Khảo sát nhanh của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TP. HCM và một số tỉnh thành phía Nam về triển vọng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp năm 2023, có 9% doanh nghiệp được khảo sát cho biết tăng đơn hàng; 68% giảm đơn hàng và 23% chưa biết được tình hình sản xuất trong thời gian tới.
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 năm 2022 do Ban Kinh tế Trung Ương phối hợp với Chính phủ tổ chức, Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Trận Thị Lan Anh đã trình bày tham luận về giải pháp phát truển doanh nghiệp bền vững, doanh nghiệp vì người lao động cùng những kiến nghị đổi mới cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động vượt qua khó khăn, thách thức trong năm 2023.
Trong bối cảnh hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới ngày càng sâu rộng, cùng với việc tập trung đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp ở Việt Nam luôn xác định việc thực hiện trách nhiệm xã hội cũng chính là đầu tư cho chiến lược kinh doanh dài hạn, là một trong những yếu tố giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu và phát triển bền vững.
Một trong những nội dung quan trọng trong thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là đảm bảo thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội đối với người lao động. Trước hết, đó là việc doanh nghiệp tuân thủ các quy định của pháp luật lao động: Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn lao động lao động quốc tế, các cam kết quốc tế trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và các quy định của pháp luật trong nước về các điều kiện lao động như chế độ tiền lương, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, an toàn vệ sinh lao động..; thực hiện đóng đúng, đóng đủ các loại bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động hay đảm bảo các quyền lợi khác về vật chất cũng như tinh thần cho người lao động.
Trong thực tế, phần lớn các doanh nghiệp không chỉ ý thức được trách nhiệm của mình mà còn xây dựng và đảm bảo thực hiện tốt nhiều chương trình an sinh xã hội cho người lao động. Qua rà soát cho thấy, trong nhiều thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp có những điều khoản với nội dung có lợi hơn cho người lao động so với các quy định bắt buộc của pháp luật lao động.
Cụ thể, về mặt vật chất, các doanh nghiệp đã có chính sách chi trả các khoản tiền trợ cấp cho người lao động khi ốm đau, ứng trước tiền lương khi lao động nữ nghỉ thai sản; hoặc chính sách chi tiền thưởng, quà tặng vào dịp lễ, tết, khen thưởng cho người lao động tích cực theo tuần, theo tháng..; nhiều doanh nghiệp quan tâm nâng cao chất lượng bữa ăn ca của người lao động; tạo điều kiện, tổ chức các chương trình ưu đãi cho người lao động mua hàng trả góp không trả lãi suất...
Về mặt tinh thần, doanh nghiệp cũng chăm lo nâng cao đời sống tinh thần cho người lao động bằng việc tổ chức cho người lao động đi tham quan, nghỉ mát, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí, văn nghệ, thể dục thể thao...
Bên cạnh các chế độ phúc lợi cho người lao động, các doanh nghiệp còn triển khai rất nhiều hình thức phúc lợi dành cho thành viên gia đình người lao động; không ít doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng khu nhà ở tập thể cho công nhân, xây nhà trẻ, mẫu giáo, trường học; hỗ trợ tiền gửi trẻ, tiền học phí cho con người lao động; có doanh nghiệp không chỉ mua bảo hiểm xã hội cho người lao động, mà còn mua thẻ bảo hiểm y tế, chi phí khám và chữa bệnh cho bố, mẹ, vợ, chồng và con của người lao động...
Trong thời kỳ bệnh dịch COVID-19, dù gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp vẫn luôn nỗ lực để đảm bảo giữ được việc làm cho người lao động, hỗ trợ để người lao động giảm bớt khó khăn do dịch bệnh gây ra. Bên cạnh đó, doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp cũng quan tâm đề xuất với các cơ quan, chính quyền các cấp để sớm tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho người lao động.
Bước sang năm 2022, trong bối cảnh dịch COVID-19 đã được kiểm soát, tình hình sản xuất, kinh doanh dần được phục hồi. Một số tín hiệu khả quan là trong 11 tháng năm 2022, theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, cả nước có 137,8 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số lao động đăng ký là 909 nghìn lao động - tăng 30,4% về số doanh nghiệp và tăng 15,9% về số lao động so với cùng kỳ năm trước; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 40,5%.
Tuy nhiên, năm 2022 cũng chứng kiến nhưng biến đổi khó lường của nền kinh tế thế giới do ảnh hưởng của chiến tranh và dịch bênh: Lạm phát tăng cao ở nhiều nền kinh tế lớn đã đẩy giá nguyên vật liệu tăng cao cùng với các chi phí vận tải, logistic, chi phí tiêu dùng cũng ở chiều tăng...
