Năm 2022, mặc dù thị trường bảo hiểm Việt Nam đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng các chỉ tiêu quan trọng của thị trường bảo hiểm đều duy trì mức tăng trưởng khả quan.
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam gần đây, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV đã chỉ ra những thách thức chính mà thị trường bảo hiểm sẽ phải đối mặt hết năm 2022 và năm 2023.
Thứ nhất, tỷ lệ bồi thường gia tăng (do các hoạt động KT-XH đã trở lại bình thường sau dịch bệnh), trong khi nhu cầu bảo hiểm mới tăng chậm lại (do kinh tế dự báo khó khăn hơn) và hoạt động đầu tư suy giảm (do TTCK giảm mạnh...).
Thứ hai, theo quy định mới của pháp luật, từ năm 2023, công ty bảo hiểm được quyền tự do đầu tư, kinh doanh, mà chỉ hạn chế một số lĩnh vực rủi ro nhằm bảo đảm an toàn.
Theo đó, các công ty bảo hiểm có quyền tự quyết lớn hơn với các nguồn vốn đầu tư của mình. Tuy nhiên, quy định chi tiết về hạn mức đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm với từng loại tài sản tài chính chưa được thông qua trong khi thời gian còn lại là không nhiều.
Thứ ba, minh bạch thông tin trên thị trường bảo hiểm nhân thọ. Mặc dù là sản phẩm tốt, nhưng bảo hiểm nhân thọ lại thường xảy ra một số trường hợp gây tranh cãi khi xử lý các bồi thường liên quan gây ảnh hưởng đến tâm lý người tham gia bảo hiểm cũng như cản trở sự phát triển của thị trường.
Các vấn đề phát sinh từ việc thực hiện bán chéo qua kênh ngân hàng chưa hợp lý (bắt buộc mua bảo hiểm với các sản phẩm tín dụng mà chưa giải thích rõ với khách hàng) hoặc các đại lý bảo hiểm tư vấn chưa đầy đủ, hợp đồng bảo hiểm đôi khi khó hiểu hoặc dài dòng, điều kiện bảo hiểm không rõ ràng...v.v.
Diễn đàn kinh tế Việt Nam - Thụy Sỹ: Mở ra nhiều triển vọng hợp tác thương mại, đầu tư
Dòng tiền chứng khoán 2022: Từ “hưng phấn quá mức” đến “bi quan quá đà” và cú lao của VN-Index