Thông tin về việc “đổi chủ” của Manchester United đang là chủ đề được rất nhiều người quan tâm, vậy ông chủ "tin đồn" của MU đang sở hữu khối tài sản khủng cỡ nào?
Ông Sheikh Jassim. |
Hồi tháng 11/2022, gia đình Glazer đã tuyên bố muốn bán MU. Ngay lập tức Sir Jim Ratcliffe - nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn hóa chất Ineos (có trụ sở tại London, Anh) và Chủ tịch Ngân hàng lớn nhất Qatar (QIB) - Sheikh Jassim Bin Hamad Al Thani đã nhảy vào cuộc đua giành quyền sở hữu đội chủ sân Old Trafford.
Tuy rao bán Man United hơn nửa năm, nhưng nhà Glazer vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng. Thế nhưng mới đây, trang Al Raya xác nhận ông Sheikh Jassim đã giành chiến thắng trong cuộc đua này.
Được biết, Sheikh Jassim muốn mua 100% cổ phần từ nhà Glazer theo giá cổ phiếu niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán New York ở thời điểm đôi bên ký hợp đồng mua bán.
Điều quan trọng là, ngoài việc trao số tiền đó cho nhà Glazer, vị tỷ phú này còn sẵn sàng trả số nợ 900 triệu bảng của MU, đầu tư 2 tỷ bảng để xây mới sân Old Trafford, cải tạo lại trung tâm huấn luyện Carrington.
Sheikh Jassim giàu cỡ nào?
Sheikh Jassim sinh năm 1982, thành viên của Hoàng gia Qatar. Ông là một trong 15 người con của cựu Thủ tướng Qatar Sheikh Hamad bin Jassim bin Jaber Al Thani (còn được gọi là HBJ).
Ông trở thành Chủ tịch của Ngân hàng Hồi giáo Qatar (QIB) khi mới ngoài 20 tuổi, ngay sau khi tốt nghiệp Học viện Quân sự Hoàng gia Vương quốc Anh tại Sandhurst.
Ông cũng từng là Giám đốc của Credit Suisse Group, ngoài ra còn nắm giữ vị trí Chủ tịch của Ngân hàng đầu tư QInvest, Chủ tịch của công ty bảo hiểm Beema và Chủ tịch của công ty vận chuyển Milaha.
Hoàng gia Qatar đã chi hơn 200 tỷ USD (gần 5 triệu tỷ đồng) cho World Cup 2022. |
Câu hỏi đặt ra là Sheikh Jassim chỉ là Chủ tịch của một ngân hàng cỡ trung bình theo tiêu chuẩn toàn cầu, nhưng kế hoạch thâu tóm và tái thiết MU lại quá tốn kém, cần tới nguồn lực tài chính không giới hạn. Vậy tiền từ đâu?
Truyền thông Anh thừa nhận rất khó để xác định số tài sản cụ thể ông Sheikh Jassim đang sở hữu. Theo con số từ Sunday Times, Sheikh Jassim có tài sản khoảng 2 tỷ bảng còn ông bố HBJ có không dưới 20 tỷ. Tuy nhiên tài sản thực có thể lớn hơn thế nhiều.
Và quan trọng, tiền để mua MU không chắc đến từ hầu bao cá nhân. Đằng sau đó là gia đình Hoàng gia Qatar - những người sở hữu khối tài sản ước tính rơi vào khoảng 335 tỷ USD. Đặc biệt là khi những người này nổi tiếng về việc sử dụng thể thao để quảng bá hình ảnh đất nước, gia tăng quyền lực mềm trên thế giới.
Fan cứng của Quỷ đỏ
Ông Sheikh Jassim là một fan hâm mộ của Manchester United từ thời thơ ấu. Việc đấu thầu mua lại câu lạc bộ được thực hiện thông qua quỹ Nine Two (92) Foundation, được ông lập ra để tôn vinh các cầu thủ thế hệ 1992 nổi tiếng như David Beckham, Paul Scholes, Ryan Giggs và Gary Neville, những người giúp Quỷ đỏ giành cú ăn ba năm 1999.
Ông cũng là một nhà đầu tư nổi tiếng trong giới doanh nhân ở London trong nhiều năm. Những người xung quanh mô tả vị tỷ phú này là một quý ông điềm tĩnh và thông minh.
"Các câu hỏi của Jassim đều rất hay và sắc sảo. Ông ấy có thể tiếp thu những thứ mới một cách nhanh chóng", theo The Athletic.
Một lý do khiến ông được người hâm mộ yêu thích hơn đối thủ Ratcliffe, đó là việc ông đề nghị mua lại 100% cổ phần của Manchester, đồng nghĩa với việc gia đình Glazer (vốn không được lòng người hâm mộ) sẽ phải trao lại toàn bộ quyền kiểm soát câu lạc bộ mà không đảm bảo bất kỳ vai trò nào nữa.