển Cửa Lục mà cây cầu bắc qua là luồng vào cảng nước sâu Cái Lân và khu công nghiệp đóng tàu trọng tải trên 10.000 tấn. Vì vậy, yêu cầu đảm bảo an toàn cho tàu, thuyền vào cảng là bắt buộc. Cầu Bãi Cháy được thiết kế cao 50m so với mặt nước biển, rộng 130m đã đáp ứng được điều đó, đảm bảo các tàu trọng tải 5 vạn tấn đều có thể qua lại bình thường.
Cầu Bãi Cháy lung linh về đêm. Ảnh internet
Tài trợ cho dự án cầu Bãi Cháy là Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản. Thiết kế cầu được thực hiện bởi nhiều tổ hợp như Viện Cấu trúc&Cầu Nhật Bản, Tư vấn Quốc tế Thái Bình Dương, Tập đoàn Thiết kế Công nghệ Vận tải, và Tư vấn Hyder. Hợp đồng chính được trao vào tháng 5/2003 cho Công ty liên doanh Nhật Bản Shimizu-Sumitomo Matsui và khởi công vào tháng 8/2003.
Phải mất hết 20 năm thì cây cầu này mới thực sự hoàn thành sau rất nhiều sự lựa chọn thay đổi, dự án xây dựng cầu được thông qua. Song, cầu lại có thời gian thi công rất ngắn, chỉ 40 tháng và vượt tiến độ 3 tháng.
Bến phà Bãi Cháy xưa kia. Ảnh: Báo Dân Trí
Khi chưa có cầu Bãi Cháy, mọi hoạt động đi lại đều bằng phà. Phà Bãi Cháy có lịch sử khá lâu đời và hào hùng. Ngày 25/4/1955, bến phà này là nơi chứng kiến thời khắc kết thúc 72 năm chiếm đóng của thực dân Pháp. Trong cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc, không quân Mỹ đã đánh phá trên 70 trận với hàng nghìn quả tên lửa và 534 quả bom các loại ném xuống tuyến phà này, nhằm chia cắt hoạt động vận chuyển vũ khí và hành khách qua sông.
Cầu Bãi Cháy đi vào hoạt động cũng là lúc kết thúc sứ mệnh lịch sử sau hơn 50 năm hoạt động của bến phà Bãi Cháy. Từ đây, mọi phương tiện giao thông từ Thủ đô Hà Nội tới Quảng Ninh rất thuận tiện, không còn cảnh "qua sông luỵ đò" nữa. Điều này có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội không chỉ với Quảng Ninh mà cho cả toàn khu vực các tỉnh phía Bắc.
Hợp long 2 nhịp chính đầu tiên của cầu vượt sông lớn nhất Vành đai 3 TP. HCM
Nam Định sắp có cầu vượt sông gần 600 tỷ đồng, thay thế cầu phao Ninh Cường mới bị đứt