Thế giới

Đàm phán vẫn mịt mù, Thái Lan lo mất nguồn lợi FDI vào tay Việt Nam

Đăng Đức 18/07/2025 - 18:22

Việc Việt Nam và Indonesia đã “chốt” thành công những mức thuế quan mới được xem là có lợi sau những cuộc đàm phán thương mại với Mỹ khiến Thái Lan không khỏi sốt ruột.

Muốn noi gương Việt Nam và Indonesia, Thái Lan sốt sắng đàm phán lại với Mỹ

Việt Nam và Indonesia đã nhận được những tín hiệu tích cực từ đàm phán thương mại với Mỹ, làm dấy lên lo ngại rằng Thái Lan – nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Nam Á có thể bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giữa các thành viên trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

Đàm phán vẫn mịt mù, Thái Lan lo mất nguồn lợi FDI vào tay Việt Nam - ảnh 1
Thái Lan lo ngại chịu thiệt thòi về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) sau khi Việt Nam và Indonesia đạt được thành quả sau khi đàm phán thuế quan với Mỹ - Ảnh: The Nation Thailand

Hôm 15/7 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã công bố một thỏa thuận thương mại với Indonesia, theo đó hàng hóa Indonesia sẽ chịu mức thuế nhập khẩu 19% (giảm tới 13% so với mức thuế đối ứng 32% trước đó), trong khi hàng xuất khẩu từ Mỹ sang “xứ sở vạn đảo” sẽ không chịu thuế.

Đổi lại, Indonesia đồng ý mua 15 tỷ USD sản phẩm năng lượng, 4,5 tỷ USD hàng nông sản và 50 máy bay Boeing, bao gồm nhiều chiếc Boeing 777 từ Mỹ. Là quốc gia đông dân thứ tư thế giới (hơn 285 triệu người) và là thành viên G20, Indonesia đã có thặng dư thương mại với Mỹ ở mức 17,9 tỷ USD vào năm ngoái.

>> Chuyên gia: Thỏa thuận Mỹ - Indonesia 'không phải là lý tưởng' nhưng là tốt nhất có thể

Ông Trump cũng đã xác nhận rằng Indonesia – nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á sẽ mua 15 tỷ USD sản phẩm năng lượng, 4,5 tỷ USD nông sản và 50 máy bay Boeing từ Mỹ.

Trước đó, ông Trump cho biết Mỹ sẽ áp thuế 20% đối với hàng xuất khẩu từ Việt Nam (giảm 26% so với mức thuế quan 46% công bố trước đó) và 40% đối với hàng hóa trung chuyển (transshipping).

Về phần mình, Thái Lan hiện đang trong quá trình đàm phán với Đại diện Thương mại Hoa Kỳ (USTR) với mục tiêu đạt được một thỏa thuận tương tự Việt Nam và Indonesia.

Bộ trưởng Bộ Thương mại “xứ sở Chùa Vàng” Jatuporn Buruspat xác nhận các cuộc đàm phán chính thức đã bắt đầu vào ngày 16/7 qua hình thức trực tuyến khi Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Pichai Chunhavajira nhận trọng trách đưa ra các đề xuất mới với phía Mỹ.

Thái Lan đã đề xuất giảm thuế về 0% đối với 10.000 dòng sản phẩm, đồng thời đưa ra thêm các đề xuất nhằm hưởng thêm lợi ích thương mại từ Mỹ.

Tuy nhiên, Chính phủ Thái Lan cũng đã chuẩn bị các biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng bởi các mức thuế quan của chính quyền ông Trump. Các biện pháp này được chia thành hai cấp độ: một cho mức thuế 36% và một cho mức 20%, với mục tiêu đánh giá tác động lên các ngành nghề khác nhau, bao gồm cả lao động.

Các thỏa thuận thương mại mà Việt Nam (mức thuế 20%) và Indonesia (mức thuế 19%) đạt được với Mỹ đã tạo thêm áp lực cho Thái Lan phải nhanh chóng kết thúc đàm phán với mức thuế khoảng 18%. Theo tờ The Nation Thailand, với sự cạnh tranh gay gắt từ các nước ASEAN như Philippines, Malaysia, Indonesia và Việt Nam, Thái Lan buộc phải thương lượng để tránh bị bất lợi.

>> Lo nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á hủy bỏ ‘siêu hợp đồng’ 34 tỷ USD, ông Trump vội giảm thuế 13%?

