VNDirect (VND) đang bị Top đầu bỏ lại?
Cách đây vài tháng, bà Phạm Minh Hương từng nhấn mạnh: "Thị phần là điều công ty nào cũng mong muốn, nhưng VNDirect không xem đó là ưu tiên hàng đầu, bởi mảng này cũng đi kèm chi phí nhất định".
![]() |
Nguồn: VNDirect |
Báo cáo quý II/2025 của CTCP Chứng khoán VNDirect (Mã VND) cho thấy doanh nghiệp đạt lợi nhuận sau thuế 369 tỷ đồng - tăng 7,3% so với cùng kỳ (YoY), song chưa thể tạo bứt phá mạnh mẽ như nhiều đối thủ trong nhóm Top đầu.
Kỳ này, tổng doanh thu hoạt động của VNDirect đạt 1.698 tỷ đồng - tăng 16% YoY. Mảng tự doanh (FVTPL) đóng góp lớn nhất với 834 tỷ, trong khi lãi từ khoản đầu tư đáo hạn (HTM) tăng 21% lên 140 tỷ đồng. Doanh thu môi giới tăng 20% nhờ thị phần HoSE tăng lên 6,36%, cho thấy tín hiệu phục hồi. Tuy vậy, doanh thu cho vay ký quỹ đi ngang ở mức 298 tỷ đồng – gần như trái chiều xu hướng chung của nhóm đầu ngành chứng khoán.
Điểm nhấn trong quý là doanh thu mảng ngân hàng đầu tư tăng vọt 1.350% - đạt 145 tỷ đồng, nhờ chiến lược mở rộng mảng tư vấn tài chính doanh nghiệp mà công ty đã theo đuổi từ trước.
Dù ghi nhận tăng trưởng ổn định, VNDirect cho biết không tham gia cuộc đua giành thị phần bằng mọi giá. Tại ĐHCĐ thường niên 2025, bà Phạm Minh Hương - Chủ tịch HĐQT nhấn mạnh trọng tâm của công ty là: "Làm chủ công nghệ, bảo vệ vốn cổ đông và xây dựng tài sản là con người. Đây là điều thách thức nhất".
Dù vậy, bà Hương thừa nhận VNDirect chưa tạo được đà tăng hấp dẫn như một số công ty trong hệ sinh thái ngân hàng, vốn có lợi thế chi phí thấp và vốn rẻ. Những áp lực nội tại như sự cố hacker, dự phòng trái phiếu cũng khiến công ty suy giảm thị phần và kết quả kinh doanh bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, VNDirect chọn cách đi riêng. "Thị phần là điều công ty nào cũng mong muốn, nhưng VNDirect không xem đó là ưu tiên lớn nhất vì mảng này cũng có chi phí nhất định", nữ doanh nhân nói.
>> KQKD nhóm chứng khoán quý II/2025: VIX tái lập kỳ tích, xuất hiện mức tăng 1.400%
Tổng Giám đốc Nguyễn Vũ Long bổ sung: "VNDirect không theo đuổi thị phần bằng mọi giá như miễn phí giao dịch hay giảm lãi vay vì điều đó gây tổn hại đến cổ đông và không tạo giá trị lâu dài".
Chiến lược thận trọng khiến lợi nhuận lũy kế 6 tháng của VNDirect chỉ đạt 751 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ (962 tỷ). Con số này thậm chí chỉ nhỉnh hơn lãi quý II của VPS và thấp hơn lợi nhuận quý của VIX, SSI hay TCBS (đạt từ 900-1.400 tỷ đồng).
Trong khi các công ty top đầu đẩy mạnh margin – vốn mang rủi ro cao khi thị trường điều chỉnh – VNDirect chọn giữ cấu trúc tài sản cân bằng: Danh mục tự doanh hơn 20.700 tỷ đồng (giảm 3.800 tỷ so với đầu năm), khoản đầu tư đáo hạn tăng lên 8.900 tỷ và dư nợ cho vay ổn định ở mức 10.600 tỷ.
Tính đến 30/6, tổng tài sản đạt 47.919 tỷ đồng - tăng 8% so với đầu năm. VNDirect cũng đang sở hữu lượng trái phiếu lớn, trong đó có cả trái phiếu Trung Nam Group – thể hiện vai trò là tổ chức có vị thế trên thị trường nợ.
Mục tiêu năm 2025 của VNDirect là đạt 4.412 tỷ đồng doanh thu và 1.840 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Dù chưa tạo đột phá so với nhóm ngân hàng hoặc công ty có hệ sinh thái hỗ trợ, câu chuyện của VNDirect là một lựa chọn khác biệt: Đi chậm hơn, nhưng không rời mục tiêu, đặt lợi ích cổ đông và sự bền vững lên trước tăng trưởng nóng.
>> VN-Index vượt 1.500 điểm, dư nợ margin lập đỉnh mới sau 10 quý tăng trưởng