Ukraine tuyên bố phá hủy ‘vành đai cảnh giới’ của Nga bằng tên lửa tầm xa ATACMS
Ukraine tuyên bố đã tấn công radar Nebo-M của Nga bằng tên lửa đạn đạo tầm xa ATACMS.
Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine ngày 3/10 cho biết: "Lực lượng Ukraine đã tấn công thành công trạm radar Nebo-M của Nga bằng tên lửa đạn đạo ATACMS. Việc phá hủy trạm này làm giảm đáng kể khả năng phát hiện, theo dõi và đánh chặn các mục tiêu khí động học và đạn đạo của quân đội Nga".
Theo Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine, Nebo-M là mục tiêu rất khó tấn công vì nó hoạt động ở chế độ tàng hình, phạm vi quét mục tiêu rất rộng. Do đó, việc phá hủy radar Nebo-M sẽ tạo ra một "hành lang trên không" thuận lợi cho việc sử dụng hiệu quả tên lửa hành trình Storm Shadow và SCALP-EG, cũng như các hoạt động chiến đấu chống lại các mục tiêu quan trọng của đối phương.
Theo Bộ Tổng tham mưu Ukraine, Nga còn khoảng 10 radar Nebo-M đang hoạt động. Giá của một hệ thống như vậy trị giá hơn 100 triệu USD.
Hiện, Nga vẫn chưa bình luận về các thông tin trên.
Nebo-M là radar cảnh giới mới nhất của Nga, do Viện Nghiên cứu Kỹ thuật Vô tuyến Nizhny Novgorod (NNIIRT) trực thuộc Almaz-Antey chế tạo. Radar được thiết kế để tự động phát hiện và theo dõi các mục tiêu trên không như tên lửa đạn đạo, máy bay tàng hình hoặc máy bay không người lái cũng như mục tiêu siêu thanh.
Radar Nebo-M tạo ra một vành đai radar cảnh giới hầu như không thể xuyên thủng và có khả năng phát hiện bất kỳ máy bay nào. Hệ thống hoạt động theo nguyên lý quét điện tử chủ động. Trong chế độ quét từng khu vực, Nebo-M có thể theo dõi đến 20 mục tiêu đạn đạo ở khoảng cách tối đa 3.800 km và độ cao 1.200 km.
Hệ thống radar Nebo-M đặt trên khung gầm xe tải BAZ 8x8 trọng lượng 24 tấn, có thể triển khai thực hiện nhiệm vụ trong 40 phút. Trong cả chuỗi tác chiến, sau khi định vị mục tiêu, Nebo-M có thể trao đổi thông tin với các hệ thống tên lửa phòng không
Đài radar Nebo-M có thể vận hành trong mọi điều kiện khí hậu có nhiệt độ từ -50 đến 50°C, độ ẩm không khí tới 98% và tốc độ gió tới cấp 6 (45 m/s), tại độ cao 1.000 m so với mực nước biển.
Cuộc xung đột Nga - Ukraine sắp chấm dứt?
Thành viên NATO lo xung đột Nga – Ukraine biến thành cuộc chiến hạt nhân