‘Vàng nâu’ của Việt Nam bất ngờ được ưa chuộng tại một quốc gia Bắc Phi, xuất khẩu tăng 88 lần chỉ trong nửa đầu năm

Nguyên Mộc 19/07/2025 - 11:27

Kim ngạch xuất khẩu ‘vàng nâu’ sang thị trường này bất ngờ tăng kỷ lục, gấp 88 lần chỉ trong nửa đầu năm, nhờ chính sách thuế mới và gu tiêu dùng đậm chất bản địa.

Theo số liệu của Cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 5,45 tỷ USD với 953.900 tấn, gần bằng kim ngạch cả năm 2024 là 5,48 tỷ USD, cho thấy ngành hàng này có nhiều động lực cho mục tiêu 7 tỷ USD cả năm 2025.

Về thị trường xuất khẩu, EU tiếp tục là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong nửa đầu năm, chiếm tới 42,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, đạt 409.713 tấn, kim ngạch 2,3 tỷ USD, tăng 14,7% về lượng và tăng 84,9% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2024.

Tuy nhiên, điểm nhấn đáng chú ý là Algeria, một thị trường Bắc Phi bất ngờ vươn lên vị trí quan trọng. Nửa đầu năm 2025, giá trị xuất khẩu cà phê Việt sang Algeria đạt 148,3 triệu USD, tăng đến 88 lần so với cùng kỳ 2024, đưa thị trường này trở thành một trong top 10 thị trường hàng đầu.

Algeria không sản xuất cà phê, tiêu thụ hàng năm khoảng 130.000 tấn, hoàn toàn nhập khẩu, với cà phê nhân Robusta Việt Nam chiếm trên 85%. Một trong những nguyên nhân chính là chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu giảm từ 30% xuống 5%, miễn VAT 19% và thuế tiêu thụ nội địa, khiến tổng mức thuế chỉ còn 10%, thay vì khoảng 63% trước đó.

Theo số liệu của Cục Hải quan, trong năm 2024, các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Algeria 34.158 tấn cà phê nhân xanh, kim ngạch đạt 127,4 triệu USD.

Cà phê được nhập khẩu dưới dạng thô (hạt) và được các nhà nhập khẩu Algeria rang xay, chế biến tại các nhà máy theo thị hiếu của người tiêu dùng Algeria và chính sách nhập khẩu của nước này. Trong đó, cà phê Robusta chiếm phần lớn tỷ trọng trong tổng kim ngạch nhập khẩu cà phê của Algeria (trên 85%), còn lại là cà phê Arabica.

‘Vàng nâu’ của Việt Nam bất ngờ được ưa chuộng tại một quốc gia Bắc Phi, xuất khẩu tăng 88 lần chỉ trong nửa đầu năm
‘Vàng nâu’ của Việt Nam bất ngờ được ưa chuộng tại một quốc gia Bắc Phi, tăng 88 lần chỉ trong nửa đầu năm (Ảnh minh họa)

Việt Nam hiện là quốc gia sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới, riêng dòng cà phê Robusta, Việt Nam đang thống trị trên thị trường toàn cầu.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng cà phê Việt Nam niên vụ 2024 - 2025 sẽ đạt tới 1,8 triệu tấn; tăng khoảng 150.000 tấn so với niên vụ trước 2023 - 2024; trong số này có đến 1,74 triệu tấn cà phê robusta.

Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, năm 2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ước đạt 1,32 triệu tấn, với kim ngạch 5,48 tỷ USD, giảm 18,8% về khối lượng nhưng tăng 29,11% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.

Sự bùng nổ tại Algeria chỉ là một ví dụ điển hình cho xu hướng mở rộng thị phần cà phê Việt tại các thị trường mới nổi. Đồng thời, Việt Nam cũng đang thúc đẩy xuất khẩu chế biến sâu (rang xay, hòa tan), vốn hiện chiếm khoảng 10–15% tổng kim ngạch nhưng có dư địa tăng trưởng mạnh, góp phần nâng cao giá trị gia tăng và tính bền vững cho ngành hàng “vàng nâu”.

>> Lần đầu tiên sản xuất thành công tại Việt Nam, ‘vũ khí’ mới của ngành kinh tế tỷ đô

Đề xuất hỗ trợ 3.300 xã, phường bán nông sản online: Không thể cái gì ngon nhất thì đem đi xuất khẩu

Lần đầu tiên, một quốc gia vượt Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/vang-nau-cua-viet-nam-bat-ngo-duoc-ua-chuong-tai-mot-quoc-gia-bac-phi-xuat-khau-tang-88-lan-chi-trong-nua-dau-nam-296915.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    ‘Vàng nâu’ của Việt Nam bất ngờ được ưa chuộng tại một quốc gia Bắc Phi, xuất khẩu tăng 88 lần chỉ trong nửa đầu năm
    POWERED BY ONECMS & INTECH