Ông Thanakorn Kasetsuwan, Chủ tịch Hội đồng các nhà xuất khẩu quốc gia Thái Lan (TNSC) cho rằng các thỏa thuận mà Việt Nam và Indonesia đạt được mang lại lợi thế đáng kể. Việt Nam có thặng dư thương mại với Mỹ gấp 3 lần Thái Lan. Ông tin rằng đề xuất của Thái Lan về việc giảm thuế về 0% đối với 90% hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ có nhiều khả năng thành công, nhất là khi “xứ sở Chùa Vàng” có lợi thế về xuất xứ hàng hóa.

Là một phần của phản ứng, Chính phủ Thái Lan cũng đã chuẩn bị một gói vay ưu đãi trị giá 200 tỷ baht (gần 161.230 tỷ đồng) để hỗ trợ doanh nghiệp nước này. Dù các doanh nghiệp không yêu cầu hỗ trợ tài chính trực tiếp, họ vẫn đề xuất các biện pháp như đóng băng mức lương tối thiểu 400 baht/ngày và kiểm soát lãi suất. Gói cứu trợ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp bởi việc mở cửa thị trường Thái Lan cho hàng hóa Mỹ với mức thuế 0%.

Thái Lan lo ngại bị Mỹ ép giảm thuế về 0%

Ông Nava Chantanasurakon, Phó Chủ tịch Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan (FTI) bày tỏ lo ngại rằng thành công trong đàm phán của Việt Nam và Indonesia trong việc chấp nhận mức thuế 0% đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ, có thể tạo áp lực buộc Thái Lan phải nhượng bộ tương tự.

>> Nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Nam Á lung lay: Người dân chật vật vì lương đứng im 2 năm qua nhưng giá cả tăng vùn vụt

So sánh cán cân thương mại với Mỹ, Thái Lan ghi nhận thặng dư 45 tỷ USD trong năm 2024 – gấp 2,5 lần Indonesia. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thắc mắc về lý do khiến Indonesia đồng ý xóa bỏ hoàn toàn thuế quan với hàng hóa từ “xứ sở cờ hoa”.

“Nếu Thái Lan bị ép buộc áp dụng công thức thuế giống Indonesia thì đây sẽ là vấn đề còn khó hơn cả quy định về Tỷ lệ nội địa hóa. Thái Lan có thặng dư thương mại với Mỹ cao hơn Indonesia, vậy mà họ lại đồng ý với các điều kiện đó”, ông Nava nhận định.

Ông Nava cho biết FTI sẵn sàng chấp nhận mức thuế 0% cho một số mặt hàng như dược phẩm – lĩnh vực mà Mỹ có năng lực sản xuất tốt. Tuy nhiên, các ngành như hóa chất, vốn cần vốn đầu tư lớn và đang chuyển đổi công nghệ, không nên bị chính quyền của Tổng thống Trump áp mức thuế 0%.

Ngân hàng Trung ương Thái Lan khuyến nghị chuẩn bị biện pháp hỗ trợ

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Thái Lan (BOT) – ông Sethaput Suthiwartnarueput cho biết tác động thực sự của thuế quan do Tổng thống Mỹ Donald Trump đề xuất sẽ chưa thể xác định được cho đến khi các chi tiết chính thức được công bố. Trong khi một số nước ban đầu bị đánh thuế cao đã thương lượng được mức thuế thấp hơn, Thái Lan nên đàm phán với Mỹ để vừa cắt giảm thuế, vừa có các biện pháp hỗ trợ người bị ảnh hưởng.

Đàm phán vẫn mịt mù, Thái Lan lo mất nguồn lợi FDI vào tay Việt Nam - ảnh 2
Thái Lan đang làm mọi cách để thuyết phục Tổng thống Mỹ Donald Trump giảm thuế nhập khẩu 36% với nước này trước ngày 1/8, khi mức thuế quan này có hiệu lực nếu đôi bên không đàm phán thành công - Ảnh: The Nation Thailand

Ông Sethaput nói thêm rằng BOT đã liên tục thảo luận với các bên liên quan để đảm bảo Chính phủ Thái Lan và khu vực tư nhân cùng phối hợp hành động. Về lãi suất và tỷ giá, BOT đã xem xét kỹ trong các cuộc họp trước với Ủy ban Chính sách Tiền tệ (MPC).

