Vận chuyển thủ công vật liệu lên vách đá dựng đứng cao 400m để xây Di sản thế giới ‘lơ lửng trên không’, từng là căn cứ ẩn nấp của quân đội
Mãi đến khi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, nơi này mới thật sự nổi tiếng và thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới.
Meteora là một quần thể tu viện độc đáo nằm trên những đỉnh núi đá ở phía Tây Bắc Thessaly, Hy Lạp. Không chỉ là một công trình kiến trúc ấn tượng, Meteora còn được coi là tuyệt tác kiến trúc hiếm có, không chỉ tại Hy Lạp mà còn trên toàn thế giới.
Tên gọi "Meteora" trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là "lơ lửng trong không khí" và thực sự, các tu viện này được xây dựng cheo leo trên những đỉnh núi, khiến từ xa trông như chúng đang lơ lửng giữa trời. Các tu viện tại đây cũng là một trong những công trình tôn giáo quan trọng nhất ở Hy Lạp, chỉ đứng sau núi Athos.
Quần thể Meteora bao gồm 6 tu viện lớn nhỏ, tất cả đều tọa lạc trên đỉnh các ngọn núi của Thessaly, gần dòng sông Peneios và dãy núi Pindus, tạo nên một cảnh quan hùng vĩ và trang nghiêm.
Tọa lạc ở độ cao gần 400m so với mực nước biển, việc xây dựng các tu viện ở Meteora là một quá trình rất khó khăn và nguy hiểm. Do các vách đá dựng đứng và hiểm trở, việc vận chuyển vật liệu lên đỉnh núi bằng đường bộ là không thể thực hiện được. Thay vào đó, các tu sĩ đã phải sáng tạo ra phương pháp dùng dây thừng nối từ đỉnh núi xuống đất để leo lên, leo xuống và kéo vật liệu xây dựng lên. Phương pháp này tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, dẫn đến nhiều tai nạn và thương vong.
Dù đối mặt với những khó khăn, các tu sĩ với đức tin mãnh liệt vào Chúa trời vẫn kiên trì xây dựng hết tu viện này đến tu viện khác. Công trình đầu tiên hoàn thành, họ tiếp tục xây dựng thêm nhiều tu viện khác trong nhiều năm liền. Quá trình này chỉ kết thúc khi hoàn thành tu viện thứ 24, quần thể này được đặt tên là Meteora, nghĩa là "lơ lửng trên không”.
Quần thể tu viện trên núi đá Meteora đã tạo nên một cộng đồng đông đúc vào cuối thế kỷ 14. Tuy nhiên, cuộc sống yên bình không kéo dài lâu khi các thế lực bạo loạn nổi lên, gây ra tình trạng cướp bóc và hỗn loạn liên tục. Nhiều tu viện đã bị phá hủy trong giai đoạn này. Mặc dù sau đó, các tín đồ Kitô giáo đã nỗ lực phục hồi các tu viện nhưng cũng không thể tái dựng lại hoàn toàn như ban đầu. Đến thế kỷ 18, tu viện Meteora trở thành nơi ẩn nấp của quân đội Hy Lạp và tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề khi bị Đức và Italy chiếm đóng trong Thế chiến II.
Ngày nay, chỉ còn lại 6 trong số 24 tu viện ban đầu vẫn còn nguyên vẹn. Các tu sĩ đã xây dựng bậc thang cố định để dễ dàng lên núi, thay thế việc trèo thang dây nguy hiểm trước kia. Quần thể tu viện Meteora sớm trở thành biểu tượng kiến trúc của Hy Lạp, nhưng mãi đến khi được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới vào năm 1988, nơi này mới thật sự nổi tiếng và thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới.