Tỷ giá USD "dậy sóng", diễn biến những tháng cuối năm có đáng lo?
Sau một quý 2 tương đối "yên ả" khi cặp tỷ giá USD/VND dao động trong vùng giá tương đối ổn định, thì ngay trong nửa đầu tháng 8, thị trường đã chứng kiến đà tăng mạnh mẽ của cặp tỷ giá.
Tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng đã bật tăng mạnh từ mức giá 23.700-23.750 đồng lên mức 23.950-24.000 đồng, tương đương với mức mất giá 1,2% của VND và là mức tăng là mức cao nhất trong vòng 10 tháng trở lại đây.
Ở thời điểm hiện tại, áp lực tăng tỷ giá là nội dung được nhiều tổ chức nhắc đến. Tại báo cáo Triển vọng kinh tế và thị trường ngoại hối Việt Nam 6 tháng cuối năm 2023, Shinhan Bank nhận định trước những áp lực từ nền kinh tế toàn cầu, tỷ giá VNĐ/USD có thể tăng trong ngắn hạn.
Theo các chuyên gia của Shinhan Bank, bối cảnh kinh tế khó khăn đang khiến cho nhu cầu quốc tế sụt giảm, làm xuất khẩu cầm chừng khiến nguồn thu ngoại tệ bị yếu đi, ảnh hưởng tới tỷ giá. Ngoài ra, đồng Nhân dân tệ yếu đi cũng đang gây áp lực lên VNĐ.
SSI Rearch cũng cho rằng, áp lực đối với tỷ giá có thể tăng dần khi NHNN vẫn duy trì sự khác biệt giữa chính sách tiền tệ của mình đối với các Ngân hàng Trung ương lớn khác. Bởi mức chênh lãi suất USD - VNĐ đang ở mức khá cao và tạo áp lực rút vốn ra khỏi Việt Nam. Đồng thời giai đoạn này, VNĐ còn phải chịu áp lực mang tính mùa vụ từ việc chuyển lợi nhuận về nước của các doanh nghiệp FDI… Đó cũng là các yếu tố có thể gây sức ép lên tỷ giá VNĐ trong nửa cuối năm 2023.
Không chỉ vậy, các chuyên gia của Shinhan Bank còn lưu ý, Việt Nam có thể chịu tác động bởi nền kinh tế Trung Quốc do tỷ trọng xuất nhập khẩu sang Trung Quốc lớn, áp đảo về cơ cấu thương mại. VNĐ trước đây thường có xu hướng di chuyển cùng chiều với Nhân dân tệ, khi Nhân dân tệ yếu có thể gây áp lực giảm giá cho VNĐ trong ngắn hạn.
Sự suy yếu gần đây của Nhân dân tệ đang tạo gánh nặng lên VNĐ khi lĩnh vực sản xuất của Trung Quốc đã mất đà sau một đợt phục hồi ngắn vào đầu năm 2023.
Nhưng còn nhiều yếu tố hỗ trợ
Tại một diễn đàn vừa diễn ra, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho biết, lãi suất thực của Việt Nam vẫn còn ở mức rất cao dù NHNN nỗ lực giảm lãi suất để hỗ trợ phục hồi. Nguyên nhân vì Việt Nam còn lo ngại về hướng biến động của tỷ giá hối đoái. Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, có 3 căn cứ để xác định tỷ giá hối đoái biến động theo hướng nào.
Thứ nhất, đồng USD có thể tăng nữa không? Ông cho rằng điều này sẽ không diễn ra, đồng USD khó có thể tăng trong xu hướng đa cực, sử dụng nhiều đồng tiền như hiện nay. Chỉ số DXY từ gần 115 điểm hiện chỉ còn 102 điểm và có thể còn tiếp tục giảm quanh mức 100 điểm. Do đó, áp lực thứ nhất đối với tỷ giá hối đoái trong nước rất nhỏ.
Áp lực thứ hai là giá hàng hóa thế giới nhập khẩu tăng, đặc biệt là giá nguyên liệu. Nguy cơ này có thể còn nhưng không lớn. Bộ Tài chính còn có dư địa hỗ trợ NHNN trong việc kiềm chế giá xăng dầu không tăng quá mức.
Áp lực thứ ba là vấn đề nội địa, liệu cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam có bị thâm hụt không? Nhìn lại 6 tháng đầu năm và đặc biệt trong tháng 7, thặng dư thương mại rất lớn đã bổ sung cho cán cân vãng lai và cán cân thanh toán quốc tế khá tích cực và NHNN phải mua ngoại tệ vào để tăng dự trữ ngoại hối. Đây cũng là dấu hiệu cho thấy áp lực của nội địa đối với tỷ giá không lớn.
Vậy nên chuyên gia này kết luận, Việt Nam tuy là quốc gia có độ mở của nền kinh tế rất lớn, NHNN rất lo ngại chuyện ổn định tỷ giá hối đoái nhưng có nhiều khả năng giúp tỷ giá được ổn định trong năm 2023 và kể cả năm 2024.
Lãi suất liên ngân hàng tăng cao: Tín hiệu gì từ thanh khoản hệ thống?
Chính sách của ông Donald Trump khó ảnh hưởng mạnh đến tỷ giá, lãi suất Việt Nam năm 2025