Thị trường trái phiếu thời gian gần đây đã phát sinh những rủi ro tiềm ẩn như hiện tượng thao túng giá trên thị trường cổ phiếu; rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp; nhiều nhà đầu tư đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân chưa thực sự hiểu biết rõ về pháp luật đầu tư, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Tại hội thảo chuyên đề Phát triển thị trường vốn và thị trường bất động sản thuộc khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 tổ chức sáng 5/6/2022 tại TP. HCM, ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã nêu 5 giải pháp chính đảm bảo thị trường vốn hoạt động an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.
Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nêu, bên cạnh những kết quả tích cực, tình hình tăng trưởng nhanh của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu thời gian gần đây đã phát sinh những rủi ro tiềm ẩn như hiện tượng thao túng giá trên thị trường cổ phiếu; rủi ro trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp; nhiều nhà đầu tư đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân chưa thực sự hiểu biết rõ về pháp luật đầu tư, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; chất lượng hoạt động của các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường còn chưa đồng đều, một số tổ chức kiểm toán, tổ chức thẩm định giá năng lực còn hạn chế,...
Những hạn chế nói trên đã ảnh hưởng đến hiệu quả và chất lượng của các đợt phát hành chứng khoán đã huy động vốn, gia tăng rủi ro cho nhà đầu tư. Điều này, đặt ra yêu cầu đối với cơ quan quản lý là Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa các biện pháp quản lý, giám sát, thông tin tuyên truyền và thực hiện một số điều chỉnh, sửa đổi về mặt chính sách, quy định pháp lý cho phù hợp.
Ông Phạm Hồng Sơn cho biết, thời gian tới, Ủy ban Chứng khoán sẽ tiếp tục duy trì công tác điều hành thị trường theo hướng đảm bảo thị trường hoạt động an toàn, minh bạch, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, tập trung vào một số giải pháp chính.
Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho thị trường theo hướng tăng cường minh bạch, phát triển ổn định và bền vững
Trước mắt, Ủy ban Chứng khoán sẽ chủ động, tích cực trong việc đưa các quy định, chính sách mới của Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn vào thực tiễn; tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, hệ thống chính sách cho phát triển thị trường chứng khoán trong đó tập trung hoàn thành Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030.
Cụ thể, đối với thị trường cổ phiếu, tập trung nâng cao chất lượng hàng hóa, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước gắn với niêm yết trên thị trường chứng khoán; tăng cường tính tuân thủ của các doanh nghiệp trên thị trường.
Đối với thị trường trái phiếu Chính phủ, phát triển trở thành thị trường chuẩn trên thị trường tài chính, đáp ứng nhu cầu huy động vốn cho ngân sách Nhà nước và hỗ trợ công tác cơ cấu lại ngân sách và nợ công theo hướng an toàn, bền vững; đảm bảo huy động nguồn lực triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.
Đối với thị trường trái phiếu doanh nghiệp, phát triển theo hướng bền vững, trở thành kênh huy động vốn quan trọng cho các doanh nghiệp, trong đó tập trung phát triển thị trường thứ cấp minh bạch, xây dựng chuẩn mực thị trường, tách bạch rõ giữa trái phiếu phát hành ra công chúng và phát hành riêng lẻ.
"Trước mắt, Ủy ban Chứng khoán đang tích cực chỉ đạo và phối hợp với các Sở Giao dịch Chứng khoán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán trong việc xây dựng và triển khai, đưa vào hoạt động sàn giao dịch cho các trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ; đẩy mạnh công tác giám sát việc sử dụng tiền từ huy động trái phiếu và thực hiện công bố thông tin và giao dịch trái phiếu trên hệ thống công bố thông tin của HNX Nội", Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán cho biết.
Ông Sơn cho biết, Ủy ban Chứng khoán cũng sẽ nghiên cứu báo cáo Bộ Tài chính để kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội rà soát tổng thể các quy định tại Luật Chứng khoán bao gồm phạm vi phát hành ra công chúng, phát hành riêng lẻ khái niệm nhà đầu tư chứng K1041 chuyên nghiệp tại Luật Chứng khoán và các quy định về xử lý vi phạm trên thị trường chứng khoán.