Ông Sethaput nhận định tác động của thuế sẽ ảnh hưởng đến 3 nhóm chính: các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ (phụ thuộc vào kết quả đàm phán thuế), hàng hóa từ nước khác bị Mỹ chặn và đổ vào thị trường Thái Lan và các ngành như dệt may, nội thất, máy tính, điện tử – thường gắn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ dễ bị tổn thương hơn so với các tập đoàn xuất khẩu lớn.

Thái Lan có nguy cơ bị mất lợi thế trước Việt Nam và Indonesia

Ông Amonthep Chawla – Phó Chủ tịch điều hành kiêm Trưởng Bộ phận nghiên cứu của ngân hàng CIMB Thai cho biết nếu Thái Lan không thể đạt được các điều khoản thuế tương đương hoặc gần bằng với Việt Nam và Indonesia, nước này có thể sẽ đối mặt với mức thuế nhập khẩu cao hơn. Điều này sẽ không có lợi cho ngành xuất khẩu trong tương lai cũng như khả năng thu hút FDI của Thái Lan.

“Cuối cùng, các nhà đầu tư không chỉ nhắm đến thị trường nội địa của chúng tôi mà còn muốn sử dụng Thái Lan làm cơ sở sản xuất để xuất khẩu ra toàn cầu, đặc biệt là trong các lĩnh vực như điện tử, ô tô, phụ tùng, hay thậm chí là xe điện (EV) từ Trung Quốc, nước hiện đang cân nhắc đầu tư vào Thái Lan. Các nhà đầu tư này có thể chuyển hướng sang các quốc gia có chi phí thuế thấp hơn Thái Lan”, ông nói.

Tuy nhiên, ông Amonthep cho rằng Thái Lan không nhất thiết phải đi theo đúng con đường của Việt Nam hay Indonesia, bởi bối cảnh mỗi nước là khác nhau. Đặc biệt, ngành nông nghiệp Thái Lan dễ bị tổn thương hơn và cấu trúc kinh tế cũng phức tạp hơn. Do đó, việc giảm thuế cần xem xét kỹ ảnh hưởng đến các ngành, đặc biệt là nông nghiệp và cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ - những đối tượng vẫn cần sự bảo vệ.

Mức thuế 25–30% vẫn giúp Thái Lan cạnh tranh

Ông Amonthep nói thêm, Thái Lan không cần Mỹ giảm thuế sâu như Việt Nam hay Indonesia, nhưng nên nhắm tới mức dưới 36%. Mức thuế 25–30% vẫn là khả thi và đủ sức cạnh tranh.

Thái Lan cần phát huy thêm các lợi thế, bởi thực tế đã cho thấy dù có mức lương và chi phí điện cao, các doanh nghiệp vẫn chọn đầu tư vào Thái Lan. Nhiều ngành vẫn xem “xứ sở Chùa Vàng” là điểm đến lý tưởng, đặc biệt là các lĩnh vực như điện tử tiên tiến, thiết bị y tế, EV nội địa, thực phẩm chế biến và các dịch vụ hiện đại.

“Những nhóm bị ảnh hưởng cần được hỗ trợ để thích nghi, đồng thời Chính phủ phải tạo ra các ngành công nghiệp mới”, ông Amonthep nói. “Tôi tin rằng chưa quá muộn với Thái Lan. Nếu chúng ta điều chỉnh và xác định rõ vị thế, có thể chúng ta sẽ tăng trưởng chậm hơn các nước giảm thuế nhanh, nhưng vẫn có cơ hội nếu biết mình đang cạnh tranh với ai, điểm mạnh ở đâu và cần khắc phục điểm yếu nào. Thái Lan luôn có nhiều lựa chọn”.

Theo The Nation Thailand

>> Thịt lợn Mỹ tràn ngập nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Nam Á: Hơn 100.000 người lo thất nghiệp ‘sau một đêm’, Chính phủ bị chỉ trích dữ dội

Bà Paetongtarn lên tiếng sau bê bối hàng loạt cao tăng Thái Lan bị lừa tình

Thủ tướng Thái Lan bị Ủy ban chống tham nhũng điều tra

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/dam-phan-van-mit-mu-thai-lan-lo-mat-nguon-loi-fdi-vao-tay-viet-nam-147068.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đàm phán vẫn mịt mù, Thái Lan lo mất nguồn lợi FDI vào tay Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH