Vai trò của Quốc Cường Gia Lai trong vụ án 6.000m2 đất công biến thành đất tư
Chỉ bỏ ra gần 6 tỷ đồng, Quốc Cường Gia Lai đã mua lại gần như toàn bộ vốn của doanh nghiệp sở hữu 6.000m2 "đất vàng", sau đó chuyển nhượng lại với giá 802 tỷ đồng.
Đất công thành đất tư
Cơ quan CSĐT Bộ Công an vừa khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Bà Rịa và các đơn vị liên quan đến sai phạm tại khu đất 39-39B Bến Vân Đồn, Q.4, TPHCM.
9 bị can gồm nguyên lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam và các doanh nghiệp nói trên cũng bị khởi tố, thi hành lệnh bắt tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú và lệnh khám xét.
Khu đất 39-39B Bến Vân Đồn có tổng diện tích hơn 6.200m2, hiện là khu phức hợp cao 33 tầng, gồm căn hộ và khu thương mại văn phòng, dịch vụ.
Khu đất này từng được Thanh tra Chính phủ đề cập tại kết luận thanh tra về việc chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác tại TPHCM, ban hành vào tháng 7/2021.
Cụ thể, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, kiểm tra để có biện pháp xử lý phù hợp, tránh thất thoát tài sản công tại dự án khu đất số 39-39B Bến Vân Đồn. Trong kiến nghị có nội dung liên quan đến việc chuyển nhượng vốn góp và phương án xử lý, sắp xếp nhà đất trước đó. Nếu phát hiện dấu hiệu hình sự, hồ sơ chuyển sang cơ quan thẩm quyền xử lý theo quy định.
Về nguồn gốc, khu đất này là đất thuộc sở hữu Nhà nước, được giao cho Công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa quản lý. Đây là hai doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam.
Tháng 12/2009, hai doanh nghiệp cao su nói trên góp vốn thành lập Công ty TNHH Phú Việt Tín (Phú Việt Tín), trụ sở tại số 39-39B Bến Vân Đồn, với vốn điều lệ 60 triệu đồng.
Trong đó, Công ty Cao su Đồng Nai sở hữu 72% vốn, tương ứng vốn góp 43,2 triệu đồng và Công ty Cao su Bà Rịa nắm giữ 28% vốn, tức 16,8 triệu đồng.
Đến tháng 3/2010, UBND TPHCM có quyết định thu hồi và giao khu đất nói trên cho Phú Việt Tín để đầu tư, xây dựng dự án theo quy hoạch.
Quốc Cường Gia Lai hưởng lợi gần 800 tỷ đồng?
Đầu tháng 9/2014, Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (Quốc Cường Gia Lai) đã chi gần 6 tỷ đồng để mua lại toàn bộ vốn góp của Công ty Cao su Đồng Nai và Công ty Cao su Bà Rịa tại Phú Việt Tín. Qua đó, sở hữu 99,5% vốn của doanh nghiệp này.
Chỉ vài tháng sau, Quốc Cường Gia Lai đã chuyển nhượng 40% vốn của Phú Việt Tín cho Công ty cổ phần Bất động sản Thịnh Vượng với giá hơn 340 tỷ đồng. Chuyển nhượng 0,5% vốn của Phú Việt Tín cho bà Lại Thị Hoàng Yến với giá 3 tỷ đồng.
54% vốn còn lại tại Phú Việt Tín, Quốc Cường Gia Lai cũng bán lại cho Công ty cổ phần Biệt thự Thành phố với giá 459 tỷ đồng.
Như vậy, với giá vốn bỏ ra chỉ 6 tỷ đồng, Quốc Cường Gia Lai đã sang tay toàn bộ vốn tại Phú Việt Tín với giá 802 tỷ đồng.
Cuối tháng 3/2017, Phú Việt Tín sáp nhập vào Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Bất động sản Phúc Nguyên. Sau đó, dự án khu phức hợp căn hộ chung cư, văn phòng cao 33 tầng đã được xây dựng trên khu đất 39-39B Bến Vân Đồn như hiện nay.
Quá trình thanh tra dự án trên khu đất này, Thanh tra Chính phủ xác định việc Phú Việt Tín không lập dự án đầu tư là vi phạm Nghị định 12/2009 của Chính phủ.
Bên cạnh đó, việc UBND TPHCM ra quyết định thu hồi, giao đất và chỉ định Phú Việt Tín làm nhà đầu tư thực hiện dự án tại số 39-39B Bến Vân Đồn không qua đấu giá là thực hiện không đúng Luật Đất đai 2003 và Thông tư 03/2009 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.