Để bảo đảm điện cho miền Bắc, Bộ Công Thương vừa đưa ra một số giải pháp trước mắt như yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vận hành hệ thống điện hợp lý, cố gắng tăng huy động nhiệt điện để ngăn chặn suy giảm mực nước thuỷ điện; đẩy mực nước các hồ thủy điện lớn lên khỏi mực nước chết càng sớm càng tốt.
Ngày 8/6, Bộ Công Thương có đoàn công tác thực tế tại Hồ thuỷ điện Thác Bà. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Điện tử Chính phủ, hiện mực nước tại Hồ thuỷ điện Thác Bà dưới mực nước chết. Tương tự, các hồ thủy điện ở miền Bắc gần như tạm ngưng phát điện. Chỉ còn nhà máy thủy điện Hòa Bình còn hoạt động (xả nước phát điện).
11 hồ thuỷ điện phải ngừng phát điện do dưới mực nước chết
Theo báo cáo của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, cập nhật đến ngày 8/6, lưu lượng nước về các hồ trong cả nước tăng nhẹ so với hôm qua nhưng vẫn ở mức thấp. Mực nước một số hồ khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên xấp xỉ và dưới mực nước chết.
Khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, mực nước các hồ ở mức yêu cầu theo quy định của quy trình vận hành.
Lượng nước về hồ chủ yếu để điều tiết nước bảo đảm dòng chảy tối thiểu, các nhà máy thủy điện vận hành phát điện bằng lưu lượng nước về, một số nhà máy phải dừng để bảo đảm an toàn cho tổ máy khi vận hành với lưu lượng và cột nước thấp dưới thiết kế, khó có thể đáp ứng đươc việc phát điện theo quy trình vận hành hồ chứa tại thời kỳ này.
Một số hồ ở mực nước chết gồm: Lai Châu, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Thác Mơ, Trị An.
Một số thủy điện phải dừng phát điện vì lưu lượng và mực nước hồ không bảo đảm: Sơn La, Lai Châu, Huội Quảng, Thác Bà, Tuyên Quang, Bản Vẽ, Hủa Na, Trung Sơn, Trị An, Đại Ninh, Pleikrong.
Dự báo tình hình thủy văn, lưu lượng nước về hồ 24 giờ tới tăng nhẹ, vẫn thấp; mực nước hồ dao động nhẹ ở mức thấp.
Riêng tại khu vực Bắc Bộ, các hồ thủy điện lưu lượng về hồ thấp, dao động nhẹ so với ngày hôm qua: Hồ Lai Châu: 102 m3/s; Hồ Sơn La: 118 m3/s; Hồ Hòa Bình: 311 m3/s; Hồ Thác Bà: 76m3/s; Hồ Tuyên Quang: 110 m3/s; Hồ Bản Chát: 11 m3/s.
Vận hành hệ thống hợp lý, đẩy nhanh thời gian khắc phục sự cố điện
Trước đó, chiều 7/6, thông tin về tình hình cung ứng điện, ông Trần Việt Hòa, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, hệ thống điện miền Bắc đối mặt với nguy cơ thiếu công suất tại hầu hết các giờ trong ngày. Tình hình nắng nóng gay gắt và tác động của hiện tượng El Nino diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước đã làm tăng nhu cầu điện sinh hoạt của nhân dân, kết hợp với tình trạng nước về các hồ thuỷ điện rất thấp đã gây ảnh hưởng rất lớn đến việc cung ứng điện trong mùa khô năm 2023.
Mặc dù EVN, PVN, TKV và các bộ, cơ quan có liên quan đã nỗ lực thực hiện một số giải pháp cấp bách nhưng đến nay đã xuất hiện những yếu tố ảnh hưởng tiêu cực đến việc bảo đảm cung ứng đủ điện trọng thời gian tới, đặc biệt là ở miền Bắc (với đặc trưng là nguồn thuỷ điện chiếm tỷ trọng lớn 43,6%).
Về nguồn điện đến từ các nhà máy nhiệt điện, ông Hòa cho biết, việc cung ứng than cho các nhà máy nhiệt điện thời gian qua đã được bảo đảm, các nhà máy nhiệt điện than đã đủ nhiên liệu vận hành với công suất huy động cao.
Tuy nhiên, do thời tiết nắng nóng, nhiệt độ tăng cao, các tổ máy hoạt động tối đa công suất trong thời gian dài dẫn đến những sự cố về thiết bị (chủ yếu là xì ống sinh hơi, xì bộ hâm, bộ quá nhiệt, máy nghiền than, bơm cấp...). Ngoài ra, nhiều tổ máy nhiệt điện than bị sự cố dài ngày (Vũng Áng 1 tổ, Phả Lại 1 tổ, Cẩm Phả 1 tổ, Nghi Sơn 2 1 tổ). Điển hình như ngày như 1/6, tổng công suất không huy động được từ các nhà máy nhiệt điện than miền Bắc bị sự cố và suy giảm công suất lên đến 1.030 MW.
Như vậy, mặc dù nguồn nhiên liệu than cho phát điện đã được cấp tương đối bảo đảm nhưng cập nhật đến ngày 6/6, nguồn nhiệt điện than miền Bắc chỉ huy động được 11.934 MW, chiếm 76,6% công suất lắp.
Bên cạnh đó, khả năng truyền tải điện từ miền Trung ra miền Bắc qua đường dây 500 kV Bắc-Trung luôn ở ngưỡng giới hạn cao (giới hạn tối đa từ 2.500 MW đến 2.700 MW) dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ sự cố.
Tổng công suất khả dụng của hệ thống điện miền Bắc (bao gồm cả điện nhập khẩu) có thể huy động để đáp ứng nhu cầu phụ tải điện chỉ đạt mức 17.500-17.900 MW (khoảng 59,2% công suất lắp đặt).
Trong khi đó, nhu cầu sử dụng điện ở khu vực miền Bắc có thể lên mức 23.500-24.000 MW trong những ngày nắng nóng sắp tới. Như vậy, hệ thống điện miền Bắc sẽ thiếu hụt khoảng 4.350 MW với sản lượng không đáp ứng được trung bình ngày khoảng là 30,9 triệu kWh (ngày cao nhất có thể lên tới 50,8 triệu kWh).
Để bảo đảm cung ứng điện, Bộ Công Thương đã đưa ra một số giải pháp trước mắt như yêu cầu EVN tập trung huy động hiệu quả mọi nguồn lực, trong chỉ đạo điều hành thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện. Trong đó gồm các giải pháp kỹ thuật, truyền thống như duy trì độ sẵn sàng các nhà máy/tổ máy nhiệt điện, đẩy nhanh thời gian khắc phục sự cố nhanh nhất có thể.
Vận hành hệ thống điện hợp lý, cố gắng tăng huy động nhiệt điện để ngăn chặn suy giảm mực nước thuỷ điện; đẩy mực nước các hồ thủy điện lớn lên khỏi mực nước chết càng sớm càng tốt.
Chủ động xây dựng các kịch bản linh hoạt ứng phó với những khó khăn về cung ứng điện nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân và doanh nghiệp.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đưa ra giải pháp tăng cường huy động các nhà máy năng lượng tái tạo, đẩy nhanh tiến độ đưa các nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp vào vận hành. Đến nay,18 nhà máy năng lượng tái tạo chuyển tiếp với công suất 1.115,62 MW (bao gồm các nhà máy vận hành thử nghiệm và vận hành thương mại) đã được huy động. Đồng thời, các đơn vị tập trung cao độ thực hiện hiệu quả các giải pháp về tăng cường tiết kiệm điện, đặc biệt trong tháng 6/2023.