Đẩy mạnh công tác tái cấu trúc thị trường chứng khoán, nâng cao sức cạnh tranh và chất lượng của các định chế trung gian thị trường
Ủy ban Chứng khoán tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo đề án đã được Thủ tướng phê duyệt; rà soát, phân loại, kiểm tra tại chỗ, xây dựng phương án đối với từng công ty để có biện pháp xử lý phù hợp, nghiên cứu triển khai số hóa các tài sản tài chính trên thị trường chứng khoán, áp dụng các công nghệ tài chính mới, chuẩn hóa hoạt động mở tài khoản trực tuyến (e-contract), xác thực khách hàng trực tuyến (e-KYC); nâng cao chất lượng và đạo đức nghề nghiệp đối với đội ngũ nhân viên hành nghề chứng khoán...
Đối với các tổ chức kiểm toán, tổ chức thẩm định giá, tổ chức xếp hạng tín dụng… Ủy ban Chứng khoán sẽ phối hợp với đơn vị của Bộ Tài chính để nâng cao đạo đức lẫn chất lượng dịch vụ của các tổ chức này; khuyến khích các tổ chức cung cấp dịch vụ trên thị trường chứng khoán triển khai ứng dụng fintech, phù hợp với nhu cầu của nhà đầu tư và sự phát triển của thị trường.
Tăng cường sự tham gia của các định chế đầu tư chuyên nghiệp và nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, ưu tiên phát triển nhà đầu tư dài hạn như các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí tự nguyện, doanh nghiệp bảo hiểm...; tăng cường đào tạo, nâng cao nhận thức, hiểu biết và kỹ năng tài chính của nhà đầu tư khi tham gia thị trường đồng thời cung cấp thông tin chính thống, chính xác về chủ trương, định hướng điều hành và tình hình kinh tế vĩ mô, thị trường chứng khoán an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ để ổn định tâm lý nhà đầu tư, tăng cường minh bạch cho thị trường chứng khoán.
Thứ tư, tăng cường công tác giám sát, xử lý vi phạm, nâng cao kỷ luật, kỷ cương của thị trường. Ủy ban Chứng khoán sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Tài chính, Bộ Công an tăng cường công tác thanh tra, giám sát để vừa đảm bảo cho sự phát triển của thị trường, vừa phát hiện, xử lý các hành vi thao túng trên thị trường chứng khoán, theo đó, những hành vi thao túng phải được xử phạt nghiêm minh, những doanh nghiệp thực hiện đúng quy định thì phải được hỗ trợ để phát triển bền vững. Ủy ban Chứng khoán cũng sẽ tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho công tác thanh tra, giám sát, cả về số lượng và chất lượng, dần đưa vào ứng dụng công nghệ mới Big Data; Machine Learning, Blockchain trong hỗ trợ nghiệp vụ quản lý và giám sát.
Thứ năm, về công tác thông tin, tuyên truyền, Ủy ban Chứng khoán sẽ phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, các Bộ, ngành liên quan và các đơn vị truyền thông, cơ quan báo chí tăng cường thông tin đầy đủ, chính xác và kịp thời tới công chúng đầu tư để ổn định tâm lý thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư an tâm tham gia huy động vốn và đầu tư trên thị trường vốn. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức quốc tế triển khai các giải pháp để sớm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam theo lộ trình đã đặt ra.
Lãnh đạo Ủy ban Chứng khoán cho biết, trên cơ sở các mục tiêu, giải pháp đề ra trong Chiến lược Tài chính đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phấn đấu đưa quy mô thị trường cổ phiếu đạt 100% GDP vào năm 2025 và 120% GDP vào năm 2030; quy mô thị trường trái phiếu đạt 47% GDP vào năm 2025 và 58% GDP vào năm 2030.
Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Thụy Sỹ: Mở ra nhiều triển vọng hợp tác thương mại, đầu tư
Thị trường bảo hiểm gặp phải những thách thức nào trong giai đoạn 2022 - 2023?