Đánh bại Apple: Công ty Trung Quốc mới vào ngành xe điện được 2 năm nhưng đã sắp có lãi, chuẩn bị mở 10.000 cửa hàng trên toàn cầu
(Thị trường tài chính) - Sau khi chinh phục ngành ô tô, Xiaomi đặt mục tiêu thống trị toàn cầu.
Kể từ khi đồng sáng lập Xiaomi vào năm 2010, ông Lôi Quân (Lei Jun) – Giám đốc điều hành của tập đoàn công nghệ Trung Quốc – đã liên tiếp tạo dấu ấn với khả năng bán hàng xuất sắc. Cách đây một thập kỷ, ông từng lập kỷ lục Guinness Thế giới khi bán ra 2,1 triệu chiếc điện thoại thông minh chỉ trong 24 giờ thông qua hình thức trực tuyến. Ngày nay, ông không chỉ bán điện thoại giá rẻ: tháng trước, Xiaomi đã bán hơn 200.000 chiếc xe SUV điện đầu tiên – mẫu YU7 – chỉ trong vòng ba phút sau khi ra mắt thị trường.
Xiaomi đã tăng trưởng nhanh chóng trong vài năm qua. Trên thị trường toàn cầu, chỉ có Apple và Samsung bán được nhiều điện thoại hơn. Bên cạnh đó, công ty cũng cung cấp hàng loạt thiết bị kết nối với điện thoại như điều hòa không khí, robot hút bụi, xe scooter và tivi. Sau cú sụt giảm trong năm 2022 – mà Xiaomi cho là do "cạnh tranh khốc liệt" trong ngành hàng điện tử tiêu dùng tại Trung Quốc – hãng đã phục hồi mạnh mẽ với doanh thu tăng 35% trong năm ngoái. Từ đầu năm 2024 đến nay, giá trị vốn hóa thị trường của công ty đã tăng gần gấp bốn lần, lên 1.500 tỷ đô la Hồng Kông (tương đương 190 tỷ USD).

Với việc tung ra mẫu xe YU7 – mẫu ô tô điện thứ hai sau mẫu sedan thể thao SU7 ra mắt vào tháng 3 năm ngoái – Xiaomi đã đạt được điều mà Apple không thể: bước chân thành công vào ngành sản xuất ô tô. Trong khi Apple đã chi hàng tỷ USD trong suốt một thập kỷ cho kế hoạch sản xuất xe điện rồi cuối cùng phải từ bỏ, thì Xiaomi – công bố kế hoạch sản xuất ô tô vào năm 2021 – đã đưa hơn 300.000 chiếc xe điện lăn bánh trên đường phố Trung Quốc chỉ trong 15 tháng. Số đơn đặt hàng còn tồn đọng hiện sẽ mất hơn một năm để giao hết. Dù bộ phận sản xuất xe điện hiện vẫn đang thua lỗ, ông Lôi khẳng định sẽ đạt lãi ngay trong năm nay – một thành tựu đáng kể trong thị trường ô tô cạnh tranh khốc liệt của Trung Quốc.
Tận dụng hệ sinh thái
Giờ đây, Xiaomi đặt mục tiêu mở rộng toàn cầu. Trong những năm tới, công ty dự kiến mở 10.000 cửa hàng ở nước ngoài – so với chỉ vài trăm cửa hàng vào năm ngoái – để giới thiệu các mẫu xe mới bên cạnh các thiết bị điện tử tiêu dùng của hãng. Câu hỏi đặt ra là: Liệu điều gì có thể cản bước đà thăng tiến ấn tượng này?
Thành công của Xiaomi trong ngành xe điện một phần đến từ việc tận dụng đúng thời điểm. Hiện nay, ngành sản xuất ô tô tại Trung Quốc đã có đủ kinh nghiệm kỹ thuật; ông Lôi có thể tuyển dụng những nhân sự hàng đầu từ nhiều hãng xe khác. Giá linh kiện và máy móc cũng giảm mạnh do dư cung. Việc phê duyệt và xây dựng nhà máy tại Trung Quốc diễn ra nhanh chóng hơn nhiều so với các quốc gia khác.
Tuy vậy, ông Lôi cũng xứng đáng nhận được nhiều công lao. Theo các nguồn tin nội bộ, không giống như Tim Cook của Apple, ông Lôi trực tiếp chỉ đạo dự án sản xuất xe điện của công ty. Thành công đòi hỏi phải thay đổi sâu rộng trong cách thức vận hành của Xiaomi. Trước đây, hãng không sở hữu nhà máy mà gia công sản xuất như Apple. Nhưng khi bắt tay vào sản xuất ô tô, Xiaomi đã quyết định xây dựng nhà máy riêng tại Bắc Kinh để kiểm soát chất lượng chặt chẽ – hiện nhà máy này đang được mở rộng. Công ty cũng đang áp dụng mô hình sản xuất nội bộ sang các mảng khác: năm ngoái họ bắt đầu tự sản xuất điện thoại tại một cơ sở ở Bắc Kinh, và đang xây dựng nhà máy ở Vũ Hán để sản xuất các thiết bị kết nối khác, bắt đầu với điều hòa không khí.
