Ứng viên Gen Z được cả 4 sếp tranh giành nhờ quan niệm "nhân viên lướt web nhiều thì phải hỏi quản lý"

17-10-2022 07:34|Thanh Xuân

Dù chỉ mới ra trường 1 năm nhưng ứng viên Gen Z được cả 4 sếp tranh giành, trả lương 20 triệu bởi quan niệm "nhân viên lướt web nhiều thì phải hỏi quản lý, sao không tạo động lực cho cấp dưới".

Có nên quản lý mạng xã hội của nhân viên?

Chương trình "Cơ hội cho ai - Whose Chance?" tập 7 là cuộc đối đầu giữa Bùi Ngọc Anh, 24 tuổi, cử nhân ngành Kinh tế Đối ngoại (Trường Đại học Ngoại thương) và Phạm Huyền Trinh, 23 tuổi, cử nhân ngành Kinh tế Quốc tế (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân).

Tại vòng thi Đối mặt, chủ đề phản biện dành cho 2 ứng viên là: “Công ty có nên áp dụng chính sách quản lý hoạt động sử dụng mạng xã hội của nhân viên hay không?”

Ngọc Anh cho rằng đây là bài toán quản lý con người theo hình thức từ trên xuống và phân ra từng cấp.

Trong khi đó, Huyền Trinh lại đưa ra quan điểm khá rõ ràng. Đối với những công việc bắt buộc dùng mạng xã hội như Marketing và những công việc có sự bảo mật thấp thì không nên áp dụng cơ chế quản lý sử dụng mạng xã hội đối với nhân viên và ngược lại.

Bởi việc áp dụng chính sách quản lý sử dụng mạng xã hội đối với nhân viên có 2 mặt tích cực và tiêu cực. Tích cực là doanh nghiệp có thể quản lý được thời gian sử dụng mạng xã hội và nội dung đăng tải trên trang cá nhân của nhân viên. Thông qua đó, doanh nghiệp có thể hạn chế được những rủi ro có khả năng xảy ra và kịp thời xử lý, đồng thời, có thể phân tích, đánh giá và thể hiện sự quan tâm đến cuộc sống của nhân viên.

Nhưng ngược lại, một doanh nghiệp lúc nào cũng quản lý nhân viên làm gì, đăng gì trong giờ làm việc sẽ gây nên sự bất mãn, sự ức chế, lâu dài sẽ làm giảm hiệu suất công việc.

Sếp Lưu Nga - Nhà sáng lập Thương hiệu Thời trang Elise - hỏi xoáy ứng viên: “Nếu nhân viên lạm dụng thời gian tại công ty để sử dụng mạng xã hội, lên đến hơn 50% thời gian thì sau hôm nay về, chị có nên áp dụng chính sách quản lý ngay hay không?”

Trong khi câu trả lời của Ngọc Anh là không thì Huyền Trinh lại đưa ra quan điểm nên bổ sung một số điều khoản như không được đăng tải các nội dung không liên quan đến công việc trong giờ làm việc cũng như khi đăng những thông tin có yếu tố bảo mật thì cần phải có sự phê duyệt của cấp trên.

“Em vẫn ưu tiên việc đánh giá nhân viên thông qua hiệu quả công việc. Còn nếu nhân sự của sếp lướt web hơn 50% giờ làm việc thì hãy đặt câu hỏi cho người quản lý, tại sao không tạo được động lực làm việc cho cấp dưới, dẫn đến họ không biết làm gì, dùng thời gian làm việc chung để làm việc riêng”, Huyền Trinh bày tỏ quan điểm.

Với những câu trả lời ấn tượng, kết thúc vòng Đối mặt, Huyền Trinh giành chiến thắng áp đảo trước đối thủ với điểm số 4/5 và bước tiếp vào vòng Chinh phục.

Được cả 4 sếp tranh giành, trả lương tới 20 triệu

Tại vòng Chinh phục, sếp Vũ Minh Trí – Tổng Giám đốc Tập đoàn ASIM - hỏi ứng viên: “Các công ty thường đổ ngân sách rất nhiều cho Fanpage trên các nền tảng mạng xã hội nhưng lượng tương tác rất thấp, vì người dùng thường không thích xem quảng cáo. Nếu giao cái đấy về tay em, thì em sẽ làm gì, nội dung định hướng thế nào, để Fanpage công ty có hàng trăm ngàn follower?”

Cô gái Gen Z sở hữu kênh TikTok cá nhân với hơn 30 nghìn người theo dõi chia sẻ giải pháp là không quá tập trung vào việc quảng cáo sản phẩm, dịch vụ. Thay vào đó, cô sẽ đào sâu để hiểu insight của người dùng và lên kế hoạch nội dung phù hợp, cũng như thường xuyên “bắt trend” để phù hợp với thị hiếu số đông.

Sếp Quyền đặt thử thách: “Em sẽ làm gì để một kênh TikTok từ những viên gạch đầu tiên đạt 3 triệu follower?”.

Huyền Trinh cho hay cô sẽ tìm hiểu về nền tảng, tìm hiểu về khách hàng mục tiêu, phân tích thị trường và sau đó lên kế hoạch truyền thông cho kênh.

3 triệu follower là một con số lớn. Vì thế, cô nàng sẽ chia lộ trình đi đến kết quả đó bằng các cột mốc, từ 10 nghìn, 50 nghìn cho đến 500 nghìn người theo dõi. Và ở mỗi cột mốc sẽ có những kế hoạch sản xuất nội dung đáp ứng phù hợp. Về nhân sự trong nhóm, cô cho hay sẽ cần một người lo sản xuất nội dung, một người phụ trách quay dựng, một người phụ trách seeding, đẩy bài PR và một trưởng nhóm.

Mức lương kỳ vọng của Huyền Trinh là 15 triệu đồng. Cô nàng Gen Z nhận được 4 lời mời làm việc tại:

- Dh Foods cho vị trí Chuyên viên Marketing với mức lương 16 triệu đồng.

- Elise cho vị trí Phụ trách nhóm mạng xã hội với mức lương 20 triệu đồng.

- ASIM cho vị trí Chuyên viên nội dung mạng xã hội với mức lương 20 triệu đồng.

- FPT cho vị trí Manager of Digital Content với mức lương 20.006.789 đồng.

Kết quả chung cuộc, Huyền Trinh quyết định đầu quân về ASIM với vị trí Chuyên viên nội dung mạng xã hội với mức lương 20 triệu đồng.

TGĐ Tân Hiệp Phát: Người trẻ muốn thành công phải lắng nghe và rèn giũa nhiều hơn

Viettel tìm kiếm nhân tài định hình tương lai: Hơn 3.000 hồ sơ, 179 ứng viên xuất sắc

Ông Trump chọn Bộ trưởng Tư Pháp Mỹ mới sau khi ứng viên gây tranh cãi rút lui

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/ung-vien-gen-z-duoc-ca-4-sep-tranh-gianh-nho-quan-niem-nhan-vien-luot-web-nhieu-thi-phai-hoi-quan-ly-153723.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ứng viên Gen Z được cả 4 sếp tranh giành nhờ quan niệm "nhân viên lướt web nhiều thì phải hỏi quản lý"
    POWERED BY ONECMS & INTECH