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng không tránh khỏi vòng xoáy này. Đặc biệt, trong những tháng cuối năm nay và dự báo cho nửa đầu năm 2023, doanh nghiệp và người lao động sẽ đứng trước nhiều khó khăn, thách thức liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh và ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập của người lao động.
Theo báo cáo khảo sát nhanh của VCCI thực hiện tại TP. HCM và một số tỉnh, thành phía Nam về triển vọng sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp: 9% doanh nghiệp được khảo sát cho biết tăng đơn hàng; 68% giảm đơn hàng và 23% chưa biết được tình hình sản xuất trong thời gian tới.
Với những số liệu trên, VCCI đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp không được khả quan trong tháng cuối năm 2022 và dự báo sẽ kéo dài đến ít nhất hết quý 1/2023 năm sau. Thêm vào đó, những biến động khó đoán định của thị trường gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc lên kế hoạch sản xuất kinh doanh và sử dụng lao động.
Nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động vượt qua những khó khăn, thách thức của năm 2023, VCCI kiến nghị một số giải pháp đối với Đảng, Quốc hội và Chính phủ gồm:
- Ổn định kinh tế vĩ mô, có các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác các thị trường mới, đơn hàng mới;
- Xem xét, thay đổi chiến lược thu hút FDI theo hướng chọn lọc các dự án sử dụng công nghệ hiện đại, hướng dẫn và giám sát các địa phương trong xúc tiến đầu tư và phê duyệt các dự án FDI.
- Tiếp tục hoàn thiện và triển khai các chính sách hỗ trợ cho người lao động và người sử dụng lao động với các gói hỗ trợ về chính sách tài khóa (miễn, cắt, giảm thuế, phí, lệ phí, gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất...); về chính sách hỗ trợ tín dụng (hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp vay để phát triển sản xuất); về chính sách an sinh xã hội (hỗ trợ doanh nghiệp ổn định quỹ tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, cũng như tăng cường hỗ trợ về an sinh xã hội cho người lao động...) trong đó ưu tiên hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
- Tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại để duy trì việc làm cho người lao động: cần linh hoạt hơn trong cơ chế phối hợp giữa đơn vị sử dụng lao động với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đảm bảo các phương án đào tạo được thực hiện phù hợp với nhu cầu vị trí làm việc của doanh nghiệp; cần kéo dài thời gian thực hiện chính sách và điều chỉnh các điều kiện để có thêm nhiều doanh nghiệp và người lao động có cơ hội tham gia.
- Điều chỉnh các chính sách thị trường lao động phù hợp hơn với thực tiễn, đảm bảo thị trường lao động an ninh, linh hoạt và hiệu quả hơn; có chương trình việc làm công và hoàn thiện dịch vụ việc làm công theo hướng “dịch vụ một cửa”; ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thị trường lao động, tạo điều kiện thuận lợi kết nối và điều tiết lao động ở những nơi cắt giảm lao động và nơi có nhu cầu tuyển dụng hợp lý.
- Triển khai có hiệu quả Bộ luật Lao động 2019, tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động xây dựng quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ (thông qua đối thoại, giải quyết tranh chấp, thương lượng tập thể, xây dựng thỏa ước lao động tập thể ở doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp và ngành).
Trong thời gian tới, phát huy vai trò của tổ chức đại diện cộng đồng doanh nghiệp, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cùng các Hiệp hội Doanh nghiệp cần tiếp tục quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của doanh nghiệp, người sử dụng lao động trong việc tuân thủ quy định pháp luật lao động, trong việc thực hiện tốt hơn nữa trách nhiệm xã hội, chính sách an sinh xã hội đối với người lao động.
Khi xây dựng và thực hiện tốt chế độ phúc lợi, doanh nghiệp sẽ có điều kiện để thu hút và “giữ chân”được người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, tạo động lực cho người lao động nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Có thể coi đây là một trong những giải pháp rất quan trọng trong việc ổn định và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của doanh nghiệp, đồng thời nâng cao thu nhập, ổn định đời sống của người lao động, góp phần vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
VCCI đề xuất cá nhân nợ thuế từ 200 triệu mới bị cấm xuất cảnh
VCCI đề xuất cho người bị tạm hoãn xuất cảnh được nộp thuế ngay tại cửa khẩu