Ukraine triển khai cuộc tấn công bằng máy bay không người lái lớn nhất từ trước đến nay vào thủ đô Moscow của Nga
Ukraine đã thực hiện một đòn tấn công đầy táo bạo vào Moscow. Cuộc phản công này đặt ra nhiều câu hỏi về diễn biến của cuộc xung đột Nga-Ukraine đang ngày càng leo thang.
Ngày 21/8, Ukraine đã thực hiện một trong những cuộc tấn công bằng máy bay không người lái lớn nhất từ trước đến nay nhằm vào Moscow, trong nỗ lực tiếp tục phản công trên đất Nga.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, họ đã phá hủy 45 máy bay không người lái của Ukraine trong đêm, trong đó có 11 chiếc bay qua Moscow. Thị trưởng Moscow Sergei Sobyanin cho biết đây là "một trong những nỗ lực lớn nhất nhằm tấn công Moscow bằng máy bay không người lái từ trước đến nay". Ông cho hay vụ tấn công không gây ra thiệt hại hoặc thương vong tại địa điểm mảnh vỡ rơi xuống.
Một số máy bay không người lái khác cũng đã bị vô hiệu hóa trên Podolsk, một thành phố gần Moscow. Sau một thời gian ngắn áp dụng các hạn chế, các sân bay ở khu vực Moscow đã hoạt động trở lại bình thường.
Cuộc tấn công diễn ra đúng lúc Tổng thống Nga Vladimir Putin thực hiện chuyến đi đầu tiên sau 13 năm tới Chechnya để thị sát quân đội địa phương và lực lượng tình nguyện chuẩn bị tham gia cuộc chiến chống lại Ukraine.
Lực lượng không quân Ukraine cũng cho biết họ đã phá hủy 50 trong số 69 máy bay không người lái do Nga phóng lên chỉ sau một đêm. Chiến trường Nga-Ukraine đã chuyển sang căng thẳng hơn khi Ukraine chuyển sang phản công bằng một cuộc tấn công bất ngờ xuyên biên giới vào lãnh thổ Nga đầu tháng này.
Trong hơn 2 năm kể từ khi chiến sự giữa Nga - Ukraine nổ ra vào năm 2022, phía Kyiv đã có ít nỗ lực quân sự hơn nhằm vào thủ đô Moscow, thay vào đó tập trung hỏa lực vào các sân bay và cơ sở dầu mỏ của quốc gia xuất khẩu dầu lớn thứ hai thế giới.
Cuộc phản công lần này cũng đặt ra câu hỏi về tác động tiềm tàng đến dòng chảy qua đường ống Urengoy-Pomary-Uzhgorod thời Liên Xô, cung cấp khí đốt từ phía tây Siberia qua trung tâm Sudzha ở khu vực Kursk, trước khi đi vào Ukraine và chảy về phía Slovakia.
Chiến sự căng thẳng cũng đã làm giảm khả năng giải quyết xung đột bằng ngoại giao. Nga trước đây đã đưa ra điều kiện sẵn sàng tham gia bàn đàm phán dựa trên khả năng giữ lại bốn vùng lãnh thổ của Ukraine mà họ đã sáp nhập bất hợp pháp kể từ cuộc xâm lược. Tuy nhiên, Kyiv đã nhiều lần khẳng định sẽ không nhượng bộ lãnh thổ.
Theo cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev, hiện nay Moscow khó có thể rơi vào "bẫy đàm phán" sau cuộc tấn công của Ukraine vào khu vực Kursk. Ông thúc giục: "Không đàm phán thêm nữa cho đến khi kẻ thù bị đánh bại hoàn toàn!"
Theo CNBC
>> Không phải Trung Quốc, lộ diện vị cứu tinh bí ẩn giúp Nga thoát 'bão trừng phạt' của phương Tây