Lôi Quân: Biểu tượng và lợi thế nội địa
Chiến lược tiếp thị – vốn dựa nhiều vào tầm ảnh hưởng cá nhân của ông Lôi trong giới công nghệ Trung Quốc – cũng giúp Xiaomi mở rộng sang mảng xe điện, tương tự như cách người dùng từng sùng bái Steve Jobs khi Apple ra mắt iPhone. Trường Đại học Vũ Hán, nơi ông Lôi từng theo học, được cho là đã ghi nhận số lượng thí sinh đăng ký tăng mạnh nhờ danh tiếng của ông. Những “Mi Fans” – cộng đồng người dùng trung thành của Xiaomi – thường sưu tầm đồ lưu niệm của hãng và luôn mong chờ các sản phẩm mới. Xiaomi thậm chí vẫn duy trì được sức hút này bất chấp vụ tai nạn nghiêm trọng hồi tháng 3, khi ba sinh viên đại học thiệt mạng trong một chiếc SU7 đang vận hành bằng hệ thống lái tự động của công ty. Sự cố khiến Xiaomi bị chỉ trích về tiêu chuẩn an toàn và cổ phiếu sụt giảm tạm thời, nhưng điều đó không ngăn cản được sức mua mạnh mẽ khi mẫu YU7 được tung ra ba tháng sau đó.

Lợi thế của Xiaomi còn đến từ cơ sở khách hàng rộng lớn – một tệp người dùng lý tưởng để bán chéo các sản phẩm mới. Cuối năm ngoái, công ty ghi nhận 700 triệu người dùng hàng tháng trên toàn cầu, tăng khoảng 10% so với năm trước. Nhiều người trong số họ chơi game được mua qua kho ứng dụng của Xiaomi hoặc xem quảng cáo do công ty phân phối – hai mảng này đóng góp khoảng một nửa tổng lợi nhuận theo ước tính của công ty chứng khoán Bernstein. Một phần không nhỏ người dùng cũng mua sản phẩm trực tiếp trên ứng dụng Xiaomi. Hãng đã cho thấy khả năng thuyết phục người tiêu dùng nâng cấp lên các dòng điện thoại cao cấp hơn. Và giờ đây, chỉ cần một phần rất nhỏ trong số đó mua ô tô là đủ để dự án xe điện trở thành một thành công lớn. Phần lớn khách hàng đầu tiên của Xiaomi tại Trung Quốc từng ở độ tuổi đầu 20 cách đây hơn một thập kỷ, và giờ đã bước vào tuổi 30 – đúng nhóm đối tượng mục tiêu của mảng xe điện.
Đầu tư công nghệ và thách thức đa mặt trận
Ông Lôi cũng đang hướng tầm nhìn ra ngoài Trung Quốc. Gần một nửa doanh thu từ điện thoại và thiết bị kết nối hiện đến từ các thị trường nước ngoài, chủ yếu là các nước đang phát triển như Ấn Độ và Indonesia. Xiaomi có kế hoạch bắt đầu bán xe điện ra quốc tế từ năm 2027. Tuy nhiên, khó có khả năng những chiếc xe của hãng sẽ được đón nhận nồng nhiệt như ở quê nhà, bởi Xiaomi chưa tạo dựng được mức độ trung thành thương hiệu tương đương ở thị trường nước ngoài – nơi phần lớn khách hàng còn chưa từng nghe tới ông Lôi. Điều này giải thích vì sao Xiaomi đang đầu tư mạnh vào hệ thống cửa hàng vật lý trên toàn cầu, nhằm nâng cao nhận diện thương hiệu.
Đồng thời, Xiaomi tiếp tục mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh mới. Công ty đã phát triển robot hình người của riêng mình – mang tên CyberOne – và hồi tháng 5 công bố mẫu chip 3 nanomet tiên tiến do hãng tự thiết kế. Khoảng một nửa số nhân viên công ty làm việc trong mảng nghiên cứu và phát triển (R&D); chi phí R&D năm ngoái tăng 26%, lên 3,4 tỷ USD – cao hơn cả lợi nhuận ròng của công ty. Lý do là Xiaomi muốn tự phát triển công nghệ từ gốc để kiểm soát chi phí và tạo rào cản cạnh tranh.
Tuy nhiên, rủi ro lớn nhất đối với Xiaomi là công ty có thể đang dàn trải nguồn lực trên quá nhiều mặt trận. Cuộc chiến giá giữa các hãng xe điện Trung Quốc vẫn tiếp diễn ác liệt. Dù tăng trưởng nhanh, Xiaomi hiện vẫn là một tay chơi nhỏ – bán khoảng 20.000 xe mỗi tháng, trong khi hãng dẫn đầu BYD bán hơn gấp mười lần. Cạnh tranh trong mảng điện thoại cũng đang nóng lên khi Huawei – hãng từng bị tổn hại nghiêm trọng bởi các lệnh trừng phạt của Mỹ năm 2019 – đang quay trở lại. Dù vậy, khả năng bán hàng của ông Lôi vẫn là một yếu tố không thể coi nhẹ.
Theo The Economist
>> Quốc gia sở hữu lượng khí đốt lớn top 10 thế giới nhưng xe điện tràn ngập mọi nơi