Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Văn Thanh: Người dân rất khó mua vàng miếng
Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Văn Thanh nêu tại phiên họp kỳ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra ngày 21/10.
Báo cáo tại phiên họp kỳ 8, Quốc hội khóa XV diễn ra ngày 21/10, Chính phủ cho biết, các biện pháp can thiệp nhằm bình ổn thị trường vàng đã được triển khai mạnh mẽ, giúp ổn định tâm lý của người dân và doanh nghiệp. Chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế đã giảm. Việc phân phối vàng miếng SJC thông qua bốn ngân hàng thương mại Nhà nước và SJC giúp hàng hóa đến tay người dân có nhu cầu nhanh chóng hơn.
Chính phủ cũng tăng cường giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi đầu cơ, buôn lậu và vi phạm trong kinh doanh vàng. Hiện nay, 100% các doanh nghiệp kinh doanh vàng đã áp dụng hóa đơn điện tử, kết nối trực tiếp với cơ quan thuế để đảm bảo tính minh bạch.
Tuy nhiên, trong quá trình thẩm tra, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vẫn nhận định rằng quản lý thị trường vàng còn nhiều bất cập, gây áp lực lên thị trường ngoại tệ và tỷ giá.
"Người dân rất khó mua vàng miếng SJC khi đặt mua trực tuyến. Điều này cho thấy giá vàng miếng hiện không phản ánh đúng cung - cầu thị trường", cơ quan thẩm tra nêu.
Thực tế cho thấy, nhu cầu mua vàng trong nước vẫn ở mức rất cao. Lượng khách đăng ký mua vàng tại các ngân hàng quốc doanh và SJC luôn "kín chỗ" ngay từ đầu giờ. Số lượng vàng đăng ký mua tối đa cũng chỉ giới hạn ở 1-2 lượng.
Các ngân hàng như Vietcombank và VietinBank đã phải liên tục thay đổi cách thức và thời gian giao vàng cho khách hàng. Ban đầu, vàng được giao ngay trong ngày, nhưng hiện tại, người mua phải chờ khoảng hai ngày làm việc sau khi hoàn tất giao dịch.
Các thương hiệu được kinh doanh vàng miếng còn lại như DOJI, PNJ, Bảo Tín Minh Châu ... cũng gần như ngừng bán vàng miếng ra thị trường từ sau khi Ngân hàng Nhà nước can thiệp "định giá" loại này, do không có nguồn.
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (Ảnh: Trung tâm báo chí Quốc hội) |
Ủy ban Kinh tế của Quốc hội ghi nhận nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước nhằm ổn định thị trường, qua đấu thầu vàng miếng SJC hay bán vàng cho 4 ngân hàng thương mại quốc doanh. Các đơn vị này cung ứng kim loại quý ra thị trường qua kênh bán online hoặc ứng dụng ngân hàng (app), sau đó người dân nhận vàng trực tiếp ở các chi nhánh, đại lý. Việc này giúp giảm chênh lệch giữa giá vàng miếng SJC trong nước và thế giới về quanh 5-7%.
"Tuy nhiên, chênh lệch giá trong nước và quốc tế sẽ khó giữ như hiện nay khi dừng các biện pháp can thiệp thị trường", cơ quan này nhìn nhận.
Theo dữ liệu từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, chênh lệch giá vàng giữa hai thị trường tăng mạnh từ 2020 đến nay. Năm nay, có thời điểm ghi nhận mức chênh tới 20 triệu đồng một lượng, cao hơn 8,3 lần so với bình quân giai đoạn 2012-2020. Chênh lệch này do cầu về vàng lớn, trong khi nguồn cung vàng miếng bị kiểm soát chặt. Mặt khác, cung vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, trang sức cũng được kiểm soát qua hạn ngạch nhập khẩu hàng năm.
Nguồn cung khan hiếm trong bối cảnh giá vàng liên tục tăng mạnh. Tháng 9, giá vàng trong nước tăng 22,6% so với cuối 2023 và gần 32,3% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 9 tháng, kim loại quý đắt thêm gần 26,3% so với cùng kỳ, khi giá thế giới tăng cao kỷ lục.
Mỗi lượng vàng miếng SJC sáng 21/10 lên 88 triệu đồng ở chiều bán ra, sau khi Ngân hàng Nhà nước thay đổi giá bán can thiệp. Chiều thu mua của các đơn vị kinh doanh cũng tăng tương ứng, lên 86 triệu đồng một lượng. Chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới hiện dao động 2-4,5 triệu đồng một lượng.
>> Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm: Không nóng vội, nhưng cũng không cầu toàn, để mất thời cơ
Lựa chọn 3 lĩnh vực chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
Không hành chính hóa hoạt động của Quốc hội, luật hóa các quy định của nghị định và thông tư