Vẫn còn khoảng cách trong việc thực thi chính sách để cải thiện môi trường kinh doanh
Theo báo cáo Sẵn sàng Kinh doanh (Business Ready) mới của Nhóm Ngân hàng Thế giới vừa công bố: Trong 50 nền kinh tế được khảo sát, các nền kinh tế ban hành quy định cải thiện môi trường kinh doanh tốt hơn, tuy nhiên, cung cấp dịch vụ công cần thiết để bảo đảm tiến bộ thực sự vấn là vấn đề cần cải thiện.
Theo báo cáo, gần như tất cả 50 nền kinh tế được đánh giá trong năm nay đều đạt điểm cao hơn khi xem xét về khuôn khổ pháp lý so với cung cấp các dịch vụ công tạo điều kiện cho các doanh nghiệp (DN) tuân thủ. Khoảng cách về thực thi chính sách này khiến các DN, người lao động và toàn xã hội không thể tận dụng đầy đủ lợi ích của một môi trường kinh doanh lành mạnh.
Trên thang điểm từ 0 đến 100, các nền kinh tế đạt điểm trung bình 65,5 về chất lượng khuôn khổ pháp lý — nghĩa là, trung bình, các nền kinh tế đã đi được gần hai phần ba chặng đường để tạo ra môi trường thuận lợi cho kinh doanh.
Mặc dù vậy, các nền kinh tế chỉ đạt điểm 49,7 cho dịch vụ công, cho thấy họ chỉ sẵn sàng một nửa so với mức cần thiết. Khoảng cách này tồn tại ở mọi mức thu nhập và mọi khu vực, mặc dù ở các nền kinh tế có thu nhập cao thì khoảng cách này thấp, và khoảng cách lớn nhất là ở châu Phi cận Sahara, Trung Đông và Bắc Phi.
Ông Indermit Gill, chuyên gia kinh tế trưởng và Phó Chủ tịch cấp cao về Kinh tế phát triển của Nhóm Ngân hàng Thế giới cho hay: Với tăng trưởng kinh tế chậm lại do nhân khẩu học, nợ nần và xung đột, tiến bộ sẽ chỉ đến thông qua sự hiệu quả của khối tư nhân. Báo cáo này cung cấp các thông tin cần thiết từ đó, giúp cải thiện môi trường thuận lợi cho DN, các cổ đông, người tiêu dùng và người lao động, đồng thời vẫn bảo đảm thân thiện với môi trường.
Tiếp nối báo cáo Doing Business (Môi trường Kinh Doanh), báo cáo Sẵn sàng Kinh doanh theo đuổi cách tiếp cận cân bằng và minh bạch hơn đối với việc đánh giá môi trường kinh doanh và đầu tư của một quốc gia.
Báo cáo này không chỉ đánh giá về những gánh nặng từ thể chế mà các công ty phải đối mặt trong quá trình thâm nhập thị trường, đổi mới và mở rộng hoạt động mà còn đánh giá chất lượng của các quy định.
Ví dụ, các quy định về lao động có bao gồm các yêu cầu về an toàn tại nơi làm việc không? Các quy định về khởi nghiệp có yêu cầu phải xác minh danh tính của doanh nhân không? Ngoài việc tính đến các quy định về kinh doanh, báo cáo còn đánh giá các dịch vụ công cần thiết để thực hiện chúng. Các cơ quan quản lý có tạo điều kiện thuận lợi cho các DN nộp thuế bằng cách thiết lập các nền tảng trực tuyến đầy đủ và kết nối không? Có cung cấp cơ sở dữ liệu công cộng hỗ trợ tính minh bạch và giúp các DN tốt được nhận tín dụng dễ dàng không?
Phân tích về bức tranh tổng thể, ông Norman Loayza, Giám đốc Nhóm chỉ số của Ngân hàng Thế giới phân tích: Các nền kinh tế giàu có hơn có thường có môi trường thuận lợi cho kinh doanh hơn, nhưng các nền kinh tế không nhất thiết phải giàu có mới có thể có môi trường kinh doanh tốt.
"Phân tích của chúng tôi cho thấy các nền kinh tế có thu nhập thấp và trung bình cũng có thể tạo ra được môi trường thuận lợi cho kinh doanh. Ví dụ, Rwanda, Georgia, Colombia, Việt Nam và Nepal hoạt động tốt trong nhiều lĩnh vực như chất lượng quy định, sức mạnh của các dịch vụ công và hiệu quả chung của hệ thống", ông Norman Loayza nói.
Theo báo cáo, Việt Nam đạt điểm cao trong các lĩnh vực Dịch vụ Tiện ích, Lao động và Thương mại Quốc tế. Trong các lĩnh vực này, nền kinh tế cung cấp thông tin minh bạch về điện (yêu cầu kết nối, biểu phí, cơ chế khiếu nại), cung cấp các cơ chế giải quyết tranh chấp lao động, áp dụng các thực tiễn tốt trong thương mại số và thương mại bền vững.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam phải tiếp tục cải thiện các lĩnh vực phá sản DN, thuế và dịch vụ tài chính. Trong các lĩnh vực này, nền kinh tế thiếu sự chuyên môn hóa của các Tòa án có thẩm quyền về các thủ tục tái tổ chức và thanh lý, không cho phép quy trình hủy đăng ký thuế tự động hoặc trực tuyến, không cung cấp một hệ thống đăng ký tài sản thế chấp với các tính năng hiện đại, dựa trên thông báo thống nhất.
Báo cáo Sẵn sàng kinh doanh đầu tiên phát hành năm 2024 đánh giá môi trường kinh doanh tại 50 nền kinh tế, cung cấp một tập dữ liệu mở rộng 1200 chỉ số cho mỗi nền kinh tế, để xác định các lĩnh vực cụ thể có cải thiện qua đó thúc đẩy cải cách.
Báo cáo này sẽ mở rộng tới 180 nền kinh tế vào năm 2026, cung cấp chuẩn mực toàn cầu đầy đủ, minh bạch. Tất cả thông tin được dự án thu thập—dữ liệu thô, điểm số cũng như các phép tính được sử dụng để có được điểm số, hiện có sẵn công khai trên trang web của dự án. Hơn nữa, tất cả các kết quả được trình bày trong báo cáo đều có thể sao chép được bằng các bộ công cụ đơn giản có sẵn trên trang web.
>> Thủ tướng: Không có doanh nhân giỏi thì dòng chảy kinh tế sẽ ngưng trệ
Lý giải điều gây tranh cãi về sửa đổi nghị định kinh doanh xăng dầu
Dự thảo Nghị định kinh doanh xăng dầu vẫn gây nhiều tranh cãi